Công ty AA Corporation mà anh là giám đốc có tất cả 1.500 nhân viên với một cửa hàng ở Hà Nội, một ở Đà Nẵng và bốn tại Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm ba mảng hoạt động: công trình (xây dựng cao ốc, khách sạn từ 4 đến 5 sao, nhà hàng sang trọng…), cửa hàng bán lẻ và xuất khẩu sản phẩm trang trí nội thất cao cấp với hai đối tác chính ở Nhật và Mỹ.
Ngoài công việc đa đoan của mình, anh còn là người bạn đồng hành của vợ trong thương trường. Vợ anh – chị Lý Quỳnh Kim Trinh – cũng là một doanh nhân với sự nghiệp kinh doanh gồm ba nhà hàng CIAO tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhà hàng Santa Lucia chuyên các món ăn Ý và nhà hàng Sama chuyên thức ăn Pháp, cả hai đều ở tại quận 1.
Anh đến thật đúng hẹn với nụ cười cởi mở cho thấy đó là một con người lạc quan. Chúng tôi bắt đầu buổi trò chuyện trong không gian ấm cúng của nhà hàng CIAO trên đường Mạc Đĩnh Chi bằng một nhận xét thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn, bởi trong lĩnh vực kinh doanh, vợ chồng anh là những doanh nhân được nhiều người biết đến; còn trong đời riêng, họ cũng được bạn bè trầm trồ về một mẫu mực gia đình hạnh phúc và thành đạt.
– Khi mới cưới nhau vào năm 1990, vợ tôi không đi làm. Chính tôi khuyến khích Trinh nên tham gia vào đời sống xã hội, vì theo tôi, người phụ nữ có đi làm sẽ dễ đồng cảm với chồng hơn, nhất là đối với một người chồng doanh nhân.
Thế là từ đó chị bắt đầu làm quen với thương trường. Phần lớn nhà hàng của chị được hình thành từ ý tưởng của anh, đến khi cơ ngơi đã hoàn tất thì chị đứng ra tự quản lý, anh không phải bận tâm đến nữa. Từ một cô con gái út được cưng chiều hết mực trong gia đình, chị nhanh chóng trở thành một nhà quản lý nhạy bén trong kinh doanh và đảm đương công việc làm ăn rất trôi chảy.
—
Đó là nhận xét của anh về chị trong cương vị “bà chủ nhà hàng”. Thế còn trong gia đình?
Vợ tôi là người tính tình rất đằm thắm, nhờ vậy mới có thể sống êm ấm với một người chồng nóng tính như tôi.
Thật là một lời khen làm mát lòng người phụ nữ có ông chồng… nóng tính. Trong việc điều hành thì cả hai vợ chồng hồn ai nấy giữ, hầu như họ không hề tham gia trực tiếp vào công việc của nhau. Biết rằng vợ mình đã đủ vất vả nên anh giữ ý, ít khi nào thổ lộ những khó khăn trong công việc của mình để chị khỏi thêm nặng lòng. Thông thường anh chỉ chia sẻ với chị những niềm vui hay tham khảo ý kiến về một đôi việc nhẹ nhàng. Tôi hỏi anh:
—
Vậy thì chị có giúp được ý kiến gì “sáng nước” cho anh không?
Điều may mắn nhất là vợ chồng tôi có cùng một “gu” về thẩm mỹ cũng như chung sở thích đam mê cái đẹp. Trong nghề thiết kế nội thất của tôi, cánh đàn ông dù tay nghề vững vàng đến đâu thì vẫn có nhược điểm là hơi cứng cỏi, vì vậy nếu có thêm ý kiến đóng góp của một phụ nữ có khiếu thẩm mỹ, thì chỉ cần một chút chấm phá đầy nữ tính điểm xuyết vào là vẻ đẹp được tôn lên nhiều lần. Chẳng hạn thông thường tôi chủ động thiết kế toàn bộ những cửa hàng của mình, đến khi mọi việc hoàn tất, vợ tôi chỉ cần đến xem qua để bổ khuyết thêm một vài nét trang trí nho nhỏ, một bình hoa xinh xinh đặt đúng chỗ, thế là gian phòng có được nét nhẹ nhàng tươi mát hơn.
Vợ tôi là người tính tình rất đằm thắm, nhờ vậy mới có thể sống êm ấm với một người chồng nóng tính như tôi
—
Đó cũng là lý do mà hầu như các chuyến đi nước ngoài anh luôn luôn đưa vợ đi cùng, đến độ một số bạn bè thường trêu chọc là chị theo để giữ chồng. Về việc này anh lại có quan điểm rất rõ rệt:
Những chuyến đi nước ngoài đối với tôi thường là một công năm ba việc, vừa giải quyết công việc (như dự hội chợ, tham gia hội nghị), vừa đi du lịch (vì có đủ cả hai vợ chồng) và là cơ hội học hỏi, nghiên cứu thị trường hết sức bổ ích mà lại nhẹ nhàng thoải mái. Một bữa đi ăn nhà hàng, đi uống cà phê, viếng danh lam thắng cảnh… đều là dịp thu thập kinh nghiệm để áp dụng cho công việc của mình. Càng thú vị hơn khi bên cạnh có người cùng chung quan điểm thẩm mỹ để chia sẻ với nhau những cái đẹp, cái hay. Tôi luôn tìm được ở vợ một sự đồng cảm về những ý tưởng trong sáng tạo.
Bốn mươi bốn tuổi đời, anh đã có hơn 20 năm lăn lộn trong nghề, bởi vì ngay từ khi còn ngồi ghế trường đại học anh đã bắt đầu nhận vẽ bản thiết kế cho nhiều cơ sở và công trình nhỏ. Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc năm 1983, anh về công tác tại Phòng thiết kế trường Đại học Bách Khoa. Sau hai năm thi hành nghĩa vụ quân sự, từ năm 1987 anh trải qua hai nơi công tác khác là Công ty Xuất nhập khẩu Bình Chánh và Quận 10 trước khi đứng ra thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn vào năm 1990.
Có thể nói đây là đơn vị đầu tiên về thiết kế và trang trí nội thất tại Thành phố Hồ Chí Minh sau ngày giải phóng. Nhóm của anh gồm ba kiến trúc sư là Nguyễn Văn Tất, Lê Thanh Toàn và anh cùng thống nhất đặt tên cho công ty là AA Corporation (chữ tắt của Advance Architecture) với ý nghĩa ngành kiến trúc hướng tới tương lai. Ngoài ra còn một lý do khác: A là mẫu tự đầu tiên nên sẽ luôn luôn nằm ở hàng đầu danh sách khi khách hàng cần truy cập. Xem ra trong công việc của mình anh có nhiều điểm đáng để kể lại:
AA Corporation là công ty đầu tiên của Việt Nam xác định rõ hướng đi chỉ chuyên về nội thất với một điều khẳng định: “Luôn luôn ở vị trí hàng đầu trong việc cung cấp hàng trang trí nội thất cao cấp”. Điều này cho thấy, trong niềm tự hào là một đơn vị tiên phong của ngành này đồng thời chúng tôi cũng mang một gánh nặng là phải duy trì mãi mãi vị trí này. Đây chính là một áp lực trong công việc.
Trong nghề thiết kế nội thất của tôi, cánh đàn ông dù tay nghề vững vàng đến đâu thì vẫn có nhược điểm là hơi cứng cỏi, vì vậy nếu có thêm ý kiến đóng góp của một phụ nữ có khiếu thẩm mỹ thì vẻ đẹp được tôn lên nhiều lần
—
Anh có thể giải thích rõ hơn về “thị trường nội thất cao cấp”?
Sản phẩm của chúng tôi chủ yếu nhắm vào thị trường cao cấp với tiêu chuẩn giá cả cao, đối tượng khách hàng chọn lọc và dịch vụ cung cấp toàn hảo. Đây hoàn toàn chỉ là sự phân khúc thị trường rõ rệt chứ không phải vì chúng tôi coi nhẹ các khách hàng ít tiền. Quan niệm về nội thất hiện nay không còn coi bàn ghế giường tủ là một vật có giá trị tài sản như xưa nữa mà trở thành thời trang, trong đó yếu tố thẩm mỹ, tính tiện dụng được đặt lên hàng đầu với mẫu mã được thiết kế rất công phu và độc đáo.
Trong xây dựng công trình thì khách hàng của chúng tôi là những người hào phóng về tiền bạc nhưng lại tiết kiệm về thời gian với những đòi hỏi khắt khe về chất lượng, vì thế họ tìm đến chúng tôi và tin cậy giao phó tất cả từ khâu thiết kế, thi công, trang bị nội thất, sân vườn… cho tòa nhà sang trọng của họ với phương cách “chìa khóa trao tay”.
Qua hợp đồng thi công cho các khách sạn lớn loại 5 sao như Sofitel, Novotel, Caravelle, Norfokl, Sky Garden…, công ty AA Corporation càng nắm rõ hơn nữa tiêu chí hàng nội thất cao cấp là thế nào. Những năm gần đây trong xã hội bắt đầu có nhu cầu về đồ nội thất cao cấp, với kinh nghiệm trong việc xây dựng và thiết kế nội thất các công trình tầm cỡ trong và ngoài nước nhiều năm qua cùng với đội ngũ nhân viên hùng mạnh, Công ty của anh có cơ hội phục vụ cho các đối tượng khách hàng trong nước với cái giá không đắt như chính giá trị của nó.
Những ngày này, trong khi nhiều ngành nghề khác đang lao đao vì ảnh hưởng của AFTA như báo chí vẫn thường xuyên đề cập đến, thì riêng ngành trang trí nội thất vẫn vững vàng, thậm chí còn có thế mạnh ở chỗ hàng của chúng ta vừa sắc sảo vừa thẩm mỹ mà giá cả lại rẻ hơn so với các nước. Anh Nguyễn Quốc Khanh kể:
Một người bạn khoe với tôi vừa mua một bộ nhà bếp (kitchen cabinet) mang từ Singapore về với giá 15 ngàn USD, nhưng khi đến xem tận mắt tôi khẳng định có thể mua một bộ y hệt như thế tại VN với giá chỉ 2 ngàn USD. Hay ở nước ngoài hiện nay một bộ nhà bếp đúng tiêu chuẩn giá thấp nhất phải 50 ngàn USD chưa tính đến thiết bị, nhưng tại VN thì giá thấp hơn rất nhiều mà chất lượng không hề thua kém. Ngay trong những ngày tới đây chúng tôi sẽ tung ra thị trường một mẫu mã ghế salon hoàn toàn mới mà Công ty AA xuất khẩu sang Hoa Kỳ đúng theo tiêu chuẩn Mỹ với chất lượng tốt gấp đôi loại ghế thông thường hiện nay nhưng giá chỉ đắt hơn một phần ba.
—
Anh quan tâm điều gì hơn cả hiện nay trong việc quản lý?
Anh nói sau một phút suy nghĩ:
Trong xã hội chúng ta thường tồn tại một tâm lý thích làm chủ hơn làm công. Theo tôi, cách suy nghĩ này không phù hợp lắm trong nền kinh tế tri thức hiện nay. Ở các xã hội tiên tiến – như Mỹ chẳng hạn, bao giờ nhà quản lý chuyên nghiệp cũng nhiều hơn những ông chủ. Chính những nhà quản lý chuyên nghiệp mới là người đóng góp quan trọng cho sự phát triển của mọi lĩnh vực hoạt động.
Trong khi đó ở nước ta thông thường hễ một chuyên viên được đào tạo tại một công ty lớn vừa mới vững tay nghề đã mong muốn tách ra, kéo theo vài đồng nghiệp thân thiết để thành lập một công ty nhỏ và trở thành ông chủ. Tuy nhiên không phải ai cũng thành công. Thế là các công ty lớn bị suy yếu đi còn các công ty nhỏ thì không đủ mạnh. Điều này cũng đã xảy ra tại công ty của tôi. Điều đáng tiếc nhất là có những chuyên viên rất giỏi về chuyên môn, nhưng khi tách ra tự đứng làm chủ một cơ ngơi nhỏ thì phải bù đầu vào việc quản lý, nào là giao tế, tài chính, nhân sự… vốn không phải là sở trường khiến cho họ ngày càng ít có thì giờ tập trung phát triển kỹ năng nghề nghiệp.
Đó cũng là lý do chúng ta ít có được những đại công ty tầm cỡ. Để khắc phục điều này, tôi mong muốn trong một tương lai gần khi doanh nghiệp của mình phát triển đủ mức sẽ gia nhập vào thị trường chứng khoán, tất nhiên với điều kiện thị trường chứng khoán của chúng ta cũng phải phát triển tốt. Chừng đó các công nhân sẽ được sở hữu cổ phần để trở thành các cổ đông, tức là những người chủ của công ty. Điều này thỏa mãn được tâm lý của nhân viên đồng thời phù hợp với xu thế phát triển hiện đại là phải có ít ông chủ mà nhiều chuyên viên và nhà quản lý chuyên nghiệp.
Trong xã hội chúng ta thường tồn tại một tâm lý thích làm chủ hơn làm công. Theo tôi, cách suy nghĩ này không phù hợp lắm trong nền kinh tế tri thức hiện nay
Suốt buổi cơm trưa, mấy lần điện thoại reo, anh nhẹ nhàng xin lỗi người gọi để câu chuyện giữa chúng tôi không bị ngắt quãng. Còn bây giờ anh đã phải rời nơi đây để đến dự một cuộc họp.
Anh từ giã chúng tôi với lời hẹn một buổi gặp gỡ khác để trao đổi thêm nhiều điều lý thú quanh công việc mà anh hết lòng say mê.