Beethoven là nhà soạn nhạc lừng danh thế giới mà ngay cả những người chưa bao giờ nghe nhạc cổ điển cũng biết đến tên ông. Tuy vậy, góc khuất không vui về cuộc đời thực của nhà soạn nhạc lại ít được nhắc đến.
Beethoven, con người của âm nhạc
Beethoven tên đầy đủ là Ludwig van Beethoven (17-12-1770 – 26-3-1827) là một nhà soạn nhạc cổ điển người Đức, nhưng phần lớn cuộc đời ông lại sống ở thủ đô Vienne của Áo. Ông được khắp nơi công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng nhất đến nhiều thế hệ nhạc sĩ. Trong số những kiệt tác của ông phải kể đến bản Giao hưởng số 2 Rê trưởng, bản Giao hưởng số 3 Mi giáng trưởng (Anh hùng ca), bản Giao hưởng số 5 Đô thứ (Định mệnh), bản Giao hưởng số 6 Fa trưởng (Đồng quê), bản Giao hưởng số 7 La trưởng, bản Giao hưởng số 9 Rê thứ (Niềm vui), các tác phẩm cho dương cầm như Für Elise và các sonata Bi tráng (Pathétique), Ánh trăng (Moonlight), Bình minh (Waldstein), Khúc đam mê (Appasionata)… các sonata cho vĩ cầm như Mùa xuân (Spring), Kreutzer… các concerto cho piano số 2, số 3, số 5, các concerto cho đàn violon, các khúc mở màn (Overture) Coriolan, Leonore, Egmont… và vở opera duy nhất Fidelio…
Năm 1781, khi mới 11 tuổi, Beethoven đã biểu diễn như một nghệ sĩ piano điêu luyện tại Hà Lan. Năm 1795, Beethoven bắt đầu nổi danh là nghệ sĩ piano với bản Concerto cung đô trưởng. Nhưng chẳng may từ năm 1818, ông bắt đầu bị lãng tai nên tài năng bắt đầu giảm. Tuy vậy, những tác phẩm của Beethoven lại vượt trội những gì mà ông sáng tác trước đó. Trong số này có bản Giao hưởng số 3 (Anh hùng) (1804) đề tặng Napoléon, Bình minh (1804) và Appassionta (1805), bản Giao hưởng số 4 (1806), bản Giao hưởng số 5 (Định mệnh – 1808).
Những năm cuối đời, Beethoven bị điếc hẳn cả hai tai và về sống với người em tên là Johann. Chứng nghiện rượu khiến cơ thể ông gần như tê liệt và ông từ trần lúc 5 giờ chiều ngày 26-3-1827 ở tuổi 57. Sau khi ông qua đời, nhiều nghiên cứu về hộp sọ của ông đã được tiến hành để bác bỏ một số giả thuyết về cái chết của ông như do mắc bệnh Crohn hoặc do ngộ độc chì… Tháng 3-2020, nhân kỷ niện 250 năm ngày sinh của ông, tờ Grunge của Mỹ đã cập nhật thêm những tình tiết mới, đặc biệt là những góc khuất về cuộc đời thực của ông mà lâu này ít được đề cập.
Những góc khuất trong cuộc đời Beethoven
4 anh chị em Beethoven chết khi mới chào đời
Trong quá khứ, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh rất cao và tuổi thọ của con người cũng không thọ như hiện nay. Hầu hết những người sinh vào khoảng năm 1800 may mắn lắm mới qua tuổi 40, nhưng Beethoven lại có tuổi thọ vượt trội: ông sinh năm 1770, qua đời ở tuổi 57 nên đã đánh bại tỷ lệ này, song hầu hết anh chị em của ông lại đều chết trẻ.
Theo trang tin Georgina St George, Beethoven là người con thứ hai trong số 7 anh chị em của ông bà Johann van Beethoven và Maria Magdalena Keverich. Chỉ có 3 người trong số này sống đến tuổi trưởng thành, gồm Beethoven, Kaspar Anton Karl và Nikolaus Johann, cả hai người đều là em Beethoven. 4 anh chị em khác của ông đều chết trẻ gồm anh trai Ludwig Maria, sống được 6 ngày, chị Anna Maria Francisca chết được vài tháng tuổi, anh trai Franz Georg qua đời khi mới 2 tuổi và chị Maria Margarita Josepha qua đời khi được 1 tuổi vào năm 1786. Chưa hết, cũng cùng năm đó, mẹ của Beethoven cũng qua đời mà theo giả định là do mắc “bệnh lãng phí” (bệnh điếc đang tiến triển), thuật ngữ phổ biến hồi cuối thế kỷ 18.
Beethoven từng mắc chứng khó đọc
Mặc dù chứng rối loạn học tập không được xác định lâm sàng cho đến khi ông qua đời, song nhiều khả năng cho thấy Beethoven mắc chứng khó đọc. Học vấn của Beethoven đã bị gián đoạn sau khi mẹ ông qua đời vào năm 1786. Bước vào tuổi 16, Beethoven buộc phải bỏ học để tiếp quản việc quản lý gia đình từ người cha Johann đang chìm trong chứng nghiện rượu.
Chứng khó đọc (dyslexia) đặc trưng cho các vấn đề gặp rắc rối về đọc hiểu và đánh vần dù trí tuệ bình thường. Y học nghi dyslexia có cả yếu tố di truyền lẫn môi trường. Theo nhà văn Edmund Morris viết trong cuốn tiểu sử về Beethoven, các bản nhạc của Beethoven vừa là “kiệt tác lại vừa phức tạp”, nhưng cũng qua các tác phẩm này lộ rõ những khuyết khuyến về kiến thức của nhà soạn nhạc, nhất là khi làm các phép tính đơn giản như nhân chia.
Ngoài ra, Beethoven còn gặp khó khăn về chính tả. Tuy không rõ nguyên nhân, nhưng nhiều nhà sử học phỏng đoán, rất có thể Beethoven bị khuyết tật học tập, nhưng đương thời nó lại không được công nhận. Thậm chí tiến sĩ Christopher Neck, một trong những giáo viên đầu tiên của Beethoven cũng phát ngôn không rõ ràng “Là một nhà soạn nhạc, nên chính Beethoven cũng cảm thấy thất vọng”.
Beethoven là cha đứa con tàn tật
Beethoven không bao giờ kết hôn, nhưng ông lại là người đàn ông có nhiều mối quan hệ mật thiết với phụ nữ. Theo tờ Guardian của Anh, Beethoven luôn thấy mình bị thu hút bởi những người phụ nữ mà ông không thể ở cùng, thường là do tình trạng hôn nhân hoặc sự phân chia giai cấp. Có một số phụ nữ đã yêu ông nồng nhiệt, đoạn tuyệt với đẳng cấp quý tộc để đến sống chung như Josephine von Brunsvik, nhưng nỗi sợ mất quyền nuôi con đã khiến người phụ nữ này dừng lại.
Theo các nhà sử học, Beethoven có cuộc sống cá nhân “sinh động, tràn ngập tình yêu không được đáp lại, kèm theo mất mát bi thảm và những thách thức cá nhân, đây chính là động lực thúc đẩy sự sáng tạo của ông đi lên”. Nữ học giả về Beethoven, Susan Lund thì nhà soạn nhạc này có cuộc sống vừa hỗn loạn lại bi thảm, thậm chí còn sâu sắc hơn cả những gì hậu thế đã biết. Đặc biệt, Beethoven còn là cha của một đứa con trai ngoài giá thú với một người phụ nữ tên Antonie Brentano, đây chính là mối tình “bi thương” đã truyền cảm hứng cho một số sáng tác nổi tiếng của Beethoven.
Theo Susan Lund, Brentano là chủ đề của bức thư có tên Immortal Beloved (Người yêu bất tử) nổi tiếng của Beethoven, trong đó nhà soạn nhạc đã trút tình yêu nồng nàn cho một người phụ nữ vô danh mà ông không thể sống cùng. Brentano bị “khóa” trong một cuộc hôn nhân không tình yêu với một chàng quý tộc giàu có, và một năm sau, năm 1813, bức thư ra đời. Cũng trong thời gian này, Brentano cho ra đời một đứa trẻ tên là Karl Josef nhưng Karl Josef ra đời lại bị quặt quẹo ốm yếu và bị câm. Cũng theo Susan Lund, Beethoven sau đó đã bị trầm cảm bất thường bởi ông bất lực trước tình trạng sức khỏe của con mình và bị ép buộc công khai. Từ đây, Beethoven đã cho ra đời nhiếu tác phẩm bất hủ về chủ đề tôn giáo mặc dù ông là người vô thần, nhằm hỗ trợ Brentano, người phụ nữ có niềm tin sâu sắc vào tôn giáo và cũng là cách để ông giao tiếp với người mình yêu qua âm nhạc.
Cũng có giả thuyết cho rằng danh tính đích thực của Immortal Beloved phải là Josephine hoặc một người phụ nữ khác tên Amalie Sebald nhưng đến nay chưa có bằng chứng chứng thực.
Beethoven bị điếc đúng vào thời điểm tài năng nở rộ?
Theo giáo sư Paul Wolf, bác sĩ lâm sàng về bệnh lý ở Đại học California, Mỹ, thì trái với quan niệm phổ biến, Beethoven không hề bị điếc bẩm sinh. Ông bắt đầu mất thính giác ở tuổi 28, và điếc hẳn ở tuổi 44. Ngoài ra, Beethoven còn mắc bệnh Paget xương, căn bệnh rối loạn bất thường trong quá trình hình thành và phát triển cấu trúc xương khiến đầu và chân ông có kích thước khác thường.
Ở người bình thường, bệnh điếc đã khổ, còn đối với Beethoven, người gắn bó cả đời với âm nhạc thì thật là tàn khốc. Beethoven đã tự đấu tranh để “vượt lên chính mình”, thành công và nổi tiếng. Theo Donato Cabrera, giám đốc Dàn nhạc giao hưởng California, viết trong nghiên cứu của mình, cho dù bệnh tật cản đường, nhưng Beethoven vẫn không bị khuất phục, tiếp tục biểu diễn chỉ đến khi bị điếc hẳn mới chịu rút lui.
Từ đây, Beethoven tập trung vào việc chơi các hợp âm với nhạc cụ và thính lực của mình. Cũng theo Cabrera, mặc dù bị điếc, Beethoven vẫn biết âm nhạc hoạt động như thế nào, do đó ông vẫn sáng tác, song từ giai đoạn này trở đi âm nhạc của ông lại mang tông màu tối hơn, giận dữ hơn. Có thể nó phản ánh trạng thái tâm trí của một tài năng được trời phú cho một món quà sáng tạo bất thường nhưng nay đã hết hạn.
- Xem thêm: Beethoven và những cánh đồng nước Đức