Mỗi bản nhạc của Beethoven luôn làm tôi thấy những cánh đồng nước Đức hiện ra. Những cánh đồng hoa cỏ, rừng thưa, có khi chỉ rơm khô và tuyết trắng, có khi chỉ một màu xanh của cỏ mượt không tên, vậy mà tôi đã phải lòng ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Sau này rời châu Âu, điều tôi nhớ không phải cuộc sống ở những thành phố xinh đẹp, với mùi bánh mỳ và café thơm ngào ngạt sáng mùa đông hay những cô gái chàng trai đẹp lồng lộng ngoài phố mùa hè mà lại là những cánh đồng ngoại ô.
Mỗi lần đi từ thành phố này qua thành phố khác, tôi thường không dám ngủ, vì sợ mắt mình để vuột mất màu sắc những cánh đồng hai bên. Khi thì một cánh đồng quạt gió, khi thì những khu rừng thưa phủ đầy lá rụng từ mùa thu trước. Khi là những nóc nhà thờ thanh nhã vươn lên giữa ngôi làng êm đềm, bầy cừu nhẩn nha. Rồi bên cung đường phía xa, tiếng vịt trời léo nhéo bay qua hồ nước lạnh, quyết không sà xuống những mảng băng hờ hững dưới kia.
Một lần, khi ngang qua ngôi nhà có mái lợp bằng từng miếng gỗ thông vào buổi sáng nắng vàng rực rỡ, hoa nở xôn xao trước hiên, chúng tôi dừng lại. Phía trong những khung cửa sổ rèm đăng ten trắng là phòng người bạn. Ngôi nhà nông thôn miền trung nước Đức này là nơi cô lớn lên, là không gian hoang đường của riêng cô mà ở đó cô trở về mỗi khi cần bỏ buông những muộn phiền dính mắc. Khung cửa sổ mùa đông trông ra một cánh rừng thưa mà ở đó bạn chỉ đo đếm thời gian nhờ một tiếng quạ kêu thảng thốt.
Chúng tôi đã có những buổi chiều cuối tuần, ngồi im đó, nghe từng giọt âm thanh của Beethoven rơi vào miền vô định. Những giọt đàn chậm rơi, trong vắt và giản dị. Trong nó có từng ngọn gió, màu nắng, có những cánh chim, khu rừng vắng, có dòng suối mát, một khoảng trời dịu êm, có một mùa xuân mới tươi mát, có con đường ấu thơ… Tắm trong những âm vực thánh thót đó, người ta thấy mình có thể đến tận cùng nỗi sầu muộn chân thành, tận cùng sự tuyệt vọng và những niềm vui dung dị.
Tôi nói với Almut, mình tin có những điều sinh ra không dành cho ngôn từ. Mình chỉ có thể thấy trong im lặng rằng đêm rơi xuống cùng tiếng mưa, trong sáng mà tha thiết, thấy tâm trí thật ồn ào trong tĩnh lặng, thấy trái tim tưởng như mỏi mệt vẫn còn niềm kiêu hãnh dâng trào. “Hãy cứ để tất cả tan vào không gian, thời gian và ngấm vào tâm hồn”, cô nói.
Tháng Tư, tuyết ngưng rơi. Mầm non hé mắt từ những khu rừng thưa để chuẩn bị cho một mùa hoa rộn ràng vào tháng năm. Loài cây nào cũng vậy, sau mỗi mùa đổ lá là đến mùa đơm hoa. Nên sau này mỗi khi nao lòng vì một cơn mưa lá trên mặt đường, nhìn người lao công vun lá nơi góc nào của một thành phố lạ tôi lại thấy một mùa hoa có lộng lẫy huy hoàng, có dịu dàng náu mình đang đến. Kết thúc thực ra chính là sự bắt đầu…
Chúng tôi chỉ gặp nhau trong một quãng đời, gặp nhau ở những ngày mùa đông ngồi bên ô cửa sổ tuyết trắng để tự hỏi lòng mình những câu hỏi vốn dĩ là không khi nào thỏa mãn của mỗi người. Trong phòng là âm nhạc của Beeth và tách trà xám. Ngoài cửa sổ, chỉ là khoảng trời trắng đục trên cao. Tuyết lúc bay lúc đậu. Thi thoảng một đôi quạ xù lông lên vì chống lạnh nhưng vẫn dạo qua các bậu cửa sổ nhặt thức ăn như đã có lời hẹn trước. Almut gửi cho tôi xem một bộ phim giả tưởng dựng lại về cuộc đời Beethoven có tên Immortal beloved (tình yêu bất diệt) nói về hành trình nghiệt ngã của thứ âm nhạc thánh thiện mà chúng tôi vẫn nghe.
Cuộc đời nghiệt ngã của nhạc sĩ thiên tài được mở ra sau cái chết cô đơn của ông. Ông chết đi để lại di chúc “tất cả tài sản của tôi để lại cho tình yêu bất diệt”. Nhưng không ai biết tình yêu bất diệt đó là ai. Người bạn thân nhất của Beeth đã lên đường đi tìm những người phụ nữ từng được xem là tình nhân với Beeth.
Cuộc tìm kiếm vén tấm màn âm nhạc, mở ra cuộc đời một nghệ sĩ tài hoa với tâm hồn đầy tình yêu khao khát được ban trao, những giấc mơ hạnh phúc và tự do khi nào cũng chực bùng cháy nhưng không gặp mồi lửa.
Beethoven xấu trai, nghèo khó, ăn mặc thường luộm thuộm, hôi hám, cư xử cục cằn, hay nói tục, thô lỗ, mắc nhiều bệnh tật và thường bị xa lánh. Xã hội châu Âu cách đây 2 thế kỷ vẫn đầy định kiến và ưu ái thói trưởng giả phù hoa, nên Beeth vẫn thất tình, lạc lõng. Ông yêu nhiều, nhưng luôn thấy dở dang, trống rỗng vì không tìm ra một tâm hồn đồng điệu. Tất cả những giấc mơ hoang đường, phần đẹp nhất mà đời sống thô thiển đó còn thiếu được Beeth gửi vào âm nhạc.
Thực ra các nghệ sỹ lớn đã không sống hoa hòe hoa sói và lộng lẫy như ta nghĩ. Đời sống vật chất và tinh thần của Beeth rất bình thường như mọi người. Nhưng ông thất bại với tình yêu, với con người xung quanh. Những người hạnh phúc trọn vẹn không vật vã như thế. Một nội tâm mơ mộng thật sự đau đớn đã tạo ra âm nhạc.
Âm nhạc là giấc mơ thuần khiết của con người về những điều tốt đẹp nhất, là phần đời sống thô thiển còn thiếu, là giấc mơ về những điều tuyệt vời con người luôn khao khát nhưng không với tới, là phần trống rỗng trong những cuộc đời luôn khao khát được lấp đầy.
Chính cuộc sống với sự phũ phàng của nó cho ta âm nhạc. Và những tác phẩm nghệ thuật đẹp nhất đã sinh ra từ những số phận bất hạnh nhất. Sophia Loren từng nói rằng một đôi mắt chưa từng khóc thì không thể là đôi mắt đẹp. Tôi thầm cám ơn nhạc sỹ đã đi đến tận cùng của nỗi buồn để chắt lọc cho đời những bản nhạc đẹp đẽ, để chứng minh nghịch cảnh vẫn có những món quà khi ta dấn thân vào nó.
Cuộc đời thật sự không có ranh giới giữa nụ cười và nước mắt. Những người thật sự biết cười thì cũng biết khóc, biết yêu thì cũng biết ghét chân thành.
Những cánh đồng nước Đức, nơi tôi chỉ ghé qua một đoạn đường đời lại là nơi tôi luôn muốn quay về như tìm tới quán trọ ký ức nào đó. Ở đó, tôi gặp những giấc mơ chưa từng qua, tới những nơi chưa từng tới. Cũng như nhận ra ngày mưa chỉ để nhắc nhớ về ngày nắng và mặt trời lặn chỉ để mọc lên vào ngày mai.
Đôi khi tôi tự hỏi nếu được làm lại Beethoven có chọn cách sống cô độc, cay nghiệt như đã từng hay sẽ sống khác? Ông có đi lại con đường đó, gặp những người làm ông đau đớn và ông cũng làm họ đớn đau, rồi chết đi với những chiếc gai nằm trong tim. Hay là vì đau nên dở dang vẫn cứ mãi là dang dở… để làm nên một cuộc đời trọn vẹn.