Tại lễ tổng kết năm của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam hôm 15-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết việc khởi công xây dựng nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận có thể sẽ hoãn đến năm 2020 mới thực hiện. Theo ông, việc làm điện nguyên tử phải đảm bảo an toàn cao nhất, hiệu quả cao nhất, còn nếu không đạt thì không làm.
Trước đó, theo nghị quyết của Quốc hội, việc khởi công nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ tiến hành vào 2014. Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện các dự án quan trọng quốc gia của Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vừa qua đã cho biết nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 không thể khởi công đúng kế hoạch mà có thể chậm đến ba năm. Nguyên nhân chậm tiến độ được giải thích là do những vấn đề phát sinh trong việc nghiên cứu lựa chọn địa điểm đã làm kéo dài thời gian lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư (FS) khoảng hai năm so với dự kiến ban đầu.
Nay, theo thông tin từ Thủ tướng thì công trình điện hạt nhân có thể khởi công chậm tới sáu năm so với yêu cầu của Quốc hội.
Phải chăng là một sự tình cờ khi vào ngày 10-1, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận về các vấn đề liên quan đến đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân sau khi có chuyến thị sát trực tiếp địa điểm vùng quy hoạch xây dựng một trong các nhà máy điện hạt nhân tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận.
Thông tin được ông Yukiya Amano đưa ra là IAEA cam kết sẽ sát cánh cùng Việt Nam, hỗ trợ cũng như đưa ra các khuyến nghị để xây dựng nhà máy điện hạt nhân thành công và bền vững. Ông Amano cho biết sẽ đưa các chuyên gia hàng đầu đến Việt Nam để thảo luận về các vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng, an toàn hạt nhân và những vấn đề khác. Đồng thời IAEA cũng sẽ phái các đoàn công tác tới Việt Nam hằng năm để trợ giúp việc ứng dụng năng lượng nguyên tử.
Quyết định của Chính phủ về việc hoãn khởi công dự án điện hạt nhân đầu tiên được dư luận đồng tình, bởi thời gian qua có nhiều ý kiến trái ngược nhau liên quan đến các vấn đề kỹ thuật khiến những người có trách nhiệm phải suy tính lại.
Đồng vốn đang là vấn đề phải cân nhắc thêm, bởi theo phương án tài chính được đề ra trước đây, Nhà máy số 1 sẽ vay vốn của Nga và Nhà máy số 2 sẽ vay vốn của Nhật, nhưng đến nay vẫn còn đang trong quá trình đàm phán.
Ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hội Năng lượng Việt Nam, khi trả lời phỏng vấn của Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã cho biết các bên liên quan vẫn còn đang bàn thảo việc xác định công nghệ, thiết bị, loại lò phản ứng…, từ đó tính ra giá trị tổng dự toán để làm cơ sở xác định vốn vay và phương án tài chính cho dự án. Đối với hai dự án điện nguyên tử Ninh Thuận thì yếu tố quan trọng hàng đầu là lựa chọn công nghệ nào tuyệt đối an toàn, hàm lượng chất phóng xạ thoát ra bên ngoài không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân địa phương.
Khu Tái định cư Sơn Hải – cách Vônh Trường (xã Phước Dinh) 3km nơi đặt Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1
Xét về tính cấp thiết của điện nguyên tử, ông Ngãi nhận định thêm từ nay đến năm 2020 một số dự án điện quan trọng hình thành có thể đủ cấp điện cho miền Nam gồm nhiệt điện Long Phú 1, Long Phú 2, Sông Hậu, Duyên Hải 1, Duyên Hải 2, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4… với công suất tăng thêm gần 10.000MW và xem như miền Nam từ nay đến năm 2020 đảm bảo đủ điện, thậm chí còn dư 20% nguồn dự phòng.
Như vậy từ nay đến 2020 không quá lo ngại nguồn cung điện cho miền Nam, do đó chưa nhất thiết phải cần đến điện nguyên tử.
Chương trình điện hạt nhân của chúng ta được nhiều nước quan tâm không chỉ trên lĩnh vực đầu tư mà còn cả lĩnh vực an toàn kỹ thuật.
Hồi tháng 10-2013, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã ký một hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh bên lề hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo châu Á – Thái Bình Dương ở Brunei.
Hiệp định thường được gọi là Hiệp định 123 sẽ cho phép các công ty Mỹ xuất khẩu trang thiết bị hạt nhân cho Việt Nam và tiến vào một thị trường năng lượng hạt nhân có nhiều tiềm năng mà theo dự liệu sẽ tăng từ 10 tỉ USD tới 50 tỉ USD vào cuối năm 2030. Hiệp định này phải được Quốc hội Mỹ phê chuẩn mới có giá trị.
Cũng có không ít ý kiến dè dặt đối với các dự án điện hạt nhân, nhất là sau khi thảm họa Fukushima xảy ra tại Nhật hồi tháng 3-2011. Một cuộc nghiên cứu hồi cuối năm 2011 do ba khoa học gia thuộc các viện nghiên cứu của Italia thực hiện đã nhận xét rằng vùng duyên hải Việt Nam có nguy cơ dễ bịảnh hưởng bởi các đợt sóng thần do động đất gây ra xuất phát từ vùng xa xôi của Biển Đông.
Cuộc nghiên cứu cho thấy Ninh Thuận, nơi Việt Nam dự tính xây lò phản ứng hạt nhân đầu tiên, và một vài tỉnh lân cận nằm trong các vùng dễ bị tác hại nhất trước các ảnh hưởng của sóng biển.
Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho biết Việt Nam cần phải có các nhà máy hạt nhân để bảo đảm nguồn cung ứng năng lượng cho quốc gia vì các nguồn năng lượng khác không đủ, tuy nhiên an toàn là ưu tiên hàng đầu và các nhà máy hạt nhân của Việt Nam sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Rất có thể trong thời gian nghiên cứu triển khai xây dựng các lò phản ứng hạt nhân, sẽ có thêm những nghi vấn được nêu lên bởi các tổ chức bảo vệ môi trường và những người trong giới chuyên gia.
Một số chuyên gia trong nước đã nêu lên mối lo ngại là các kế hoạch của chính phủ có quá nhiều tham vọng. Một trong những người này là ông Phạm Duy Hiển, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, nơi đặt lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu của Việt Nam. Ông Hiển cho biết gần đây có tin nói rằng kế hoạch xây hai lò phản ứng do Nga tài trợ đã bị đình hoãn, nhưng chính phủ chưa loan báo chính thức và chi tiết để có được nhiều nguồn tham khảo.
Ông Phạm Duy Hiển cũng cho rằng Việt Nam tuy thiếu điện nhưng không thiếu đến độ phải vội vã hoàn thành việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân trước năm 2020.
Tất cả những ý kiến của các tổ chức và cá nhân trong cũng như ngoài nước chắc chắn sẽ được các cơ quan trách nhiệm nghiên cứu kỹ lưỡng, bởi từ nay đến năm 2020 vẫn còn đủ thời gian cho một sự chọn lựa tối ưu.
Ngọc Anh