Lần đầu tiên, hãng điện tử Samsung soán ngôi hãng xe Toyota với tư cách là thương hiệu có giá trị nhất ở châu Á, theo bảng xếp hạng mà Công ty Tư vấn và Đánh giá thương hiệu Interbrand – Mỹ (gọi tắt là bảng xếp hạng của Interbrand) công bố ngày 25-9.
Tờ Nikkei Asian Review cho biết bảng xếp hạng 100 thương hiệu tốt nhất toàn cầu 2017 (Best Global Brands 2017) do Interbrand bình chọn có tên 11 công ty từ châu Á.
Samsung là thương hiệu đứng ở vị trí thứ sáu trong bảng xếp hạng, tăng một bậc so với năm trước. Đây cũng là thương hiệu có thứ hạng cao nhất trong số các thương hiệu châu Á.
Đó là một kỳ tích lớn nếu như biết rằng hãng điện tử này gặp nhiều “tai họa” trong thời gian gần đây bao gồm việc Phó chủ tịch Samsung Lee Jae-yong bị kết án về tội đưa hối lộ và sự cố cháy nổ pin điện thoại Galaxy Note 7 vào năm ngoái, khiến Samsung phải tiến hành một đợt thu hồi trên toàn cầu và ngưng sản xuất dòng điện thoại này.
Thương hiệu Toyota rớt xuống thứ 7 trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu tốt nhất thế giới, tụt hai bậc so với năm ngoái. Hãng xe này chứng kiến doanh số giảm sút ở thị trường Mỹ.
“Samsung thực hiện chính sách củng cố thương hiệu trong 10 năm qua. Chính sách này vẫn không thay đổi dù các biến động ở tầng lãnh đạo cấp cao và điều này giúp hạn chế tác động lan tỏa từ các vụ bê bối liên quan đến hình ảnh thương hiệu”, Masahito Namiki, Giám đốc điều hành chi nhánh Interbrand tại Nhật Bản, nói.
Thương hiệu Samsung vượt mặt Toyota nhờ có hai dòng sản phẩm nổi tiếng bao gồm bộ nhớ flash và smartphone, nhưng vẫn xếp sau đối thủ Apple, thương hiệu có giá trị đứng đầu thế giới, theo bảng xếp hạng của Interbrand. “Mọi người đều biết Apple nhưng không phải ai cũng biết Samsung”, ông Namiki nói. Xếp ở các vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng lần lượt là Google, Microsoft, Coca-Cola và Amazon.
Trong số 11 thương hiệu ở châu Á lọt vào bảng xếp hạng, sáu thương hiệu đến từ Nhật Bản. Tuy nhiên, nhiều thương hiệu Nhật Bản tụt bậc trong bảng xếp hạng, chẳng hạn Canon rớt từ 42 xuống 52, Sony từ 58 xuống 61 và Panasonic tụt từ 68 xuống 75. Honda, leo lên vị trí 20, tăng một bậc so với năm ngoái. Nissan cũng vươn lên vị trí 39, nhảy bốn bậc nhờ ra mắt phiên bản xe điện Leaf mới, áp dụng công nghệ tự phanh và tự đỗ xe.
Hai công ty khác của Hàn Quốc vẫn giữ nguyên thứ hạng thương hiệu như năm ngoái gồm Hyundai (35) và Kia (69).
Bảng xếp hạng cũng cho thấy sức mạnh thương hiệu còn hạn chế của các công ty Trung Quốc mặc dù chúng có quy mô và vốn hóa thị trường lớn. Hầu hết độ bao phủ thị trường của các công ty Trung Quốc vẫn còn bó hẹp ở thị trường trong nước.
- Xem thêm: Vì sao các nhãn hiệu được yêu mến?
Danh sách xếp hạng của Interband chỉ bao gồm các công ty có sự hiện diện toàn cầu và tập trung vào các công ty niêm yết có các chỉ số tài chính minh bạch. Các chỉ tiêu này đã khiến nhiều công ty nhà nước có quy mô lớn nhất của Trung Quốc bị loại.
Chỉ có hai công ty tư nhân Trung Quốc lọt vào bảng xếp hạng bao gồm hãng sản xuất smartphone Huawei đứng ở vị trí 70, tăng hai bậc so với năm ngoái; trong khi đó, hãng sản xuất máy tính để bàn Lenovo đứng ở vị trí 100.
Theo Interbrand, sức mạnh thương hiệu là yếu tố then chốt để kinh doanh thành công. Nó giúp tuyển dụng và giữ chân nhân tài đồng thời cho phép các công ty bán các sản phẩm với giá cao. Phần lợi nhuận tăng có thể được đầu tư cho các sản phẩm mới để củng cố thêm hình ảnh thương hiệu.