Kế hoạch áp dụng một bộ sách giáo khoa riêng được xem là bước ngoặt lớn của ngành giáo dục TP.HCM nói riêng cũng như cả nước nói chung. Nhiều kỳ vọng được đặt ra nhưng bộ sách mới này sẽ mang lại những tác động tích cực cho việc học tập và giảng dạy như thế nào vẫn còn là một câu hỏi nan giải, bởi nó chỉ phụ thuộc vào nội dung chương trình.
Trao đổi với TBKTSG Online, các vị đại diện của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM và Nhà xuất bản Giáo dục phía Nam (đơn vị phối hợp với ngành giáo dục thành phố về biên soạn sách) cho hay, đến thời điểm hiện tại công tác biên soạn đang ở “giai đoạn khởi động”. TP.HCM đang chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố khung chương trình giáo dục phổ thông mới, dự kiến vào cuối năm 2017 này, sau đó sẽ tiến hành biên soạn bộ sách giáo khoa dựa theo khung chương trình này. Tác giả bộ sách sẽ là những chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà giáo nhiều kinh nghiệm của thành phố.
Trước đó, tháng 12-2016, tại buổi làm việc giữa Sở Giáo dục và đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cho biết công tác chuẩn bị về đội ngũ, nội dung, kỹ thuật… đã hoàn tất và sẽ bắt tay vào biên soạn ngay khi có chương trình khung của cả nước.
Nội dung của bộ sách sẽ bảo đảm các quy chuẩn kiến thức, kỹ năng, bám sát khung chương trình chung của Bộ. Bên cạnh đó, sách giáo khoa mới sẽ chú trọng đến những kiến thức hiện đại, có tính ứng dụng cao, mục tiêu là để học sinh hiểu và vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, rèn luyện khả năng tư duy cho học sinh, không đặt nặng việc học thuộc lòng.
Ông Vũ Hoàng Sơn, một giáo viên bậc tiểu học tại TP.HCM, kỳ vọng bộ sách giáo khoa mới sẽ cập nhật nhiều số liệu, dữ liệu và thông tin mới bởi nhiều nội dung trong sách giáo khoa hiện hành đã không còn đúng với thực tế. Hơn nữa, chương trình phải giúp đưa tư duy của học sinh ra ngoài “khuôn khổ” của lớp học, học sinh phải được trải nghiệm nhiều hơn.
“Muốn làm được điều này, sở giáo dục phải đồng bộ cơ sở vật chất của các trường. Đều là trường học ở thành phố nhưng không phải trường nào cũng có cơ sở vật chất khang trang, nhiều trường không có đủ máy chiếu, máy tính, phòng thí nghiệm… để học sinh thực hành, giáo viên muốn áp dụng công nghệ trong giờ giảng dạy cũng khó”, ông Sơn nói.
Không tránh khỏi lo lắng khi thông tin về bộ sách giáo khoa mới hiện “vẫn còn chung chung”, ông Sơn băn khoăn “năm 2019 TP.HCM áp dụng sách giáo khoa riêng, vậy khi nào thì giáo viên sẽ được tiếp cận với bộ sách mới này?”.
Theo ông Sơn, giáo viên cần có thời gian để nghiên cứu, soạn bài giảng và cần được tập huấn kỹ lưỡng trước khi giảng dạy theo chương trình mới. Nếu gấp gáp, những năm đầu thực hiện, không ít giáo viên sẽ lúng túng, người thiệt thòi lúc này là cả giáo viên và học sinh. Mặc khác, giáo viên cũng băn khoăn cách thức thi cử sắp tới sẽ như thế nào khi học sinh học theo sách giáo khoa riêng.
“Học sinh bậc trung học của TP.HCM vẫn sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp chung toàn quốc hay có cách đánh giá nào khác? Tuy TP.HCM cho biết, sách giáo khoa mới sẽ bám theo chương trình khung của Bộ Giáo dục nhưng nếu vẫn tham gia kỳ thi chung, học sinh, phụ huynh sẽ không tránh khỏi tâm lý lo sợ học không sát với chương trình của cả nước. Lúc đó, tôi e là xảy ra tình trạng học sinh sẽ tìm cách học cả hai bộ sách. Như vậy rất bất ổn và lãng phí”, ông Sơn nêu vấn đề.
Bên cạnh đó, theo ông Sơn, hiện dân nhập cư vào TP.HCM ngày càng đông, họ thường dẫn con cái theo cùng. Ngay cả khi học chương trình chung, học sinh ở địa phương khác chuyển vào TP.HCM cũng gặp nhiều khó khăn do cách dạy ở TP.HCM tương đối khác với trường cũ của các em. Ông Sơn cho rằng, khi TP.HCM áp dụng sách giáo khoa riêng, con em của người dân nhập cư đang học sách của Bộ Giáo dục chuyển sang sách giáo khoa mới sẽ bị hụt hẫng kiến thức. Những người biên soạn chương trình cần lưu ý đến các nhóm học sinh này để không có học sinh nào bị thiệt thòi.
“Sau cùng, tôi cho rằng, bộ sách giáo khoa mới chỉ phát huy được hiệu quả khi giáo viên không chịu nhiều áp lực về thành tích học tập của học sinh, cũng như được quyền lựa chọn cách dạy phù hợp với học sinh mình đứng lớp. Còn không, mọi cải cách, đổi mới sẽ mất đi ý nghĩa”, ông chia sẻ.
Theo bà Trần Thúy Hằng, Giám đốc điều hành của Trung tâm Stemhouse Education, để phụ huynh nắm được tinh thần của bộ sách mới, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, Nhà xuất bản Giáo dục nên công bố rõ mục tiêu, hướng tiếp cận của bộ sách cũng như nhóm tác giả biên soạn.
“Uy tín, tên tuổi của tác giả sẽ làm phụ huynh yên tâm hơn cùng hợp tác với nhà trường trong lần đổi mới này”, bà Hằng chia sẻ ý kiến, và khuyến nghị nên mời cả những người từng theo học ở nước ngoài cùng tham gia biên soạn, để “thổi làn gió mới” vào bộ sách.
Từng đứng lớp nhiều năm ở bậc trung học cơ sở và hiện đang điều phối chương trình giảng dạy theo tiêu chuẩn Anh quốc, bà Hằng nhận xét, yếu tố mang tính quyết định đến thành bại của bộ sách giáo khoa TP.HCM lần này vẫn là yếu tố con người, cụ thể là giáo viên đứng lớp.
“Dù chương trình có mới và tiệm cận với các nền giáo dục tiên tiến, nhưng nếu tư duy của giáo viên đứng lớp vẫn khép kín, thì khó có thể hy vọng vào một kết quả tích cực. Từ thất bại của mô hình VNEN cũng cho thấy, không phải cứ áp dụng chương trình tiên tiến là thu được kết quả tốt. Khi giáo viên chưa kịp thích ứng, không được tập huấn kỹ càng thì thất bại là điều khó tránh khỏi”, bà Hằng nói.
Khi có bộ sách riêng, chắc chắn học sinh TP.HCM sẽ tìm cách học cả hai bộ sách vì thi đại học vẫn là thi chung do Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đề.
- Theo KTSG