Coi di sản đô thị như hạt nhân lịch sử, là tiềm năng cho phát triển kinh tế du lịch văn hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của đô thị. Bảo tồn nhưng không làm cản trở sự phát triển của chủ thể đối tượng, không cắt di sản ra khỏi cuộc sống hiện hữu.
Các đô thị ở Việt Nam có lịch sử phát triển lâu đời. Tuy nhiên, đến nửa sau thế kỷ XIX, với ảnh hưởng của đô thị hóa kiểu mới từ giai đoạn Pháp thuộc, phần “đô” và phần “thị” của các đô thị Việt Nam truyền thống bắt đầu trở thành hạt nhân cho quá trình phát triển các thành phố ra khỏi khái niệm “đô” và “thị” truyền thống.
Ở nhiều đô thị, sức ép của việc gia tăng dân số dẫn đến hiện tượng xây dựng dày đặc, cơi nới, phá vỡ cấu trúc nhiều di sản đô thị, làm xuống cấp môi trường sống và hệ thống hạ tầng đô thị; đồng thời các di sản vật thể tại đô thị cũng đứng trước nguy cơ ngày càng mai một.
Phải bảo tồn tổng thể
Có thể nói, di sản chính là phần hồn của đô thị. Một di sản đô thị cần được đánh giá giá trị trong cái nhìn tổng thể về quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, giá trị của hệ thống các công trình kiến trúc chứ không nên bị nhìn như một công trình cụ thể riêng lẻ.
Bởi cái nhìn cục bộ, đơn lẻ và hạn chế đã từng khiến nhiều di sản có giá trị văn hóa lịch sử khác bị phá hủy. Nếu không có di sản, đô thị chỉ là những hình khối kiến trúc, những nơi tập trung đông người.
Không chỉ là phần hồn của các đô thị, các di sản còn mang đến nguồn sống cho các cư dân, đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế.
Tại các đô thị ở Việt Nam, chúng ta thấy rất rõ sự phát triển của các hoạt động buôn bán, kinh doanh. Bản thân mỗi điểm di tích đều có thể trở thành một môi trường đầy sức hấp dẫn đối với các hoạt động này.
Bên cạnh đó, đóng góp quan trọng khác của các công trình di sản trong phát triển kinh tế là việc làm – những việc làm được tạo ra từ nhu cầu bảo tồn, trùng tu các di tích lịch sử, văn hóa và các hoạt động liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể.
Bảo tồn di sản đô thị có thể hiểu là cách thức duy trì sự tồn tại của các di sản với các đặc điểm nguyên gốc của nó. Bảo tồn di sản đô thị là góp phần xây dựng một đô thị năng động về kinh tế – xã hội nhưng không mất đi bản sắc, có hướng mở rộng hợp lý trong tương lai, thu hút được các nhà đầu tư và khách du lịch.
Bảo tồn di sản đô thị không phải là vấn đề mới, nhưng việc đảm bảo sự cân đối giữa những giá trị văn hóa truyền thống và các yếu tố hiện đại trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị.
- Xem thêm: Chuyện một cây cầu di sản
Bảo tồn di sản đô thị phải bảo tồn tổng thể, đặt vật trong môi trường của nó, bảo tồn trong sự phát triển mới giữ được phần vật thể cũng như phần hồn (phi vật thể) của đối tượng.
Coi di sản đô thị như hạt nhân lịch sử, là tiềm năng cho phát triển kinh tế du lịch văn hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của đô thị.
Bảo tồn nhưng không làm cản trở sự phát triển của chủ thể đối tượng, không cắt di sản ra khỏi cuộc sống hiện hữu.
Việt Nam hiện có 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TPHCM, 3 thành phố trực thuộc trung ương là Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, các thành phố trung tâm cấp vùng, các thị xã trung tâm cấp tỉnh, các thị trấn cấp huyện, các đô thị vệ tinh.
Do điều kiện lịch sử, các đô thị Việt Nam hình thành dọc theo lưu vực các con sông lớn, trên các đồng bằng rộng, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Các đô thị trung tâm được phân bố đều ở các vùng kinh tế trọng điểm và có các di sản văn hóa phong phú, lâu đời được kết tinh từ quá trình hình thành và phát triển đô thị, bao gồm di sản thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật, giá trị lịch sử và kinh tế.
Nói về sự thành công trong bảo vệ di sản đô thị, Hội An (Quảng Nam) được xem là hình mẫu của cả nước. Đô thị này đã được phát triển khá đồng đều thông việc việc kết hợp hài hòa giữa hoạt động thương mại, bảo tồn di sản và du lịch.
Những nỗ lực bảo tồn, tôn tạo và phát triển của Hội An đã cứu được nhiều ngôi nhà cổ trong khu vực trung tâm và đưa thành phố trở thành một địa điểm hấp dẫn với khách du lịch.
Đạt được những thành công này là do thành phố đã thiết lập được những quy định mới, tổ chức quản lý tốt các di sản và có những dự án quy hoạch bảo tồn di sản quy mô lớn.
Những thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị ở Việt Nam
Trong xu thế phát triển của đô thị, việc bảo tồn di sản đô thị phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó nhận thức của xã hội được xem là thách thức lớn nhất.
Hiện nay, nhận thức của xã hội đối với công tác này chưa đúng mức, chưa được sự quan tâm tham gia của cộng đồng.
Với những thay đổi theo hướng tiện nghi hơn về điều kiện sống, con người trong đô thị hiện đại dễ chấp nhận sự thay thế các yếu tố truyền thống bằng các nhân tố mới. Trước xu thế hiện đại hóa, sự chống cự của các giá trị truyền thống dường như trở nên yếu ớt, thậm chí bị lãng quên.
Tại nhiều đô thị, dù vấn đề bảo tồn đã được quan tâm, nhưng không ít di sản vẫn ngày càng mai một như Dinh Thượng Thơ ở Thành phố Hồ Chí Minh là một điển hình.
Theo kết quả khảo sát của Sở VH-TT TPHCM trong năm 2016, trong số 377 công trình xác định có giá trị di sản, ngoài 9 công trình chưa xác định được tình trạng, có 14 công trình được trùng tu, 96 công trình được giữ gìn, 35 công trình ít biến đổi, 9 công trình xuống cấp và 214 công trình bị phá bỏ hoặc biến dạng (chiếm 56,3%).
Sự chuyển biến mạnh mẽ của những đô thị ở Việt Nam hiện nay được xem là mối đe dọa lớn đến các di sản đô thị của quốc gia.
Nhiều di sản đô thị vật thể bao gồm các quần thể kiến trúc cổ, những ngôi nhà, cơ sở tôn giáo và những di tích khác đang trong tình trạng xuống cấp và có nguy cơ bị phá hủy do các nhà đầu tư và chủ sở hữu luôn tìm cách tái đầu tư tài sản trong bối cảnh thị trường đất đai đô thị cạnh tranh cao.
Trong khi đó, các di sản đô thị phi vật thể bao gồm phong tục tập quán, lối sống và thương mại cũng ngày càng mai một do thay đổi của người dân ở các khu vực lân cận để thích nghi với đời sống mới.
Tại TPHCM từng có đến 1.300 căn biệt thự cổ được xây dựng trước năm 1975, tập trung nhiều nhất ở quận 1 và quận 3. Biệt thự được xem như là di sản đô thị quan trọng, bởi nó góp phần phản ánh lịch sử kiến trúc một giai đoạn của thành phố.
Thế nhưng, theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM năm 2017, có đến gần nửa số biệt thự cổ đã “biến mất”.
Dọc các trục đường chính như Điện Biên Phủ, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu… nhiều công trình biệt thự đã mai một, nhường chỗ cho những tòa nhà cao tầng để khai thác thương mại, dịch vụ.
Bên cạnh đó vẫn còn không ít các cấp, các ngành chưa nhận thức đầy đủ về giá trị của các di sản đô thị, mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển chưa hài hòa, tình trạng coi trọng phát triển kinh tế đã dẫn đến nhiều vấn đề bất cập nảy sinh, phá vỡ các kiến trúc truyền thống ở các đô thị; việc cơi nới, xây dựng các nhà hàng, khách sạn đã làm thay đổi hiện trạng của nhiều khu phố cổ.
Ngoài ra, việc bảo tồn di sản đô thị còn gặp thách thức về thiên tai, đó là tình trạng biến đổi khí hậu, thủy triều dâng cao và tình trạng ngụp lụt ở đô thị, nhất là đô thị Hà Nội và TPHCM.
Tình trạng biến đổi khí hậu với những diễn biến bất thường về thời tiết cũng đã và đang đặt ra rất nhiều di sản trước nguy cơ bị tàn phá.
Việc không kiểm soát được đô thị hóa cũng gây ra sự biến đổi triệt để các mô hình cảnh quan của nhiều thành phố. Bên cạnh đó, sự phát triển của giao thông đô thị cũng ảnh hưởng xấu tới nhiều di sản.
Đó là những rung động, khói bụi do các phương tiện giao thông công cộng gây ra, làm suy yếu các công trình kiến trúc cổ; đó cũng có thể là sự nhường chỗ của một vài di sản đô thị cho một công trình phục vụ nhu cầu giao thông ở đô thị, từ đó tác động tiêu cực đến các di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh của các đô thị. Điều khiến các cơ quan quản lý di sản đô thị lo ngại là thách thức từ hoạt động phát triển du lịch.
Công tác bảo tồn mới chỉ tập trung bảo tồn các di tích đơn lẻ hay cụm di tích, chưa coi trọng đúng mức các di sản đô thị như một hạt nhân phát triển khi thực hiện quy hoạch xây dựng đô thị.
Các đồ án quy hoạch đô thị hiện nay mới chỉ quan tâm về một số vấn đề đơn lẻ của bảo tồn, chưa quan tâm đầy đủ đến các yếu tố văn hóa, lịch sử trong tổng thể đô thị. Nguyên nhân chính xuất phát từ những hạn chế trong nhận thức về vấn đề quản lý, bảo tồn di sản.
Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đô thị nhiều khi chỉ được coi như các chương trình mang tính thương mại. Không ít di sản vật thể đã được chính những người làm công tác bảo tồn khoác lên tấm áo mới.
Một số giải pháp cơ bản nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị ở Việt Nam hiện nay
Trong công tác bảo tồn, cần chú ý đến những công trình đang bị xâm hại hoặc đang bị xuống cấp nghiêm trọng, từ đó đề xuất các biện pháp bảo vệ cần thiết.
Xây dựng quy hoạch khu vực trung tâm các đô thị với những quy định cụ thể về tầng cao, kiến trúc,… phù hợp cảnh quan khu đô thị cũ.
Để bảo tồn những giá trị văn hóa đô thị, cần tích hợp giá trị của cả di sản vật thể và phi vật thể để cùng tôn tạo giá trị bền vững.
- Xem thêm: Người phụ nữ Đức sống với di sản Huế
Đồng thời, cần giải quyết ổn thỏa những mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn, nhằm bảo đảm cho dòng lịch sử phát triển đô thị chảy tự nhiên; không để những cái mới, hiện đại phủ định những giá trị to lớn (cả vật chất lẫn tinh thần) từ các di sản đã được các thế hệ trước truyền lại.
Bên cạnh đó, nâng cao việc tiếp cận của người dân với di sản và các chương trình giáo dục di sản. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giúp người dân nhận thức rõ tầm quan trọng của di sản trong sự phát triển đô thị nói chung cũng như vai trò của mình trong vấn đề này, nhất là thấy rõ những lợi ích từ việc bảo tồn di sản mang lại.
Tích cực đẩy mạnh xã hội hóa cho việc bảo tồn trùng tu, sửa chữa di sản vật thể. Trong đó, cần chú trọng vai trò của khu vực tư nhân để tối đa hóa các nguồn lực.
Việc thực hiện về nghĩa vụ tài chính, đóng góp bảo tồn cảnh quan và công trình di sản là quan trọng, bởi khu vực di sản mang lại giá trị tinh thần cho cộng đồng nói chung, thứ mà nhà đầu tư có thể khai thác và “chuyển hóa” thành giá trị kinh tế.
Chúng ta nên khuyến khích các tổ chức xã hội, cá nhân đầu tư bảo tồn, trùng tu di sản văn hóa dưới sự hướng dẫn kiểm soát về chuyên môn, kỹ thuật của các cơ quan khoa học, bằng ưu đãi chính sách thuế hoặc nguồn thu dịch vụ có từ di sản văn hóa.
Bảo tồn di sản đô thị phải bảo tồn tổng thể, đặt vật trong môi trường của nó, bảo tồn trong sự phát triển mới giữ được phần vật thể cũng như phần phi vật thể của đối tượng.
Bảo tồn nhưng không làm cản trở sự phát triển của chủ thể đối tượng, không cắt di sản ra khỏi cuộc sống hiện hữu. Bảo vệ di sản đô thị phải trở thành một trong những nội dung không thể thiếu trong quy hoạch đô thị.
Có chính sách thuế phù hợp nhằm khuyến khích các hoạt động bảo vệ di sản. Xử lý nghiêm những hành vi xâm phạm di sản. Đặc biệt, cần gắn kết hoạt động bảo tồn di sản đô thị với hoạt động du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững tại các đô thị trong cả nước.