Ngày 11-1-2017, cảnh sát Tây An cho biết đơn vị bảo vệ khu di tích lăng mộ Tần Đông Lăng đã phá thành công vụ án đào trộm mộ, bảy tên tội phạm đã bị bắt và thu hồi được 11 hiện vật bị bọn trộm đánh cắp.
Tần Đông Lăng là nơi đặt mộ của tổ tiên Hoàng đế Tần Thủy Hoàng, trong đó có mộ của cụ nội, ông nội, bố và mẹ của Tần Thủy Hoàng. Thông qua khoan thăm dò khảo cổ thấy có một số xe ngựa và đồ vật trang sức và cảnh tượng rất hoành tráng. Những báu vật dưới đất của khu mộ Tần Đông Lăng luôn hấp dẫn bọn đào trộm mộ.
Ngày 18-10-2010, Cao Hải Phong – đội trưởng đội quản lý khu mộ Tần Đông Lăng – linh cảm rằng có vấn đề. Hôm đó, anh đi tuần theo như thường lệ, khi đi qua một khu mộ phát hiện trên đỉnh ngôi mộ có một lưỡi cưa sắt, anh cầm lên xem rồi cắm lưỡi cưa sắt xuống đất. Ngày hôm sau, khi đi tuần anh không thấy lưỡi cưa đó đâu nữa và anh phát hiện có dấu đất mới vương vãi khắp nơi. Ngày 20 khi đi tuần anh lại phát hiện thêm một máy bộ đàm, Cao Hải Phong khẳng định là có bọn đào trộm mộ đang hành động.
Nhận được báo cáo của Cao Hải Phong, đội cảnh sát điều tra vội đến hiện trường, với sự hỗ trợ của các cán bộ ngành văn hóa họ bới chỗ đất mới trên đỉnh ngôi mộ và cảnh tượng kinh người hiện ra: một đường hầm rộng gần 1m2, sâu hơn 30m đi vào cạnh bức tường ngoài của ngôi mộ chính.
Tính chuyên nghiệp và lão luyện của bọn đào trộm mộ thật đáng kinh ngạc. Bọn đào trộm mộ đã dùng kỹ thuật công nghệ hiện đại. Cảnh sát xác nhận rằng đường hầm rộng như vậy không phải được đào bằng xẻng mà bọn đào trộm mộ đã dùng kỹ thuật “ép nổ” nên đường hầm được hình thành trong nháy mắt.
Các công cụ của bọn tội phạm được tìm thấy bao gồm mặt nạ phòng độc, đèn thợ mỏ, dây điện, bình oxy, ống thông gió, máy ép gió, máy bộ đàm… những thứ này được đóng trong bao tải. Đây chắc chắn là một băng đảng rất nhiều người, vậy bọn chúng đã lấy đi được những gì?
Đối mặt với hàng đống vật chứng, nhưng các cảnh sát đội chuyên án của Cục Công an Tây An không thể làm bất cứ điều gì vì bọn đào trộm mộ tỏ ra rất chuyên nghiệp, không để lại một dấu vết gì kể cả một dấu vân tay.
Trên thực tế, từ mùa hè năm ngoái, bọn đào trộm mộ đã có bước khởi đầu. Đêm 17-10, khi Cao Hải Phong vẫn còn do dự về những dấu hiệu đáng ngờ thì tên tội phạm họ Từ đã dùng ôtô đưa đồng bọn đến khu lăng mộ nhưng sau đó chúng lại quay về ngay. Tên Từ là một ông chủ, hắn chỉ chi tiền mà không can dự vào công việc.
Người đứng ra tổ chức là lão Tiêu. Ai làm công việc thông gió, ai thao tác các thiết bị, ai xuống hầm mộ đã được phân công rõ ràng. Đúng vào lúc nửa đêm, đường hầm được khai thông, Tiểu Vũ rải dây điện nối thông nguồn điện sau đó mở máy ép gió thổi khi vào trong mộ. Khoảng 20 phút sau, Đại Hải đội mũ bảo hiểm với mặt nạ phòng độc buộc dây vào thắt lưng được thả từ từ xuống nhưng mới chỉ được 5, 6 phút hắn đột nhiên kêu to lên: “Nguy rồi, mau kéo tôi lên!”.
Vừa lên đến nơi, hắn nằm lăn ra mặt đất thở hổn hển mãi không nói ra lời. Đây là bọn trộm đầu tiên ra tay với Tần Đông Lăng, kết quả là bọn chúng vội vã rút lui. Bọn chúng cho rằng nguyên nhân Đại Hải khó chịu là do thiếu oxy và bọn chúng mua thêm máy bơm gió, bình oxy, ống dẫn, đến đêm thứ ba lại bắt đầu hành động, lần này lão Tiêu nhỏ bé quyết định tự mình xuống hầm mộ.
Ở dưới đáy đường hầm là bóng tối om om như đặc quánh lại. Những ngôi mộ này đã được yên tĩnh hơn 2 ngàn năm, bóng tối ở đây như được đông cứng trong không khí. Đèn thợ mỏ chỉ chiếu sáng được một diện tích rất nhỏ phía trước bàn chân. Lão Tiêu mường tượng phía trước là một khoảng không gian rộng như một căn phòng lớn, dưới mặt đất ngổn ngang mấy khúc gỗ và một số chiếu cỏ đã mục nát, một cái bình gốm màu đen bụng to, miệng nhỏ. Dưới đó rất ẩm ướt, tay mó vào chỉ thấy bùn, vừa lạnh vừa dính nhơm nhớp.
Đang bước đi, lão Tiêu cảm thấy như có người kéo áo mình. Lão quay đầu thì lại không thấy gì, lão cúi đầu nhìn hóa ra dây thừng không đủ dài. Hắn cởi dây thừng bắt đầu mò mẫm đi, nói không sợ là nói bừa, theo tin đồn trong các lăng mộ cổ đại đều có bố trí những vũ khí bí mật.
Vào ngày thứ chín, sau khi phát hiện việc đào trộm mộ, các cảnh sát điều tra vẫn đang đau đầu suy nghĩ. “Chúng tôi đã bí mật điều tra những thôn dân ở xung quanh, đối với những vật chứng đều kiểm tra đi kiểm tra lại nhưng không có một đầu mối nào”. Trưởng phòng Trinh sát hình sự Cục Công an Phùng Vĩ nói: “Cho đến khi chúng tôi phát hiện một chiếc túi nylon”.
Ngày 29-10, một cảnh sát lão luyện chú ý đến một vật được vo tròn lại, nó là cái túi nylon màu trắng dính đầy bùn. Cảnh sát hình sự không chắc chắn lắm là nó thu được ở hiện trường hay ai đó vô tình để vào. Khi xem lại các bức ảnh chụp hiện trường, cuối cùng phát hiện đồ vật đó là thu được ở hiện trường. Giở cái bọc đó ra xem thì là loại túi ở bệnh viện dùng để đựng phim chụp và ở trên đó còn rõ số thứ tự và tên người bệnh mang họ Lưu viết bằng bút dạ.
Mọi người lập tức nhận ra giá trị của manh mối này và Đội phó đội Điều tra hình sự Dương Văn Vinh đến ngay bệnh viện để điều tra và tìm ra người họ Lưu đó thuộc huyện Hàm Dương, nhưng trong huyện người trùng tên như vậy có đến mấy chục và không ai khớp với đặc điểm mô tả của các bác sĩ. Mở rộng điều tra trong toàn tỉnh cuối cùng phát hiện một người họ Lưu ở Tây An với các đặc điểm khớp như các bác sĩ mô tả.
“Sự việc rất quan trọng, chúng tôi quyết không tha cho bọn xấu nhưng không để người tốt bị oan. Trước khi tiếp xúc với người họ Lưu, chúng tôi đã điều tra kỹ lưỡng mối quan hệ của ông ta”.
Phạm vi điều tra được mở rộng đến những người giao lưu trên mạng với người họ Lưu cuối cùng chốt lại một người có tên trên mạng là “Đa đa phát tài” (Phát tài thật nhiều). Người họ Lưu đã đến nhà anh ta một lần và vô tình để lại cái túi đựng phim chụp ở nhà hắn.
Vào ngày 5-11 “Đa đa phát tài” bị bắt khi đang ngủ và hắn nhanh chóng thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Hóa ra là khi “Đa đa phát tài” chuẩn bị đi đào trộm mộ đã thuận tay vớ chiếc túi nylon mà người họ Lưu vứt ở nhà mình để chứa đồ dùng. Sau đó, Tiểu Vũ và đồng bọn đều bị bắt.
Người họ Lưu không phạm tội thậm chí không biết người bạn trên mạng của mình đã làm gì. Bọn đào trộm mộ cho rằng chúng hành động không một kẽ hở nên cũng không thể hiểu được cảnh sát đã đột phá khẩu từ đâu để phá được vụ án.
Các hiện vật bị đánh cắp đang ở đâu? Cảnh sát hình sự lại đến những điểm khả nghi để điều tra nhưng đều không tìm thấy dấu tích những đồ vật đó. Lão Tiêu khai: “Trong mộ tối om om không nhìn thấy gì, tôi chỉ mang lên mấy khúc gỗ và mấy thanh tre thôi”.
Trong con mắt của Đội trưởng đội Hình sự Cao Quân, lão Tiêu là một đối thủ khó nhất. Hắn không những có kinh nghiệm về việc đào mộ mà đã tốt nghiệp đại học, có văn hóa, từng bị kết án vì tội gian lận, lừa đảo.
- Xem thêm: Những căn phòng bí mật ở nơi nổi tiếng
Rất ít người hiểu được dưới các ngôi mộ hoành tráng như thế nào. Cuộc khảo cổ lần đầu những năm 80 của thế kỷ trước chỉ làm rõ được hình dạng cơ bản bên trong của những ngôi mộ. Ban chuyên án quyết định xuống mộ để thu thập bằng chứng nhằm làm rõ tình hình những văn vật bị bọn đào trộm phá hoại.
Cảnh sát xuống mộ không đơn giản như bọn đào trộm. Để đề phòng những thiệt hại dù nhỏ nhất nên cần được bảo hộ an toàn. Việc đầu tiên là phải thay đổi không khí trong hầm mộ, một ống hút không khí ra và một ống đưa không khí vào được lắp đặt. Ngày 11-10, cảnh sát Vương Lỗi và nhà khảo cổ học Tiểu Cao vào hầm mộ. Tiểu Cao nói: “Vừa trượt xuống hơn chục mét thì một mùi khó chịu xộc vào mũi, mùi vị đó vẫn như còn dính ở trong cổ họng tôi hơn một tháng sau”.
Vương Lỗi đội mũ và mặc bộ đồ bảo hộ nhưng chỉ ở dưới đó hơn 10 phút khi lên là bị nôn.
Với ánh sáng đèn pin, một hành lang cao khoảng 4m và rộng hơn chục m2 hiện ra trước mặt hai người. Là người làm công tác khảo cổ nhiều năm, Tiểu Cao rất kinh ngạc về quy mô hoành tráng của ngôi mộ: “Trần và tường đều được ốp gỗ nhẵn bóng và bằng phẳng, dường như đây chỉ là hành lang xung quanh của mộ chính. Quan tài chưa bị mở, nhiều điều bí mật còn đang ẩn giấu trong bóng tối”.
“Khi xem video của hai người quay thì thấy bọn đào trộm chưa đục thông tường gỗ cho nên chưa thể lấy được các đồ vật quý”. Đội trưởng Cao Quân phân tích: “Bọn đào trộm mộ đã chôn các dụng cụ gây án ở xung quanh đó chứng tỏ rằng bọn chúng đang chuẩn bị tiến thêm một bước nữa nhưng bọn chúng đã bị bắt”.
Bắt được bọn đào trộm mộ nhưng không có thu hoạch gì? Các cảnh sát hình sự không dễ dàng chấp nhận kết quả như vậy. Trọng tâm lại hướng đến lão Từ. Lão Tiêu khai: “Tôi mang lên mấy khúc gỗ và những mảnh tre”. Lão Từ khai: “Những thứ đó không đáng giá vì đều là đồ của người chết nếu để trong nhà sẽ bị xui xẻo nên trên đường về Từ Châu tôi đã vứt xuống sông Hoàng Hà”. Qua nhiều lần chất vấn hắn vẫn một mực nói như vậy.
Đội phó đội Hình sự Thôi Nhất Ba cho rằng lời khai của lão Từ không logic: “Hắn đã chi cho vụ đào trộm mộ này 30.000 đồng thì bất kể được cái gì không thể nói ném đi là ném ngay. Bị xui xẻo à? Bản thân hắn đã làm việc xấu rồi còn sợ gì xui xẻo”.
Thôi Nhất Ba bắt lão Từ mô phỏng lại hành động lúc đó: “Ông vứt như thế nào?”. Lão Từ lấy tay làm mẫu: “Tôi dùng hai tay nâng lên đỉnh đầu và quẳng xuống sông”. Thôi Nhất Ba vặn hắn: “Như vậy không đúng, mấy thanh tre là gì mà phải dùng sức như vậy?”.
Cuối cùng, lão Từ đuối lý khai rằng các đồ vật lấy được đang giấu ở tầng hầm trong căn nhà Từ Châu.
Tổ chuyên án lại đi ngay Từ Châu và thu hồi được 11 văn vật, trong đó có một thứ văn vật cấp 1 và 10 thứ văn vật cấp 3. Đường hầm bọn đào trộm mở được bịt kín nhưng đã để lại một loạt vấn đề cần cảnh báo. Trung Quốc rất phong phú các văn vật lịch sử và các văn vật đó đang đối mặt với sự đe dọa nghiêm trọng vì những tên tội phạm.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu khảo cổ Thiểm Tây nói: “Mấy năm gần đây bọn tội phạm đào trộm mộ có tổ chức ngày càng phát triển và có chuyên nghiệp hóa nhưng ngược lại lực lượng bảo vệ văn vật lại rất mỏng và yếu”.
Khu vực cần bảo vệ của Tần Đông Lăng có diện tích hơn 24km2 nhưng chỉ có bốn nhân viên bảo vệ. Đại bộ phận các khu vực trong khu lăng mộ không thể đi xe được nên khi đi tuần phải đi bộ. Đi một vòng mất hơn một giờ đồng hồ nên sự sơ hở là không thể tránh khỏi. Do thiếu kinh phí nên việc lắp đặt các thiết bị cảnh báo, video an ninh chưa được bàn tới.
Quanh khu vực Tần Đông Lăng còn có hơn 10 lò gạch, khói bụi, đất gạch, xỉ than không chỉ phá hủy cảnh quan của khu lăng mộ mà còn uy hiếp đến sự an toàn của các văn vật văn hóa thậm chí còn là những chỗ ẩn nấp, che chở cho bọn đào trộm mộ.