Trước bậc thềm của cung điện Eduskunta, tòa nhà Quốc hội Phần Lan, một cô gái đẹp làm người ta kinh ngạc. Nhưng không phải do nước da trắng như gốm sư và nụ cười hấp dẫn đã làm cho cô bất ngờ nổi tiếng. Sanna Marin là thị trưởng một đại đô thị ở Phần Lan năm 28 tuổi, đại biểu Quốc hội lúc 29 tuổi, Bộ trưởng Giao thông lúc 33 tuổi và năm 34 tuổi trở thành nữ thủ tướng trẻ tuổi nhất thế giới.
Thế nhưng Sanna Marin lại xuất thân từ cô nhi viện và mất cha từ thuở nhỏ, được hai người phụ nữ nuôi cho đến khi lớn khôn. Liên minh các đảng cầm quyền hiện nay đều nằm trong tay những phụ nữ tuổi chưa quá 35 tuổi! Trong số 19 bộ trưởng trong nội các của vị thủ tướng trẻ nhất thế giới này lại có đến 12 phụ nữ. Đàn ông được dành cho chiếc ghế… Bộ Bình đẳng giới!
“Tại Phần Lan, tắm hơi là ‘một trạng thái của trí tuệ’. Theo truyền thống, đó là nơi diễn ra các giải pháp. Vì thế, bây giờ khi chúng tôi là 5 phụ nữ đang cầm quyền, người ta có thể cùng nhau đến đó để lấy các quyết định!”. Câu nói đùa của nữ Thủ tướng Sanna Marin với một nhà báo Mỹ là hết sức nghiêm túc, kề từ khi người phụ nữ 34 tuổi này, trẻ nhất trong số các nguyên thủ quốc gia toàn cầu, không ngừng lặp lại rằng: “Không, không, Chính phủ của tôi không hề bàn về thời trang ở đó…”.
Trong số 19 bộ trưởng, 12 người là phụ nữ. Họ nắm các chức vụ then chốt của đất nước Phần Lan như: Bộ Tài chánh, Bộå Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục, và dành cho đàn ông… Bộ Bình đẳng giới! 4 người trong số họ là “trái sơ ri trên đỉnh chóp chiếc bánh kem” – theo cách nói của người Phần Lan – nghĩa là lãnh tụ các đảng, tạo thành Liên minh trung tả cầm quyền, đều dưới 35 tuổi…
Vào ngày thứ ba của tháng 2-2020, họ ngồi trên hàng ghế Chính phủ tại Quốc hội Phần lan – Eduskunta, với những hàng cột khổng lồ. Thủ tướng vừa đọc xong bài diễn văn về chính sách tổng quát và trả lời cho các đại biểu đối lập. Sanna Marin hứa hẹn: “Chúng ta không cần phải vội vã. Mọi cải cách sẽ được diễn ra mà không làm gia tăng thiếu hụt ngân sách”.
Trên diễn đàn, Marlène Schiappa, Bộ trưởng Bình đẳng giới Pháp, được mời làm khách danh dự phì cười, nói: “Người ta luôn có cái nhìn ảo tưởng về điều sắp làm của một thủ tướng nữ. Nhưng giống như mọi thủ tướng trên thế giới, vấn đề đầu tiên là cân bằng ngân sách!” Bà bộ trưởng nước Pháp và những người đàn ông đến đây để tìm cảm hứng và gặp một cô em nhỏ hơn mình 3 tuổi, đang lên như diều. Một câu chuyện thành công theo kiểu Phần Lan.
Ra đời tại Helsinki, Sanna Marin ăn mừng thôi nôi lần đầu tiên trong nhà từ thiện dành cho phụ nữ bị chồng đánh đuổi, cùng với bà mẹ, lớn lên từ cô nhi viện, tìm nơi trú ẩn, thoát khỏi tay một người chồng luôn say rượu và đánh vợ tàn nhẫn. “Suốt 30 năm qua, tôi chỉ gặp được cha có một lần. Tôi chẳng còn quan hệ gì với lão đó nữa”, bà Thủ tướng kể. Mẹ bà yêu một phụ nữ khác và họ chung sống với nhau như vợ chồng: “Tôi lớn lên trong một gia đình “cầu vồng”, đồng tính hay chuyển giới […]. Chúng tôi có những thời kỳ thất nghiệp rất khó khăn. Mạng lưới an sinh xã hội đã cứu mạng chúng tôi”. Không có nó, Sanna Marin không thể nào đến trường học được. Về chính trị, đó là một đứa trẻ phát triển sớm, mà cuộc chiến đầu tiên diễn ra vào năm 7 tuổi. Khu rừng nhỏ phía sau trường phải được dọn sạch, Sanna đã tổ chức cuộc biểu tình lần đầu tiên và hát quốc ca. Cây cối bị chặt sạch, nhưng một số khác đã được trồng lại. Một chiến thắng khiêm tốn đầu tiên.
Mấy năm sau, cô phát hiện trên truyền hình Tarja Halonen, Chủ tịch đảng Dân chủ-Xã hội (SDP) và tình nguyện đi theo phụ giúp. Người đấu tranh cho nữ quyền dữ tợn này, vốn là một bà mẹ độc thân, một luật sư thuộc sắc dân thiểu số, đã làm cho cả thế giới kinh hoàng khi được bầu làm tổng thống Phần Lan! (từ năm 2.000 đến 2012). Năm đó những điểm tốt của Sanna khiến cho cô được học bổng vào trường đại học. Cô là người đầu tiên trong gia đình lấy được bằng tú tài và lên đại học, với đủ mọi nghề vặt vãnh: bán báo, bán bánh mì, giữ két cho một cửa hàng. Học khoa học xã hội và quản trị công, cô phải gạt nước mắt bỏ đi, ra khỏi cuộc họp chính trị đầu tiên trong đời. Các sinh viên thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SPD) – bỏ ra hàng giờ tranh cãi nhau chí chóe để xem có cần phải trả tiền ăn cho các chiến binh đi phân phát truyền đơn hay không?
Nhưng đến năm 27 tuổi, Sanna lại được bầu làm thành viên của Hội đồng thành phố Tampere, lớn thứ nhì trên cả nước Phần Lan. Một năm sau, 2013 cô giành được chức chủ tịch và bảo vệ một dự án xe điện ngầm khổng lồ. Trong các cuộc tranh cãi, được phổ biến trực tiếp trên đài truyền hình địa phươngSanna Marin chiếm trọn màn hình. Năm 2015, cô được bầu làm đại biểu Quốc hội, Quan hệ trực tiếp với chính quyền qua mạng xã hội, công bố trên mạng Instagram những bức ảnh cái bụng tròn quay của mình với bộ đồ nghề sinh đẻ dành cho các bà mẹ tương lai từ năm 1938, chứa mọi công cụ cần thiết cho sự ra đời của một em bé. Sanna Marin hí hửng nói: “Đó là niềm hãnh diện của xứ Phần Lan”. Cô cũng chụp những bức ảnh đang cho bé gái Emma bú hay dắt nó đến trụ sở Quốc hội. Vào ngày lễ Quốc khánh, cô chụp ảnh trong vòng tay ý trung nhân Markus Raikkonen, một cầu thủ bóng đá chuyển sang làm chuyên gia vi tính, gặp lúc 19 tuổi. Cô mặc chiếc áo dài bằng tơ lụa sống. Đó là chiếc áo dài cưới trong tương lai của tôi. Nghề nghiệp buộc họ phải hoãn lại đám cưới.
Cuối năm 2018, Antii Rinne, Chủ tịch đảng SDP, bị đột quỵ bất ngờ. Suốt 3 tháng, ngay trong thời bầu cử, Sana Marin vốn là nhân vật số 2 của đảng phải lên thay thế. Trên sàn quay của Đài Truyền hình, cô đấu khẩu trực tiếp với cựu Thủ tướng mãn nhiệm và chiếm trọn cả màn ảnh. Tái đắc cử đại biểu Quốc hội với số phiếu cao hơn lần trước 19.000 phiếu, cô được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giao thông. Khi người tiền nhiệm bị buộc phải từ chức vào tháng 12.2018, cô gái trong lứa tuổi 30 trở thành nữ thủ tướng thứ 3 của đất nước Phần Lan, được Liên Hiệp Quốc xếp loại có chỉ số sống hạnh phúc cao nhất thế giới!
Helena Petaisto, biên tập viên ngôi sao của Đài Truyền hình MTV, kênh tư nhân số một tại Phần Lan, nói với Marlène Schiappa: “Cô ta không leo lên chức vụ đó bằng con đường ‘bẻ khóa’ giống như Emmanuel Macron của nước Pháp các vị. Cô ta nhảy từng lúc 4 cấp, và biết tóm lấy cơ hội ở mỗi giai đoạn. Với phương châm: Tại sao không phải là tôi?”.
Phần Lan luôn luôn là quốc gia đi tiên phong. Năm 1906, đây là quốc gia đầu tiên tại châu Âu cấp quyền đi bầu cử cho phụ nữ. Tại Quốc hội, sự cân bằng gần như hoàn hảo: 94 phụ nữ trong số 200 đại biểu, trong khi tại Pháp chưa đến 40%! Tại quốc gia dân số ít ỏi này, người ta nhanh chóng huy động mọi nguồn lực sẵn có và mọi tài năng. Tiina Ivakko, giám đốc nhà trẻ Pikkutilly, mở cửa 24/24 giờ và 7/7 ngày cho biết: “Tại Phần Lan, phụ nữ lúc nào cũng phải làm việc. Điều đó giải thích vì sao chúng ta có hệ thống nhà trẻ tốt đến thế. Tại đây tìm việc tại nhà trẻ không phải là vấn đề. Nhưng một quyền lợi được luật pháp bảo trợ: cha mẹ có thể làm việc hay không. Là tấm gương điển hình thế giới trong nghỉ thai sản, Phần Lan còn muốn đi xa hơn nữa. Đó là một trong những cải cách đầu tiên do Sanna Marin đệ trình: kéo dài thời kỳ thai sản từ 11 tháng rưỡi lên 14 tháng, và được chia đều cho cả bố mẹ. Mỗi người sẽ được lợi thêm 164 ngày. Thủ tướng giải thích với Marlène Schiappa. Nhiều ông bố cũng muốn ở nhà với chị. Tại Pháp, họ chỉ có được 11 ngày nghỉ thôi, khi vợ đi sinh. Cô gái Phần Lan tròn xoe mắt: “Chỉ 11 ngày ư?” Cô cũng muốn tuổi đến trường bắt buộc cho trẻ con phải kéo dài đến 18 tuổi. Và trong các nhà dưỡng lão phải có một tỉ lệ tối thiểu người chăm sóc.
Những vấn đề này trở thành mục tiêu ưu tiên của Thủ tướng. Sari Aavikko, 43 tuổi, hiệu phó trường trung học Pháp-Phần Lan tại Helsinki, cho biết: “Ngoài việc làm mô hình cho học trò, thế hệ cầm quyền mới này còn có suy nghĩ khác. Trong trường của cô cũng như mọi trường trên cả nước, từ năm 1976, mỗi học sinh phải học qua khóa nội trợ: may vá, thêu thùa, làm bếp, giặt giũ, ủi đồ, làm mộc… Ông hiệu trưởng Kari Kivinen nói thêm: “Họ phải biết làm mọi thứ. Người Pháp hỏi tôi: ‘Điều đó giúp ích được gì khi đi thi tú tài?’ Chúng tôi không lý luận như vậy. Chúng tôi chỉ nghĩ đến khả năng và muốn biến mọi công dân thành người có thể tự chăm sóc cho bản thân mình và cả gia đình”.
Phần Lan cũng áp đặt nguyên lý: 60-40 trong tất cả các cơ quan công quyền. Bất kỳ cuộc họp nào cũng không thể bắt đầu nếu thiếu 40% phụ nữ tham gia. Với Sanna Marin, còn phải tiến thêm nữa: “Chúng tôi muốn phụ nữ được đối xử bình đẳng hơn trên thị trường lao động. Và chúng tôi có vấn đề rất lớn với bạo lực gia đình. Tại Phần Lan, ½ phụ nữ trên 15 tuổi bị đánh đập hay hiếp dâm: đó là điều rất xấu hổ! Phải thay đổi!”.
Sanna Marin biết mình không có quyền sai lầm. Cô đã kềm hãm được sự xuống dốc của đảng qua các cuộc thăm dò, nhưng với số 16,7% phiếu bầu, nó còn thua xa đảng cực hữu. Những người Phần Lan thực sự với 21,7%. Lúc 7 tuổi, Sanna Marin rất thích nhóm nhạc Nổi điên chống cỗ máy khi họ hát câu: “Chúng ta sẽ phải lấy lại quyền hành!”. Một thách thức của cô.