Từ ngày nền kinh tế chuyển đổi sang hướng thị trường đến nay, bên cạnh sự phát triển tất yếu của xã hội là sự xuất hiện của một tầng lớp doanh nhân năng động biết cách làm giàu. Số người giàu tăng nhanh dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội nhiều năm qua là vấn đề không chỉ người trong nước quan tâm mà còn là nội dung nghiên cứu của nhiều định chế quốc tế.
Một phúc trình của Ngân hàng Thế giới vừa công bố cho thấy thành phần giàu có ở Việt Nam đã tăng gấp ba trong thập niên qua. Trong khi đó, theo Tập đoàn Knight Frank, Việt Nam có khoảng 110 đại gia có tài sản cá nhân vượt quá 30 triệu USD trong năm 2013, tăng 34 người so với 10 năm trước đây. Có thể nói đây là những người siêu giàu mà tổng tài sản của họ đạt gần 3,4 tỉ USD. Trên thực tế, số người siêu giàu ở Việt Nam có thể cao hơn dự báo này rất nhiều. Bởi số liệu thống kê của chúng ta thường không chính xác, thêm vào đó là tâm lý e ngại công bố tình hình tài sản công khai.
Knight Frank là tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực tư vấn bất động sản, có trụ sở chính tại London (Anh), hiện điều hành 207 văn phòng tại 43 quốc gia với hơn 6.340 chuyên gia. Báo cáo hằng năm của Knight Frank thường được các tờ báo uy tín thế giới tham khảo sử dụng. Để đưa ra các dự báo, Knight Frank dựa trên tình hình kinh tế thế giới, đầu tư thương mại và kể cả xu hướng phát triển toàn cầu. Tại mỗi quốc gia, chính sách vĩ mô đã được ban hành và những chính sách dự kiến sẽ được ban hành cùng với tình hình phát triển của thị trường, nhu cầu người tiêu dùng, xu hướng kinh doanh đầu tư, số liệu kết quả kinh doanh… là một số trong nhiều cơ sở để đưa ra dự báo.
Nghiên cứu của Knight Frank dưới tiêu đề “Báo cáo Thịnh vượng 2014” công bố cách đây vài tháng còn đi xa hơn một bước khi đưa ra nhận định tại châu Á sẽ xuất hiện nhiều người siêu giàu trong 10 năm tới, trong đó Việt Nam có tốc độ tăng người siêu giàu dự đoán 166%, cao nhất thế giới, đạt 293 người. Tiếp theo là Indonesia tăng 144% với 1.527 người, Bờ Biển Ngà 54 người, tăng 116%. Siêu giàu được nói đến ở đây gồm những người có tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên.
Không chỉ siêu giàu, lần đầu tiên Việt Nam cũng đã có tỉ phú đôla, thể hiện qua giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán tăng mạnh. Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VinGroup, dẫn đầu danh sách 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, có tài sản trị giá hơn 22.000 tỉ đồng tương đương trên 1 tỉ USD, được đánh giá là giàu gấp sáu lần những đại gia trung bình ở Việt Nam.
Hiện nay, chỉ tính riêng tổng tài sản của 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt hơn 56.000 tỉ đồng, tăng khoảng 30% so với giữa năm 2013.
Sau ông Phạm Nhật Vượng là ông Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai), ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát)… là những người trong Top 10 giàu nhất trên sàn chứng khoán. Những đại gia chứng khoán này sau khi tập trung đầu tư vào bất động sản là chính, nay phát triển theo hướng đa ngành, có sản xuất công nghiệp nặng, bán lẻ…, những ngành hàng mang tính bền vững hơn.
Ở cấp độ đô thị lớn, TP. Hồ Chí Minh được dự đoán sẽ là nơi có số người giàu tăng mạnh nhất, lên đến 173% trong thập niên tới. Năm 2013, TP.HCM có 90 người siêu giàu trên tổng số 9 triệu dân.
Chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng tỷ lệ người siêu giàu Việt Nam tăng là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế và nhấn mạnh “đại diện cho một nền kinh tế chính là cộng đồng doanh nghiệp, đối tượng chứng tỏ sức khỏe của nền kinh tế đó”.
Trong khi nền kinh tế 2014 được dự báo vẫn tăng trưởng dưới tiềm năng, số lượng người siêu giàu tại Việt Nam đã và đang tăng nhanh, làm gia tăng nguy cơ bất bình đẳng. Ông Sandeep Mahajan, chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, nhận xét cứ khoảng 1 triệu người Việt Nam thì có một người siêu giàu, hiện Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước Đông Nam Á có số người siêu giàu tăng mạnh trong vòng một năm qua.
Khoảng cách giữa những người rất giàu với số đông người nghèo sẽ tạo ra những phản ứng chính sách và xu hướng ngày càng có nhiều người dân chuyển đến các thành phố và những khu vực có điều kiện phúc lợi tốt hơn. Do vậy giảm khoảng cách giàu nghèo là mục tiêu quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội mà từ lâu Chính phủ đã có nhiều cố gắng.
Cách đây 20 năm, khi vừa mới thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, Việt Nam có quá nửa tổng số hộ dân sống dưới mức nghèo khổ, nay thì cả nước chỉ còn khoảng 10% tổng số hộ nghèo và hầu như không còn hộ đói. Cũng cách đây 20 năm, có đến 2/3 tổng số hộở khu vực nông thôn sống ở mức nghèo khổ và cũng có một tỷ lệ không nhỏ số hộ còn bị đói, giờ thì tỷ lệ này đã giảm khá nhanh.
Tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng tỷ lệ nghèo và quy mô số người nghèo ở Việt Nam còn lớn. Việc phân bố số người nghèo không chỉ chênh lệch ở tỷ lệ cao thấp qua các vùng, mà còn ở quy mô số người tuyệt đối. Theo số liệu thống kê của nhà nước, vùng Đồng bằng sông Hồng có khoảng 1,23 triệu người, vùng trung du và miền núi phía Bắc có 2,76 triệu người, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung có 3,21 triệu người, vùng Tây Nguyên có khoảng trên 1 triệu người, Đông Nam bộ có gần 213.000 người và vùng Đồng bằng sông Cửu Long có trên 1,84 triệu người. Đáng chú ý là với một đất nước liên tục phải gánh chịu thiên tai như Việt Nam thì ranh giới giữa mức cận nghèo và nghèo là rất mong manh nên nguy cơ số hộ nghèo tăng lên rất dễ xảy ra.
Thực tế trên cho thấy, bất bình đẳng trong thu nhập ở nước ta ngày càng rõ nét và gay gắt hơn, tỷ lệ hộ nghèo tập trung chủ yếu ở những vùng khó khăn, có nhiều yếu tố bất lợi như điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng kém, trình độ dân trí thấp, trình độ sản xuất manh mún, sơ khai.
Ngoài ra, còn xuất hiện một số đối tượng nghèo mới ở những vùng đang trong quá trình đô thị hóa và nhóm lao động nhập cư vào đô thị, họ thường gặp khó khăn nhiều hơn và phải chấp nhận mức thu nhập thấp hơn lao động sở tại. Đây là những yếu tố làm gia tăng tình trạng tái nghèo và tạo ra sự không đồng đều trong tốc độ giảm nghèo giữa các vùng trong cả nước.
Hiện nay, hệ số chênh lệch giàu/nghèo của Việt Nam cao hơn nhiều nước đã trải qua thời kỳ dài phát triển kinh tế thị trường. Nhìn chung, cơ chế thị trường của chúng ta còn mới mẻ, thậm chí có người cho là nền kinh tế thị trường hoang dã, đã tạo ra những kẽ hở để cho một bộ phận lách cơ chế hoặc lợi dụng cơ chế để trục lợi, tham nhũng. Số người làm giàu dạng này thường không đóng góp bao nhiêu để chia sớt gánh nặng của nhà nước mà còn làm cho tiềm lực kinh tế ngày càng suy giảm.
Vì thế, nếu không nhanh chóng hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế dân chủ, nhà nước pháp quyền, đồng thời xử lý vấn đề lợi ích nhóm, sở hữu chéo, lạm dụng độc quyền… thì chênh lệch giàu – nghèo hiện đang quá lớn lại sẽ càng tăng nhanh.
Thách thức này đòi hỏi Nhà nước và cả xã hội, trong khi khuyến khích, tôn vinh người làm giàu chính đáng, thì phải có biện pháp để tăng thu nhập của người nghèo, đảm bảo hệ số chênh lệch sẽ được kiềm chế, tiến tới giảm dần khoảng cách giàu – nghèo. Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích người giàu tham gia vào đời sống xã hội bằng cách giảm thuế cho các đóng góp tự nguyện hoặc có các quy định ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia vào hoạt động từ thiện mà về lâu dài là nhằm rút ngắn phần nào chênh lệch giàu nghèo.
Hệ thống chính trị tốt thường biểu hiện qua việc phân bổ tài nguyên (đồng vốn, tài nguyên thiên nhiên, con người) đúng người đúng việc để với ưu thế vận tốc ban đầu được giao, những con người có năng lực sẽ tạo nên những giá trị gia tăng cho xã hội và đương nhiên họ được hưởng công lao xứng đáng với thành quả mang lại. Đó chính là sự công bằng.
Để có sự công bằng phải sử dụng công cụ điều tiết được mọi người chấp nhận, khi đó người giàu không phải là đối tượng của sự ganh tỵ, soi mói trong xã hội và khi họ làm tròn nghĩa vụ thì đáng được vinh danh.
Công cụ điều tiết công bằng xã hội có hiệu quả là khi tất cả mọi người đều đủ ăn đủ mặc, trẻ con được học hành, mọi người đều có cơ hội làm việc, được sống tự do hạnh phúc, là những điều kiện cơ bản phải đạt được. Và khi đó phân hóa giàu nghèo được trả lại vị trí của nó chỉ là sự phát sinh tự nhiên trong thời buổi thị trường.
Hoàng Long