Nhằm thắt chặt quản lý và giám sát các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn, tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành nghị định về tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, có hiệu lực từ ngày 1-9-2014, trong đó có hai điều rất quan trọng là công ty mẹ phải có vốn trên 10.000 tỉ đồng và các doanh nghiệp không được sở hữu chéo.
Theo quy định tại văn bản này, việc thành lập tập đoàn kinh tế phải đáp ứng được các điều kiện, gồm có ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thuộc ngành, lĩnh vực sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ đặc biệt quan trọng trong đảm bảo an ninh quốc gia về kinh tế; có cơ sở tạo nên nền tảng về hạ tầng kinh tế quốc gia, tạo động lực nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. Tập đoàn kinh tế phải có tối thiểu 50% số công ty con hoạt động trong những khâu, công đoạn then chốt trong ngành và lĩnh vực kinh doanh chính. Công ty mẹ trong tập đoàn phải có vốn điều lệ không thấp hơn 10.000 tỉ đồng. Đối với tổng công ty, vốn điều lệ của công ty mẹ không được thấp hơn 1.800 tỉ đồng. Nếu không đáp ứng các yêu cầu trên, tập đoàn kinh tế (hoặc tổng công ty) sẽ phải chấm dứt hoạt động dưới hình thức tập đoàn kinh tế (hoặc tổng công ty).
Nghị định cũng quy định doanh nghiệp bị chi phối không được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp giữ quyền chi phối trong cùng một tập đoàn kinh tế hoặc tổng công ty. Các doanh nghiệp bị chi phối trong cùng một tập đoàn kinh tế hay tổng công ty không được góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau. Công ty mẹ cũng như các doanh nghiệp thành viên trong các tập đoàn kinh tế hay tổng công ty không được kinh doanh những ngành nghề không liên quan.
Các tập đoàn kinh tế và tổng công ty chịu sự quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước, đồng thời phải công khai, minh bạch các thông tin chủ yếu liên quan đến hoạt động của mình tại trang thông tin điện tử doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (http://www.business.gov.vn).
Nguyễn Thắng