Suy giãn tĩnh mạch hiện đang là một bệnh lý khá phổ biến nhưng những triệu chứng ban đầu chưa được chúng ta quan tâm đúng mức và thường bị nhầm lẫn với tình trạng thiếu calci hoặc viêm khớp.
Hậu quả là sau một thời gian xem thường, không điều trị hoặc điều trị không đúng, các tĩnh mạch bị giãn và căng phồng quá mức gây nhiều biến chứng nặng nề như: chân sưng phù, đau nhức do viêm tĩnh mạch chân, viêm loét dẫn đến hoại tử ở bắp chân, khối máu đông gây tắc nghẽn mạch máu dẫn đến tử vong…
PGS-TS Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng khám Lồng ngực – mạch máu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch hội Tĩnh mạch học TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “Theo một thống kê do Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh thực hiện thì có đến 77,6% bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch không hề có kiến thức về bệnh của mình.
Thưa bác sĩ, tại sao nhiều bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch lại không được điều trị hoặc điều trị không đúng như vậy?
Vì bệnh nhân không có kiến thức cơ bản về bệnh suy giãn tĩnh mạch. Các triệu chứng ban đầu của bệnh thường chỉ là cảm giác nặng chân, mỏi chân, phù nhẹ khi phải đứng nhiều, chuột rút vào buổi tối… Người bệnh luôn cho đó là những biểu hiện không mấy nghiêm trọng, ít ảnh hưởng đến cuộc sống nên không đi khám. Đôi khi có đi khám nhưng bác sĩ không kiểm tra kỹ và bỏ qua các triệu chứng của bệnh.
Hơn nữa, những triệu chứng này lại dễ nhầm lẫn với các bệnh lý về xương khớp nên không ít bệnh nhân điều trị ở các thầy thuốc về chuyên khoa xương khớp trong một thời gian dài trước khi phát hiện ra bệnh suy giãn tĩnh mạch.
Xin bác sĩ giải thích rõ hơn về hội chứng này để giúp mọi người nắm những kiến thức cơ bản về bệnh.
Chúng ta cần hiểu rằng hệ thống tĩnh mạch của chi dưới được phân chia làm ba nhóm:
- Thứ nhất là nhóm tĩnh mạch sâu đi kèm với động mạch, đây là các tĩnh mạch không bao giờ bị giãn, bệnh chủ yếu là viêm tắc tĩnh mạch.
- Thứ hai là nhóm tĩnh mạch nông (gần da), dễ bị suy giãn.
- Thứ ba là nhóm tĩnh mạch xuyên, có chức năng đưa máu từ hệ thống tĩnh mạch nông vào hệ tĩnh mạch sâu. Máu di chuyển trong lòng tĩnh mạch theo chiều từ nông vào sâu và từ dưới lên trên nhờ hệ thống van, không cho máu chảy ngược.
Chứng giãn tĩnh mạch là hiện tượng các tĩnh mạch bị giãn và căng phồng lên một cách bất thường và vĩnh viễn. Nguyên nhân chính là do quá trình vận chuyển máu từ chân về tim bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như: chân bị liệt, thói quen lười vận động, đứng hoặc ngồi quá lâu, béo phì, mang thai nhiều lần, di truyền, nội tiết tố…
Hội chứng này liệu có đưa đến những biến chứng nguy hiểm?
Hoàn toàn có thể dẫn đến những biến chứng vô cùng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong.
Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân thường bị phù hai chi dưới, hay chuột rút về ban đêm. Triệu chứng này sẽ bớt khi bệnh nhân kê cao chân khi ngủ. Về sau, các triệu chứng phù và nặng chân ngày càng nghiêm trọng, chân hay bị nóng, sưng đỏ do viêm đồng thời các tĩnh mạch giãn dần, nổi ngoằn ngoèo trên da.
Giai đoạn bệnh nặng, hệ tĩnh mạch giãn nở nghiêm trọng, gây đình trệ tuần hoàn máu dẫn đến viêm loét, nhiễm trùng rất khó điều trị. Nguy hiểm hơn là khối máu đông hình thành, gây nghẽn động mạch phổi, có thể đưa đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Nhiều người cũng có những đường gân máu nổi rất rõ ở bàn tay và cánh tay. Đây có phải là hiện tượng suy giãn tĩnh mạch không?
Suy tĩnh mạch có thể xảy ra ở bất kỳ tĩnh mạch nào trên cơ thể nhưng ở tay ít gặp hơn ở chân vì hệ thống tĩnh mạch chi dưới dài và phức tạp hơn, chịu ảnh hưởng của trọng lực nhiều hơn. Còn các trường hợp suy giãn tĩnh mạch ở tay thường là giãn tĩnh mạch bẩm sinh hoặc là triệu chứng của u máu hay bất thường về tĩnh mạch.
Dường như những người thừa cân hay bị suy giãn tĩnh mạch hơn những người bình thường?
Đúng như vậy. Vì lẽ đó nên giảm cân là một trong những giải pháp đầu tiên cho việc phòng và chữa trị bệnh.
Trên thực tế, những người có tiền sử gia đình mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch hay mắc bệnh hơn những người khác, nữ hay mắc bệnh hơn nam. Đặc biệt, những người có nguy cơ cao là người phải đứng hoặc ngồi lâu mỗi ngày: như nhân viên văn phòng, tài xế, nội trợ, nhân viên bán hàng, người thường xuyên mang giày cao gót hoặc giày chật, người từng trải qua phẫu thuật sản khoa và niệu khoa, chân bị bó bột, bất động lâu trong ngày, người ít ăn chất xơ hay bị táo bón.
Hiện nay các phương pháp điều trị có giúp chữa khỏi bệnh hoàn toàn hay không?
Bệnh suy tĩnh mạch mãn tính chi dưới nếu được chẩn đoán và điều trị sớm thì có thể khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên thời gian điều trị thường kéo dài, có khi phải mất từ 12 đến 18 tháng. Những trường hợp điều trị lâu năm mà không khỏi là do không tuân thủ đúng chỉ định điều trị của thầy thuốc chuyên khoa hoặc không thay đổi chế độ làm việc, lối sống và thói quen tập thể dục mỗi ngày.
Việc điều trị thường bắt đầu bằng phương pháp phòng ngừa nhằm tăng cường lưu thông máu bằng cách kê chân cao khi nằm nghỉ, luyện tập cơ, tránh đứng hay ngồi lâu, băng ép (do thầy thuốc thực hiện) hoặc mang vớ y khoa, giảm cân nặng, tập hít thở sâu, chế độ ăn uống nhiều chất xơ…
Bệnh nhân cần sử dụng các thứ thuốc làm bền thành mạch, chống phù, chống đông máu như: Venosan, Daflon, Ginkofort… Nếu bệnh đã ở mức độ nặng, bệnh nhân có thể được điều trị bằng các phương pháp ngoại khoa như: phẫu thuật cắt bỏ tĩnh mạch bị giãn, sử dụng laser để hủy các tĩnh mạch suy giãn, tiêm các loại thuốc gây xơ tĩnh mạch…
Bác sĩ có nói đến việc sử dụng băng ép hoặc vớ y khoa nhằm tăng sức bền thành tĩnh mạch, dụng cụ nào sử dụng thuận tiện hơn cho người bệnh?
Theo tôi thì vớ y khoa (có bán ở các nhà thuốc) sử dụng hiệu quả hơn băng ép vì dễ sử dụng và lực ép lên thành tĩnh mạch cũng đều hơn. Vớ giúp chữa bệnh rất tốt nếu sử dụng ngay từ khi có những dấu hiệu đầu tiên.
Phẫu thuật điều trị suy giãn tĩnh mạch liệu có để lại biến chứng?
Phẫu thuật hiện nay có hai phương pháp chính: Lấy bỏ các tĩnh mạch nông bị giãn (Stripping) hoặc lấy các đoạn tĩnh mạch bị giãn của hệ thống xuyên (Muller) đây là phương pháp điều trị khá triệt để, thường không gây biến chứng và có tỷ lệ tái phát rất thấp.
Trên thị trường hiện nay xuất hiện một loại cao hạt dẻ ngựa (Aesculus hippocastanum), có tác dụng giảm đau chân, giảm nặng chân, sưng phù mắt cá chân và bắp chân. Bác sĩ có khuyến khích dùng loại thuốc này?
Đây là một loại thực phẩm chức năng mà thôi. Với tôi thì thực phẩm chức năng dùng cũng tốt, không dùng cũng được, không có tác dụng chữa bệnh như lời quảng cáo.
Cách chữa trị bằng đông y cũng vậy, chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị chứ không phải là phương pháp điều trị chính.
Bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch nên đến đâu để khám và điều trị?
Bệnh nhân có thể đến khám và điều trị tại các bệnh viện hoặc trung tâm y tế có chuyên khoa về mạch máu như: Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Bình Dân, bệnh viện Quốc tế Minh Anh v.v…
Thời gian điều trị phụ thuộc vào từng giai đoạn của bệnh và chỉ định điều trị của bác sĩ. Nếu điều trị bằng thuốc thì thì thời gian điều trị phải kéo dài từ ba đến sáu tháng. Nếu điều trị ngoại khoa thì thời gian mổ và chăm sóc sau mổ kéo dài khoảng một tuần. Tổng chi phí kể cả phẫu thuật khoảng từ 9 đến 12 triệu đồng.
Lời khuyên của bác sĩ trong cách phòng bệnh suy giãn tĩnh mạch?
Chúng ta có thể phòng bệnh giãn tĩnh mạch bằng các phương pháp rất đơn giản như tránh để cơ thể bị béo phì, tránh đứng hoặc ngồi lâu, tránh táo bón và làm tăng sức bền của thành mạch máu bằng tập thể dục, uống nhiều nước, ăn các thức ăn giàu vitamin và nhiều chất xơ…
Cảm ơn bác sĩ về buổi trò chuyện.