Trưng bày này do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Hội búp bê Edo-Kimekomi truyền thống Schiei-kai, Hiệp hội Giao lưu Văn hóa Kimono tổ chức, nhân kỷ niệm 103 năm ngày Quốc tế Phụ nữ và năm Hữu nghị ViệtNam – Nhật Bản.
Không lộng lẫy hay diêm dúa bắt mắt với trẻ em như nhiều loại hình búp bê khác trên thế giới, búp bê truyền thống Nhật Bản có một sức thu hút riêng, rất kỳ lạ. Ngộ nghĩnh, đầy màu sắc nhưng vô cùng tinh tế và đặc biệt là được làm thủ công nên mỗi búp bê có một dáng vẻ riêng, một khuôn mặt riêng, một “hồn cốt” riêng, y như một xã hội thu nhỏ. Trong đó có các vị quan và cận thần, các diễn viên kịch, thiếu nữ, bé trai, bé gái; có cả các thú vật như chuột, chim cú… Có lẽ do các tập tục văn hóa nên búp bê đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân Nhật Bản từ thời cổ đại. Trong Lễ hội bé gái chẳng hạn, không thể không có bộ búp bê Hina Matsuri… Hơn 200 búp bê truyền thống có mặt tại trưng bày, phần lớn được làm theo phong cách Kimekomi (bọc vải vào gỗ). Búp bê Kimekomi có nguồn gốc ở thành phố Kyoto(cố đô của Nhật Bản, thế kỷ XVII), được làm bằng gỗ liễu và quấn lên đó những miếng lụa hoặc gấm. Quan niệm của người Nhật Bản, búp bê Kimekomi có thể xua đuổi được tà ma, bệnh tật, khí uế, bảo vệ người già và trẻ nhỏ.
Theo bà Sathiei Itoh – Chủ tịch Hội búp bê Edo-Kimekomi: Búp bê Nhật Bản ra đời cách đây khoảng trên bốn thế kỷ, phản ánh tập tục văn hóa của Nhật Bản, nguyện vọng của người dân nơi đây cũng như quan niệm, tín ngưỡng riêng biệt đã được phát triển qua nhiều thế kỷ dưới các loại hình khác nhau. Búp bê Nhật Bản không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật mà còn thể hiện sức mạnh tinh thần, niềm tin và lòng tự hào dân tộc của đất nước này. Ngày xưa, mỗi nghệ nhân phải mất đến hai năm mới hoàn thiện xong một búp bê loại lớn… Do vậy, khác với các loại búp bê khác trên thế giới, nó luôn được coi là một sản phẩm văn hóa để trưng bày hoặc dùng trong các dịp nghi lễ, chứ không phải là một món đồ chơi cho trẻ em. Đồng thời nó luôn được coi là một món quà để tặng nhau trong những dịp đặc biệt. Ngày nay, ở một vài nơi những người yêu búp bê truyền thống “tụ” lại với nhau để cùng làm. Thường thì mỗi người làm một công đoạn khác nhau: Người chuyên làm thân, người chuyên làm mặt, người chuyên làm phục trang… cho búp bê. Tuy thế, búp bê truyền thống Nhật Bản ngày càng trở nên vắng bóng trong cuộc sống đời thường.
Hina Matsuri Doll
Bởi không nằm ngoài những nguy cơ của các nghề thủ công truyền thống, những khó khăn mà các nghệ nhân vấp phải luôn như một vòng tròn mà chưa có phương án hữu hiệu nào thoát ra được: Vì được làm hoàn toàn bằng thủ công nên giá thành một búp bê rất đắt, bộ Hina Matsuri dành cho lễ hội bé gái có giá lên tới 1 triệu yen (tương đương 20 triệu đồng Việt Nam), còn các búp bê nhỏ khác cũng có giá tới vài trăm ngàn yen. Chính vì thế, người mua cũng ít dần đi, và khi lượng “cầu” ít đi thì các nghệ nhân cũng dần dần giải nghệ. Mà càng ít người làm thì giá thành lại càng ngày càng đắt lên… Cứ thế, cái vòng tròn xoáy trôn ốc ấy cứ dần bé lại… Đó cũng là lý do để Hội búp bê Edo-Kimekomi ra đời. Nhiệm vụ chính của Hội là tiếp tục nghiên cứu, truyền dạy nghề thủ công đặc sắc này – di sản văn hóa của nước Nhật Bản.
Edo-kimekomi Doll
Không gian Nhật tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam những ngày này còn được tạo bởi những hoạt động phụ trợ: Các nghệ nhân hướng dẫn cách làm búp bê, mặc thử trang phục kimono, Yukata, thực hành gấp giấy Nhật Bản đồng thời các em nhỏ có thể tham gia các trò chơi truyền thống của trẻ em Nhật Bản…
Diễm Vân