Ritesh Agarwal sinh ra để trở thành một doanh nhân khởi nghiệp. Nhà sáng lập 25 tuổi của Oyo Hotels bắt đầu lập trình máy tính từ lúc học tiểu học. Ngày nay, chuỗi khách sạn dựa trên nền tảng ứng dụng của Agarwal phát triển mạnh tại Ấn Độ, Trung Quốc và đang mở rộng hoạt động tại thị trường châu Âu, Trung Đông, Nhật và Đông Nam Á.
Năm 13 tuổi, Agarwal bắt đầu việc kinh doanh đầu tiên trong đời bằng cách bán thẻ SIM điện thoại di động và hàng tiêu dùng nhanh trên đường phố quê nhà ở một thị trấn nhỏ miền Đông Ấn. Một năm sau, Agarwal nói với các bạn học cấp 2 rằng mình muốn trở thành một doanh nhân, mặc dù chưa hiểu hết ý nghĩa của từ này.
“Nếu bạn muốn trở thành một đứa trẻ tuyệt vời trong lớp, bạn sẽ nói điều gì đó không ai khác hiểu được”, Agarwal nói với Nikkei Asian Review. Tìm kiếm định nghĩa trong từ điển, anh hiểu rằng một doanh nhân khởi nghiệp là “ai đó giải quyết vấn đề và theo quá trình tạo ra một doanh nghiệp”. Năm 19 tuổi, Agarwal bắt đầu “giải quyết một vấn đề” như thế.
Oyo không phải là một Airbnb của Ấn Độ
Oyo không phải là một mô hình bắt chước Airbnb vì vài lý do. Tìm được chỗ lưu trú giá phải chăng là một vấn đề lớn ở Ấn Độ. Vấn đề không phải nằm ở “khả năng tìm thấy” mà các startup như Airbnb đang tiếp cận mà là “không thể đoán trước về trải nghiệm tại nơi ở”. Khách du lịch đã quá quen khi phải đối mặt với cơn ác mộng tại các khách sạn độc lập ở Ấn Độ. Trái với lời hứa, khách thường đến các tòa nhà xuống cấp, nhà vệ sinh bị rò rỉ, nệm rách, sàn phòng ô uế, điều hòa không khí hỏng, không chấp nhận thẻ tín dụng…
Chiến lược kinh doanh của Oyo dựa trên nguyên tắc khá đơn giản là đưa các tiêu chuẩn và quy trình chung vào lĩnh vực kinh doanh khách sạn giá rẻ vốn rất đa dạng. Được điều hành bởi các cá nhân và gia đình, những khách sạn này phần lớn kém phát triển và không được các chuỗi khách sạn lớn để ý đến. Nhưng Agarwal mang lại cho các chủ khách sạn độc lập này cơ hội được hưởng lợi từ một quy mô kinh tế tương tự như những chuỗi khách sạn lớn bằng cách tham gia vào mô hình nhượng quyền của Oyo.
Các khách sạn mang thương hiệu Oyo cam kết thực hiện 30 tiêu chuẩn cho từng phòng bao gồm wifi, bữa sáng miễn phí, TV màn hình phẳng, khăn trải giường không bẩn, đồ vệ sinh có thương hiệu, vòi sen 6 inch… Cách vài ngày, họ sẽ kiểm tra các tiêu chuẩn này để mọi khách hàng được đảm bảo một trải nghiệm chất lượng.
“Một khi tham gia chuỗi Oyo, chất lượng phòng và dịch vụ đều cải thiện trong khi giá giảm vì hiệu quả tốt hơn”, Agarwal nói và cho biết tỷ lệ lấp đầy của một khách sạn độc lập thường tăng 25% – 65% trong vòng ba tháng sau khi tham gia chuỗi. Giá phòng dao động 25-50 USD một đêm trong khi các thương hiệu toàn cầu thường định giá phòng trên 50 USD.
Đổi lại Oyo nhận được phí nhượng quyền thương mại hoặc một phần doanh thu. Ngay khi chủ sở hữu bất động sản đăng ký nhượng quyền thương hiệu, nhóm chuyên trách của Oyo sẽ cải tạo địa điểm – điều mà Agarwal gọi là sự chuyển đổi 360 độ – trong vòng 14 ngày và dựng logo màu đỏ trắng của họ bên ngoài cơ sở.
“Chàng trai được sinh ra để phá vỡ”
Agarwal dành hai năm để định hình mô hình kinh doanh này với gần một năm ở Silicon Valley để tham gia chương trình học bổng giao lưu của Peter Thiel – nhà sáng lập của PayPal và nhà đầu tư sớm của Facebook. Trong thời gian ở California, Agarwal gặp gỡ nhiều nhà khởi nghiệp, trong đó có Thiel.
“Ở Ấn Độ, nhiều người nói rằng bạn nên sao chép các mô hình thành công của Mỹ để có thể thành công ở Ấn Độ. Cũng ở Ấn Độ, bạn được dạy phải tư duy vừa đủ”, anh giải thích. “Ở California, tôi nhận ra rằng việc thử các mô hình gốc là ổn. Tôi nên tư duy toàn cầu thay vì chỉ có Ấn Độ”. Anh trở lại Ấn Độ năm 2014 và sự bùng nổ của Oyo bắt đầu.
Oyo tăng trưởng rất nhanh. Chỉ trong vòng hai năm (tính đến tháng 6-2018), số phòng khách sạn ở Ấn Độ do công ty này quản lý tăng từ 1.000 lên 100.000 phòng. Tham gia thị trường Trung Quốc từ tháng 11-2017, thành công của Oyo có thể nói là một trường hợp hiếm có vì ở đây các tên tuổi lớn như Amazon, Uber, Apple và Google đã phải hết sức vất vả để xâm nhập thị trường béo bở này.
Oyo đạt mức tăng trưởng chóng mặt tại đây và giờ họ tuyên bố là chuỗi khách sạn giá rẻ lớn thứ hai tại Trung Quốc với hơn 400.000 phòng trải khắp 290 thành phố và số phòng này còn nhiều hơn ở quê nhà Ấn Độ. “Đối với chúng tôi, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều là thị trường nhà”, nhà sáng lập Oyo nói với This Week in Asia. “Chúng tôi vào Trung Quốc với suy nghĩ liệu rằng một công ty Trung Quốc sẽ điều hành thế nào nếu họ muốn mô phỏng Oyo, và kết quả có thể nhìn thấy được”.
Oyo có kế hoạch đầu tư 960 triệu USD để mở rộng hoạt động ở châu Á trong vòng năm năm tới, 600 triệu USD đã được dành cho thị trường Trung Quốc. Phần còn lại sẽ được bơm vào các thị trường như Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia và Philippines. Việc mở rộng của Oyo tại Trung Quốc phù hợp với mục tiêu đầy tham vọng là trở thành chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới vào năm 2023 – vượt qua thương hiệu Marriott, hiện đang quản lý 1.230.000 phòng.
Oyo, được định giá 5 tỉ USD và được hậu thuẫn chủ yếu bởi Tập đoàn Softbank của Nhật Bản, trong khi các nhà đầu tư khác là Didi Chuxing của Trung Quốc, Grab Ventures của Singapore, Sequoia Capital của Hoa Kỳ và Greenoaks Capital. Tháng trước, Công ty Airbnb của Mỹ cũng rót hơn 100 triệu USD vào Oyo trong một thỏa thuận mà họ gọi là “đầu tư chiến lược”.
Oyo cho biết họ chỉ đang chạm vào bề mặt của thị trường lưu trú quốc tế, nơi có cơ hội trị giá 3.600 USD với 160 triệu phòng trên toàn thế giới. Đầu tháng 5 này, Oyo mua lại @Leisure Group, công ty quản lý bất động sản có trụ sở ở Amsterdam, để tiếp cận 115.000 phòng khách sạn tại thị trường châu Âu. Oyo cũng đang khẩn trương mở rộng tại Nhật khi mà nước này chuẩn bị tổ chức Thế vận hội Mùa hè vào năm 2020.
Màn trình diễn ấn tượng của Oyo bên ngoài Ấn Độ cũng tạo tiền lệ cho những kỳ lân Ấn Độ “hung hăng” khác như Dịch vụ giao thức ăn Zomato, Công ty chia sẻ phương tiện di chuyển Ola và Công ty thương mại điện tử Flipkart – tất cả đều đang tìm cách mở rộng ra nước ngoài. Nhưng sự tăng trưởng nhanh chóng của công ty cũng đi cùng với một số rủi ro. Một nhà nghiên cứu thị trường đã cảnh báo rằng với tốc độ tăng trưởng của Oyo, “tổ chức này có thể bị căng thẳng quá mức, điều này có thể làm giảm chất lượng phương tiện, dịch vụ và làm hỏng thương hiệu của họ”.
Nhà sáng lập của Oyo nói rằng công ty này đã thiết lập một chu kỳ tự phát triển đúng đắn do các nhà đầu tư cá nhân và kinh doanh khách sạn thúc đẩy bằng cách liên tục cung cấp cho họ sự hỗ trợ toàn diện nhờ vào công nghệ tiên tiến và trình độ cao trong tổ chức con người. “Chúng tôi đầu tư trước vào xây dựng năng lực”, Agarwal nói, trái với các tập đoàn khách sạn lớn – họ thường đầu tư theo nhu cầu.
Công ty startup này có 8.500 nhân viên, trong đó có 700 kỹ sư phần mềm. Đội ngũ kỹ thuật này tạo ra 20 phần mềm mới mỗi ngày, bao gồm ứng dụng di động và những phiên bản cập nhật cho các ứng dụng hiện tại. Một trong những ứng dụng hiệu quả nhất của công ty, được đặt tên là ORBIS, ngay lập tức tỷ lệ lấp đầy và doanh thu dự kiến của khách sạn sẽ tăng nhanh sau khi tham gia hệ thống Oyo.
Các chuỗi khách sạn truyền thống thường mất 10 hoặc 11 tháng để ký hợp đồng nhượng quyền hoặc hợp đồng quản lý với chủ sở hữu tài sản. “Đối với một tập đoàn lớn, một doanh nghiệp muốn đàm phán nhượng quyền với họ cần gọi cho người phụ trách thị trường địa phương, rồi người này gọi cho người đứng đầu thị trường quốc gia, và sếp này phải gọi cho lãnh đạo khu vực, v.v…
Còn tại Oyo, ứng dụng ORBIS trên điện thoại di động chính là sếp”, Agarwal giải thích. Ứng dụng sẽ tính toán tất cả các rủi ro liên quan đến một thỏa thuận và đưa ra quyết định về việc có chấp thuận hay không. “Đó là khoa học dữ liệu”, Agarwal nói. “Chúng tôi thường ký thỏa thuận 10 ngày sau cuộc họp đầu tiên với chủ sở hữu”.
Sau khi ký thỏa thuận và cải tạo phòng, chủ khách sạn có thể điều hành khách sạn của mình bằng cách sử dụng các ứng dụng di động chuyên dụng để xử lý mọi thứ, từ quản lý phòng trống đến lưu giữ sổ sách và theo dõi việc dọn phòng. Phần mềm đặt phòng thuộc trang web của họ phân tích một lượng lớn dữ liệu thời gian thực và liên tục tính toán tình hình cung – cầu.
Nó điều chỉnh giá phòng cho một khu vực nào đó hàng triệu lần mỗi ngày để tối ưu hóa công suất phòng. Đồng thời, hàng nghìn nhân viên bán hàng sẽ thực hiện các giao dịch số lượng lớn với các doanh nghiệp địa phương. Với sự kết hợp giữa công nghệ và nhân lực, Oyo cho biết họ có thể tăng tỷ lệ lấp đầy cho các khách sạn thành viên mới chỉ trong vòng vài tuần.
Nỗ lực xâm nhập các thị trường giàu có hơn và những phân khúc giá trị cao hơn của Oyo cũng đã bắt đầu với thị trường Anh, Nhật Bản. Năm ngoái, công ty đã ra mắt Oyo Townhouse, có giá phòng dao động từ 30-70 USD và nhắm đến khách đi công tác với không gian hội họp và nhiều tiện nghi khác. Oyo có lẽ chưa đủ lớn để đe dọa các chuỗi khách sạn danh tiếng của thế giới. Nhưng chắc chắn họ đang dõi theo “chàng trai được sinh ra để phá vỡ”.