Thành phố Hồ Chí Minh có hệ thống kênh rạch khá dày đặc với tổng chiều dài hơn 2.000km, có vai trò quan trọng trong việc thoát nước trên địa bàn. Gần đây, với sự nỗ lực làm sạch môi trường của thành phố, các tuyến kênh chính như Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hủ – Bến Nghé đã dần hồi sinh, trả lại vẻ mỹ quan cho đô thị. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều kênh rạch khác đang trong tình trạng ô nhiễm từ “thường thường bậc trung” cho đến đáng báo động, nhưng chưa được xử lý. Có nhiều nguyên nhân như do công tác quản lý có nhiều bất cập, còn lỏng lẻo nên xảy ra tình trạng các công trình thi công lấn chiếm kênh rạch, người dân vứt rác bừa bãi, nặng nề hơn là các khu công nghiệp, khu chế xuất không tuân thủ quy trình xử lý nước thải, xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh, rạch… làm lòng kênh bị co hẹp, cản trở dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường. Thời gian qua, đã có nhiều giải pháp được đưa ra và áp dụng để giải quyết vấn đề ô nhiễm kênh rạch, nhưng kết quả nhìn chung vẫn chưa khả quan.
Thực trạng kênh rạch bị lấn chiếm và ô nhiễm
Theo thống kê của Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước, năm 2011 tại TP.HCM có 36 vị trí kênh, rạch bị lấn chiếm, đến 7-2012 thì con số này tăng lên 41. Các tuyến kênh, rạch bị bồi lắng rất nhanh, nhưng việc triển khai nạo vét, khơi thông dòng chảy lại không thường xuyên. Rất nhiều trường hợp những dòng kênh vừa được làm sạch không bao lâu lại tái ô nhiễm khiến người dân rất bức xúc. Nếu không có một giải pháp căn cơ và đội ngũ quản lý làm việc nghiêm túc, các biện pháp chế tài đủ mạnh thì số phận những con kênh rạch của thành phố cứ mãi trong vòng luẩn quẩn.
Nhiều kênh rạch tại TP.HCM bị tình trạng người dân lấn chiếm làm nhà ở trên lòng kênh và xả rác xuống kênh. Kênh ô nhiễm nghiêm trọng, nước đen và bốc mùi hôi thối
Mới đây, Thành đoàn đã phối hợp với Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước TP.HCM và Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị TP.HCM ra quân chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh, nạo khơi thông dòng chảy sáu tuyến kênh rạch nằm trên địa bàn các quận 5, 7, 12, Bình Tân và Tân Bình (từ 14 đến 24-7-2013). Các tình nguyện viên đã tham gia vớt cỏ, rác, lục bình, khơi thông các đoạn rạch Hàng Bàng (Q.5), Ông Đội (nhánh 1, Q.7), Giao Khẩu, Cả Bốn (Q.12), T10, Đuôi Trâu (Q. Bình Tân), Hy Vọng (Q. Tân Bình). Ngoài việc nạo vét khơi thông lòng kênh ở một số đoạn nhiều bùn đất, ảnh hưởng đến dòng chảy của kênh, chiến dịch còn trồng cây xanh ở một số điểm dọc tuyến đê bao, đồng thời tuyên truyền vận động ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường cho người dân tại các khu phố, các hộ sản xuất kinh doanh, khách vãng lai và tàu thuyền lưu thông không đổ rác xuống kênh rạch.
Kênh đã được xử lý làm sạch hệ thống nước nhưng tình trạng xả rác vẫn xảy ra
Cống thoát nước ở TP.HCM cũng bị “cưỡng bức” thành cống đa năng, dung nạp rất nhiều thứ phế thải. Nhiều trường hợp các cơ sở sản xuất xả thẳng nước thải ô nhiễm vào hệ thống cống thoát nước sinh hoạt và chỉ bị phát hiện khi có các đợt kiểm tra. Công ty Thoát nước Đô thị cho biết, riêng lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm, có gần 20 điểm thường xuyên xả nước ô nhiễm có màu đen, hôi thối vào hệ thống cống thoát nước. Nhiều công nhân rất sợ làm việc ở những khu vực có nhà máy sản xuất, vì nước thải có mùi hóa chất kèm hơi nóng gây bỏng rát và ngứa ngáy rất khó chịu, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Cũng qua khảo sát của Công ty Thoát nước Đô thị, lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè cũng có gần 60 điểm thường xuyên xả dầu mỡ động vật vào hệ thống cống thoát nước, gây tắc nghẽn dòng chảy. Con kênh trên đường Phan Văn Hân (Q. Bình Thạnh) nằm trong khu dân cư đông đúc luôn ngập rác. Người dân mạnh ai nấy lấn chiếm kênh làm nhà và vô tư xả rác xuống kênh khiến dòng nước không còn lưu thông được nữa. Mặc dù những biển cấm xả rác, khẩu hiệu yêu cầu giữ vệ sinh vẫn căng trên đường.
Khu công nghiệp (KCN) cũng là thủ phạm được điểm mặt trong việc góp phần làm ô nhiễm môi trường nước. Đây là nơi có lượng nước thải công nghiệp rất lớn, tốc độ gia tăng cao hơn rất nhiều so với tổng nước thải từ các lĩnh vực khác. Tính đến tháng 6-2012, có khoảng 62% các KCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng theo đánh giá chung của Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, dù các công trình này đã đi vào hoạt động nhưng hiệu quả không cao, có đến 75% nước thải của các KCN thải ra ngoài ô nhiễm cao. Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam (TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương) là khu vực tập trung nhiều KCN và dự án FDI lớn nhất cả nước, mặc dù tỷ lệ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung ở khu vực này khá cao, nhưng tình trạng vi phạm các quy định về môi trường vẫn thường xuyên xảy ra. Nhiều kênh rạch ở TP.HCM như Tham Lương, Ba Bò, Thầy Cai, An Hạ… đang dần bị bức tử, trở thành những dòng kênh chết với màu đen ngòm và mùi hôi nồng nặc. Một số doanh nghiệp rất tinh vi trong việc che mắt cơ quan quản lý, xây dựng hệ thống ngầm kiên cố xả thẳng nước thải ra sông, rạch, hoặc lợi dụng thủy triều lên xuống để pha loãng nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Nhiều sự việc đã bị phát hiện, bị xử phạt, bồi thường, nhưng rồi có khi “đánh trống bỏ dùi” do luật chưa quy định cụ thể. Hậu quả chỉ có người dân sống trong khu vực bị ô nhiễm là “lãnh đủ”.