Nước thải đô thị cũng chưa được xử lý
Trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2013 do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thực hiện, chỉ có khoảng 10% nước thải đô thị của Việt Nam được xử lý bằng các phương pháp thích hợp. Các hộ gia đình ở thành thị hầu hết sử dụng những bể tự hoại ít được duy tu hoặc các hệ thống xử lý tại chỗ tương tự, chỉ có thể xử lý một phần nước thải và có nguy cơ gây ô nhiễm cho nguồn nước ngọt.
Các nhà máy được trang bị hệ thống xử lý nước thải, nhưng chất lượng thì nhiều nơi vẫn chưa đảm bảo
Trong khi đó, Việt Nam có tốc độ đô thị hóa cao, tính đến cuối năm 2012, cả nước có 765 đô thị. Dân số đô thị gia tăng nhanh cũng là một áp lực lớn về mặt xã hội, phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng và bài toán môi trường cũng phải được giải quyết đồng bộ. Trong đó, đáng quan ngại là việc cung cấp nước sạch và xử lý nước thải. Thực tếở các đô thị, tình trạng nhiều tuyến cống không đủ tiết diện thoát nước hay bị hư hỏng, xây dựng lấn chiếm, gây úng ngập cục bộ, thường xuyên xảy ra nhiều nơi vào mùa mưa. Nước thải nhà vệ sinh phần lớn chảy qua bể tự hoại rồi xả ra hệ thống thoát nước chung tới kênh, mương, ao hồ tự nhiên hay thấm vào đất. Ở nhiều khu đô thị mới, mặc dù nước thải sinh hoạt đã được tách ra khỏi nước mưa từ ngay trong công trình, nhưng do sự phát triển không đồng bộ và sự gắn kết kém với hạ tầng kỹ thuật khu vực xung quanh nên khi ra đến bên ngoài, các loại nước thải này chưa được xử lý, lại đấu vào một tuyến cống chung, gây ô nhiễm và lãng phí.
Thoát nước và xử lý nước thải, vệ sinh môi trường là những nội dung quan trọng trong quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị. Tại các khu vực đang đối mặt với tình trạng hạ tầng thấp kém, môi trường bị ô nhiễm, phát sinh bệnh tật, úng ngập hay lụt lội, càng thấy tầm quan trọng của lĩnh vực này. Chính vì vậy, Bộ Xây dựng cũng đã vào cuộc, phối hợp với Bộ Môi trường Hàn Quốc vừa tổ chức hội thảo “Cơ hội đầu tư vào lĩnh vực cấp thoát nước tại Việt Nam” để tìm kiếm đối tác chiến lược trong việc giải quyết bài toán cấp thoát nước.
Hiện nay chỉ có khoảng 2,5 triệu người được kết nối với hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Nhà nước đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 70% dân số đô thị, tương đương khoảng 35 triệu người được kết nối với hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Để đạt được mục tiêu này, cần phải có sự đầu tư bài bản và phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng. Đồng thời, ý thức của người dân cũng phải được nâng cao hơn để bớt đi gánh nặng cho những người làm công việc thu gom chất thải.
Bài Lương An
Ảnh Hạnh Vân