Tiếp cận vốn ngân hàng luôn là nỗi lo của các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Dự thảo Thông tư của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn chính sách tín dụng phát triển công nghiệp hỗ trợ quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ với điều khoản các tổ chức tín dụng xem xét cho vay tối đa 70% vốn đầu tư sẽ là một cơ hội để doanh nghiệp trong ngành này vay vốn thuận lợi hơn.
Theo Nghị định 111, các sản phẩm thuộc sáu nhóm ngành dệt – may, da – giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ôtô, cơ khí chế tạo và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển (gồm các sản phẩm xơ thiên nhiên; xơ tổng hợp; da thuộc; vải giả da; linh kiện điện tử – quang điện tử cơ bản; vi mạch điện tử; động cơ và chi tiết động cơ; bánh xe; hệ thống xử lý khí thải ôtô…). Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển bao gồm dự án đầu tư mới, dự án mở rộng và đổi mới công nghệ có ứng dụng thiết bị mới, quy trình sản xuất mới, sản xuất sản phẩm với năng lực sản xuất tăng ít nhất 20%.
Hiện nay trên cả nước có gần 1.400 doanh nghiệp nội địa sản xuất linh kiện, phụ tùng liên quan đến công nghiệp hỗ trợ như linh kiện điện, điện tử, kim loại, nhựa, cao su, chưa kể riêng ngành dệt may cũng có tới trên 600 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nguyên phụ liệu hỗ trợ cho ngành.
Theo các nhà quản lý kinh tế, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang phải đối mặt với các điểm yếu như bất cập về nhận thức, thiếu vốn và công nghệ, hạn chế đầu tư nhà nước. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có thời gian thu hồi vốn chậm, độ rủi ro cao khiến các nhà đầu tư e ngại khi đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Đây cũng là lý do năng lực của các doanh nghiệp ngành này vẫn còn rất kém.
Theo dự thảo, để được vay đến mức vốn trên, doanh nghiệp phải có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển đáp ứng các điều kiện là được xác nhận ưu đãi theo Nghị định 111 và đã được tổ chức bảo lãnh tín dụng thẩm định và quyết định bảo lãnh vay vốn. Điểm đáng chú ý khác là doanh nghiệp phải có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng tối thiểu 15% giá trị khoản vay (sau khi loại trừ giá trị tài sản cầm cố, thế chấp cho các khoản vay khác) và phải có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư (sau khi trừ số vốn chủ sở hữu thu xếp cho các dự án khác). Ngoài ra, tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, doanh nghiệp không còn có các khoản nợ đọng nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nợ xấu tại tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế khác.
Dự thảo nêu rõ, việc phối hợp với tổ chức bảo lãnh tín dụng thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 29/2014/TT-NHNN ngày 9-10-2014, Thông tư 05/2015/TT-NHNN ngày 4-5-2015 và các quy định có liên quan. Nếu được thông qua, đây sẽ là một giải pháp giúp các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ gia tăng khả năng tiếp cận vốn, từ đó đổi mới máy móc, công nghệ sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Bích Tuyền (DNSGCT)