Những ngày cuối năm, thanh khoản của thị trường chứng khoán trở thành nỗi bận tâm của nhiều nhà đầu tư. Khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên trên HSX, HNX cứ giảm đến mức khó thể giảm thêm. Nhiều người tự hỏi không biết tiền chạy đi đâu, hay nhà đầu tư đã cạn tiền?
Tiền trên thị trường có chạy đi chỗ nào hay không thì chưa có câu trả lời thỏa đáng, nhưng nói rằng “nhà đầu tư cạn tiền” thì có vẻ không chính xác. Nhiều nhà đầu tư không chỉ còn tiền mà còn rất nhiều tiền và sẵn sàng đầu tư vào những thương vụ đình đám. Khi mà các cơ quan ban ngành của nhà nước đang tích cực thoái vốn tại các doanh nghiệp trực thuộc, các nhà đầu tư có nguồn vốn dồi dào đã chờ sẵn, để đón những “con cá lớn”. Như ngày 25-12 vừa qua, hơn 122 triệu cổ phiếu GEX của Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) được khớp lệnh trên sàn UpCom chỉ trong vòng 30 phút sau khi mở cửa, một kỷ lục của thị trường chứng khoán. Số lượng cổ phiếu này là của Bộ Công thương, đơn vị chủ quản của Gelex (trước đó, Bộ này dự kiến bán thỏa thuận hoặc khớp lệnh toàn bộ trên 122 triệu cổ phần GEX, tương đương 78,74% vốn điều lệ công ty, trong thời gian từ 25-12-2015 đến 22-1-2016). Với việc phần lớn các lệnh khớp tại mức giá 17.700-17.800 đồng, tổng giá trị mà bên bán thu được lên tới 2.100 tỉ đồng. Không ngạc nhiên khi cổ phiếu của Gelex được nhiều nhà đầu tư lớn ưa thích, bởi đây là công ty mẹ của nhiều doanh nghiệp tên tuổi trong lĩnh vực thiết bị điện như Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi), Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM), Vinakip, Thibidi… Trong quý III vừa qua, doanh thu của Gelex tăng đến 80%, tức là tiềm năng phát triển còn rất lớn.
Trước đó, ngày 22-12, Tập đoàn Thaigroup cũng đã thắng trong phiên đấu giá trọn lô 3,65 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 52,43% vốn tại Công ty Du lịch Kim Liên, một phiên đấu giá có tới 36 nhà đầu tư đăng ký tham dự với tổng khối lượng đăng ký mua lên tới hơn 131,3 triệu cổ phần, cao gấp hàng chục lần so với tổng khối lượng chào bán. Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, ngay khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thông báo bán đấu giá cổ phần của Công ty Du lịch Kim Liên qua HNX, đã có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm và đăng ký tham dự. Hoạt động thoái vốn của Nhà nước vẫn đang được đẩy nhanh tiến độ và sẽ còn nhiều nhà đầu tư lớn vào cuộc như thế. Điều đó cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến diễn tiến trong các phiên giao dịch trên các sàn, do tiền mà các nhà đầu tư lớn đổ vào các thương vụ kể trên là dòng tiền đầu tư trung và dài hạn. Nó rất khác với dòng tiền ngắn hạn trên thị trường, chủ yếu là dòng tiền đầu cơ của một số nhà đầu tư cá nhân, không loại trừ một phần là dòng tiền margin cho vay từ các công ty chứng khoán. Những ngày tới, thị trường sẽ còn chứng kiến nhiều phiên bán đấu giá các doanh nghiệp lớn như thế và những người tham gia đa phần vẫn là các nhà đầu tư tổ chức, với nguồn vốn hùng hậu cho đầu tư dài hạn, do vậy cũng không tác động nhiều tới giao dịch hằng ngày trên thị trường chứng khoán.
Như vậy, có thể thấy rằng dòng tiền đầu tư đến từ các tổ chức lẫn cá nhân trong nước vẫn còn rất lớn, dư sức hấp thụ các cổ phiếu tốt do hoạt động đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và thoái vốn đem lại. Vấn đề thanh khoản cạn kiệt và sự khó khăn trong việc đi lên của các chỉ số hiện nay không phải do nhà đầu tư không còn tiền, mà do bản thân thị trường chưa đủ hấp dẫn. Dòng tiền vẫn chờ sẵn và khi nhận ra cơ hội, sẽ lại chảy vào thị trường, tạo nên những diễn tiến sôi động của các phiên giao dịch.
Ngọc Khang (DNSGCT)