Trong phạm vi quốc gia, một chính sách được ban hành luôn có hai mặt của vấn đề: thuận lợi và khó khăn trong việc áp dụng. Với một hiệp định quốc tế – nhất là hiệp định thương mại tác động vào nền kinh tế của nhiều nước – hai mặt vừa nói lại càng sâu sắc hơn.
Vòng đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương giữa 12 nước kết thúc hồi đầu tháng, trong đó Việt Nam với tiềm lực kinh tế chưa được phát huy đầy đủ, ngoài những thuận lợi cơ bản và được xem là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất, chúng ta cũng đang đối diện với không ít khó khăn.
Ông Trương Đình Tuyển, cựu Bộ trưởng Thương mại, cố vấn cao cấp đoàn đàm phán TPP nói rằng: “Không nên cảm xúc quá nhiều khi đến với TPP, hiệp định này mang đến nhiều cơ hội cho chúng ta, nhưng cơ hội biến thành lợi ích lúc nào cũng phải vượt qua nhiều thách thức”. Có thể kể ra một số thách thức trước mắt.
(1) Gặp bất lợi từ việc giảm thuế quan với hàng hóa từ các nước đối tác.
Việc giảm thu ngân sách từ thuế nhập khẩu sau khi thực hiện TPP là hệ quả chắc chắn và trực tiếp. Giảm thuế cũng gây nguy cơ cạnh tranh khốc liệt giữa hàng trong nước và ngoại nhập, hệ quả tất yếu là thị phần hàng “made in Vietnam” bị ảnh hưởng. Nguy cơ này đặc biệt nặng nề đối với hàng nông sản, vốn gắn liền với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong hội nhập là nông dân và nông thôn.
(2) Sự thích nghi của cộng đồng doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà sự chuẩn bị còn hạn chế. Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có khoảng 600.000 doanh nghiệp, trong đó 90% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chắc chắn sẽ rất khó khăn khi phải chơi cùng một sân – dù là sân nhà – với các doanh nghiệp đã tích lũy dày dặn về vốn, kiến thức, kinh nghiệm quản lý.
(3) Về thị trường lao động, năng suất thấp sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam khó cạnh tranh, bên cạnh luồng di chuyển nhân lực có chất lượng cao tự do hơn sẽ trở thành thách thức mới.
(4) Những yêu cầu cao liên quan đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng là áp lực căng thẳng trong hoàn cảnh số vụ vi phạm còn lớn và các thiết chế bảo hộ thiếu hiệu quả. Việc bảo hộ chặt chẽ các quyền sở hữu trí tuệ cũng sẽ dẫn tới những khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp khi phải bỏ vốn nhiều hơn cho sản phẩm công nghệ và người tiêu dùng có thể phải trả giá đắt đỏ hơn.
Những ràng buộc về thời gian sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong lĩnh vực thuốc trị bệnh, sẽ hạn chế chúng ta sản xuất các loại tân dược một cách nhanh chóng, thay vào đó phải nhập từ các nước thành viên với giá cao hơn.
(5) Cải cách Luật Lao động trong đó có quyền thương lượng giữa công đoàn và giới chủ, quyền thành lập nghiệp đoàn. TPP là cơ chế cho phép sử dụng các vấn đề về cơ chế dân chủ, Nhà nước và doanh nghiệp có thể kiện lẫn nhau. Do vậy, các cán bộ nhà nước phải có trình độ tư pháp tốt, có đội ngũ luật sư giỏi, có người làm pháp lý đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi đất nước trước các vụ kiện của các công ty nước ngoài.
(6) Bị cạnh tranh gay gắt khi mở cửa, cả thị trường ngoài và trên sân nhà. Việc đáp ứng tiêu chuẩn về xuất xứ, như hàm lượng nội địa trong sản phẩm xuất khẩu, hay môi trường, lao động sẽ là thách thức lớn.
(7) Xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nguyên liệu thô khiến giá cả, giá trị tăng thêm rất yếu. Quy mô doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ, khó thâm nhập vào hệ thống phân phối lớn của các nước thành viên TPP.
(8) TPP có thể làm cho một số doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp lâu nay dựa dẫm vào sự bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu, sẽ rơi vào tình trạng khó khăn, kéo theo khả năng thất nghiệp của người lao động, ảnh hưởng đến đời sống xã hội.
Đức Minh tổng hợp (DNSGCT)