Hiện có hơn 3,3 tỉ người sống trong khu vực nông thôn trên thế giới. Chính vì thế, sau khi các nhà lãnh đạo khắp toàn cầu chấp thuận 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào ngày 25-9-2015 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Bộ Ngoại giao Hàn Quốc và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) đã đồng chủ trì một hội nghị quan trọng nhằm thảo luận những biện pháp giúp thực thi SDGs tại các nước đang phát triển. Chủ đề được nhắm tới trong cuộc thảo luận là Khuôn mẫu phát triển nông thôn mới và Mô thức cộng đồng bền vững gợi ý từ chương trình nông thôn mới Saemaul Undong đã gặt hái được nhiều thành công tại Hàn Quốc.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon là người trực tiếp giới thiệu mô hình phát triển nông nghiệp Hàn Quốc cho cộng đồng quốc tế và cho rằng những nguyên tắc cơ bản áp dụng trong mô hình này đã đưa nông thôn Hàn Quốc đi từ nghèo đói trước đây sang thịnh vượng ngày nay. Những nguyên tắc đó gồm: giáo dục, chuyên cần, tự lực cánh sinh và hợp tác hỗ tương. Theo ông Ban, Saemaul Undong chính là mô hình phát triển nông thôn mới có thể mang lại sự thịnh vượng bền vững cho cả thế giới. Có mặt tại hội nghị, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye thông báo việc Hàn Quốc hợp tác với UNDP và OECD để tạo ra mô hình Phong trào làng xã mới phù hợp với từng quốc gia. Theo bà, Saemaul Undong đã biến Hàn Quốc từ một trong những nước nghèo nhất trở thành một trong 15 nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới. Chương trình này được cố Tổng thống Park Chung Hi khởi xướng từ năm 1970 bằng cách chuyển sắt thép, xi măng cho mỗi làng xã và xếp hạng chúng dựa vào việc dân làng đã sử dụng những phương tiện được cung cấp như thế nào. Sau đó, nhà nước cung cấp thêm tài nguyên cho những làng xã được xếp hàng đầu, tạo nên một ý thức đua tranh với những địa phương lân cận. Đặc điểm của chương trình Saemaul Undong là giúp cho các địa phương bớt đi sự lệ thuộc vào ngoại viện, vào chính quyền trung ương, những chương trình phát triển của địa phương do cộng đồng tài trợ thay vì từ ngân sách của chính phủ.
Trước câu hỏi liệu kinh nghiệm của Saemaul Undong có thể thực hiện thành công ở những nước khác hay không, ông Mario Pezzini, Giám đốc Trung tâm phát triển OECD, cho rằng 92% của 3,3 tỉ người dân nông thôn sống trong những nước đang phát triển, vì thế điều quan trọng là phải sử dụng “lăng kính nông thôn” trong việc thực hiện SDGs. Phần lớn người nghèo khổ tập trung ở nông thôn, đang đấu tranh với sự bất công, đối mặt với sự bất ổn về môi trường, xã hội và kinh tế. Trong khi đó, nông nghiệp là một phần quan trọng trong nền kinh tế nông thôn, sự gia tăng năng suất nông nghiệp mang lại sự thịnh vượng cho người dân, mô hình nông thôn mới Saemaul Undong cần được quan tâm đúng mức để áp dụng thành công ở những nước nghèo sống chủ yếu bằng nông nghiệp.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)