Từ cuối thế kỷ 19 có thể thấy Kiều của Nguyễn Du đã hoàn toàn “hòa nhập” với vùng đất phương Nam của Tổ quốc, làm nên những “Kiều Sài Gòn” độc đáo.
Trong khi khán giả Sài Gòn đang ngóng xem nàng Kiều lần đầu lên sân khấu ballet trong vở Ballet Kiều ra mắt ngày 20-6, ngoái nhìn lại từ cuối thế kỷ 19 có thể thấy Kiều của Nguyễn Du đã hoàn toàn “hòa nhập” với vùng đất phương Nam của Tổ quốc, làm nên những “Kiều Sài Gòn” độc đáo.
Năm 1875, ông Trương Vĩnh Ký đã cho xuất bản Kim, Vân, Kiều truyện bằng chữ quốc ngữ, đặc biệt hình ảnh nàng Kiều trong tác phẩm này trong bản in lần thứ 3 năm 1911 mang rặt phong cách của người Sài Gòn.
Những hình ảnh này do con rể ông Trương Vĩnh Ký là Nguyễn Hữu Nhiêu vẽ. Kiều không còn tha thướt trong những bộ quần áo lướt thướt rất… Tàu mà mặc áo dài, tóc bới gọn sau ót như các phụ nữ Sài Gòn của thập niên 1960 trở về trước.
Kiều ca vọng cổ rất mùi
Hai mươi năm sau, năm 1896, ông Trương Minh Ký đã cho ra đời kịch bản quốc ngữ Kim Vân Kiều hát bội. Rồi gần nửa thế kỷ sau nữa, năm 1922, ông Trương Quang Tiền đã cho ra đời tuồng cải lương Kim Vân Kiều.
Không biết ở vùng đất của Nguyễn Du, xưa nay nàng Kiều có lên sàn diễn bao giờ chưa? Nhưng từ cuối thế kỷ 19 thì “Kiều Sài Gòn” đã ra trước ánh đèn sân khấu nhiều lần. Đặc biệt là nàng ca vọng cổ cũng “mùi” hết biết.
Năm 1919 – 1920, Cao Văn Lầu sáng tác Dạ cổ hoài lang. Đây là một bài ca độc đáo khi diễn tả đủ các hình thái tình cảm của con người: vui buồn, hờn giận, tức tối…, trong khi những bài cổ bản của âm nhạc tài tử phải dùng các bài bản khác nhau để diễn tả các tình cảm ấy.
Chính vì vậy, Dạ cổ hoài lang ra đời đã góp phần đẩy mạnh sân khấu cải lương và sau này trở thành bài ca chánh của cải lương. Tới mức người ta phải thốt lên: phi vọng cổ bất thành cải lương!
Đặc biệt, tuồng cải lương Kim Vân Kiều chính là “tuồng cải lương đầu tiên có ca vọng cổ” mà lịch sử cải lương đã ghi nhận. Có điều Kiều ra đời và trình làng người coi năm 1922 chớ không phải năm 1918, bởi năm 1918 chưa có bài Dạ cổ hoài lang.
Nàng Kiều nói giọng Sài Gòn
Vở hát bội Kiều và vở cải lương Kiều đều có đến ba tuồng khác nhau diễn trong ba đêm, để thể hiện hết nội dung truyện Kiều.
Trong Kim Vân Kiều hát bội, Trương Minh Ký chia thành Lãm Túy hiên đệ nhứt, đệ nhị và đệ tam hồi. Còn trong tuồng cải lương Kim Vân Kiều, Trương Quang Tiền lại đặt ba tên khác nhau cho ba tuồng: Kiều du thanh minh, Hoạn Thơ tróc Kiều và Kiều ngộ Từ Hải.
Thú thiệt, kịch bản thì phải… coi người ta diễn mới thấy hết cái hay, cái thần của tích truyện, còn đọc thì… không đã! Nhưng không có gạo thì ăn bắp, ăn bo bo đỡ chớ biết sao!
Ông Trương Vĩnh Ký ngay câu đầu của Kim, Vân, Kiều truyện đã viết: Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mạng khéo là ghét nhau.
Hai ông Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim thì ghi chữ “mệnh” thay vì “mạng”.
Ngay cái tên của nàng Kiều cũng là Túy Kiều, Túy Vân chớ hổng phải “Thúy”!
Còn trong tuồng cải lương, nàng Kiều nói hoàn toàn bằng giọng Sài Gòn (tất nhiên). Thử đọc đoạn Kiều đi kiếm trâm gài tóc làm rớt và đã bị Kim Trọng lượm mất: “Vườn hoa vừa dạo cảnh, chiếc xoa đã lìa mình.
Âu là ta theo đường cũ đi tìm, coi vật kia có rớt! Ủa lạ! Nhơn sao kiếm khắp, cũng chẳng thấy chi, nếu có người lấy đặng của ni, ắt là thiếp xa bay tiếng xấu, rồi đó”. Kim Trọng nói: “Hỡi ai mất của? Có kẻ được xoa, biết đâu hiệp phố châu về, mà ước cây lành chim đỗ, đó nàng”.
- Xem thêm: Tranh đẹp cho Truyện Kiều
Hoặc câu Kiều nhớ Kim Trọng: “Cha chả! Chẳng biết sau từ ngày tôi gá tiếng cùng chàng Kim đến nay, xem ra tình càng thắm thía, dạ luống ngẩn ngơ. Hôm nay là ngày sanh nhựt của ngoại gia tôi, hai thân cùng với hai em tôi đã đi vắng hết, tôi cũng tính nhơn lấy dịp lén qua đại nhà chàng.
Vàng thử đá muốn cho biết sức, nhưng mà lửa gần rơm ấy cũng ngại lòng. Ối! Mà nghĩ không lẽ, thôi, thà đánh liều nhắm mắt đưa chơn, chi mà cứ hổ mày thẹn mặt”…
Còn nhiều, nhiều lắm những nét thú vị của “Kiều Sài Gòn”, nếu độc giả quan tâm có thể đọc trọn các kịch bản này trong một quyển sách sắp được ra mắt. Kiều Sài Gòn rất là Sài Gòn. Tiếc là chưa được lên sàn diễn để bà con mình thưởng lãm. Thôi thì đọc tạm vậy!
Trong 50 năm cải lương do tủ sách Nam Chi ở Sài Gòn in năm 1968, ở trang 176, ông Vương Hồng Sển ghi rõ: “Năm 1922 chính là năm điển hình, diễn tuồng Trang Tử thử vợ và tuồng Kim Vân Kiều mấy phen tại rạp Mỹ Tho rồi lên diễn tại rạp Chợ Lớn và rạp Modern Sài Gòn.
Lúc này hát cải lương đã ra đời và hình thành thật sự”. Rạp Chợ Lớn nay là rạp Thủ Đô và rạp Modern Sài Gòn (đọc là mô đẹc) từng là rạp Lê Lợi trên đường Lê Thánh Tôn, sau chợ Bến Thành.