Trong một nghiên cứu mới đây, với tên gọi CEO Behavior And Firm Performance (Thói quen của giám đốc điều hành và hiệu suất của doanh nghiệp), thông qua việc khảo sát và đánh giá trực tiếp hành vi của 1.000 giám đốc điều hành (CEO) đến từ sáu quốc gia, nhóm nghiên cứu đã nhận thấy rằng có một sự khác biệt rất lớn giữa những CEO thành công – có thể giúp doanh nghiệp đột phá, dẫn đầu thị trường – so với phần còn lại, đó là sự hiệu quả.
Cụ thể, những CEO hiệu quả không chỉ có cách tiếp cận công việc độc đáo, có khả năng kiểm soát stress mà còn có thể khai thác rất tốt những ưu thế về công nghệ thông tin so với đối thủ của mình.
Hãy là một nhà lãnh đạo!
Có một sự thật là đa số CEO đạt năng suất cao và năng suất thấp đều có những thói quen, hành vi khá tương đồng trong một tuần làm việc. Cụ thể, theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, khoảng 25% thời gian trong tuần các CEO sử dụng để thực hiện những công việc một mình, như gửi email, đọc báo cáo…; 10% thời gian được dùng cho các vấn đề cá nhân, và 8% dành cho đi du lịch. Phần còn lại (57%) được sử dụng với ít nhất một người khác, như gặp gỡ bộ phận sản xuất (35%), tiếp thị (22%), tài chính (17%), các cuộc họp, trao đổi với khách hàng (10%) hay nhà cung cấp (7%)…
- Xem thêm: Những giám đốc điều hành không bằng cấp
Tuy nhiên, khi nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích sâu hơn, họ nhận ra rằng cùng những thói quen như trên, nhưng những CEO tiếp cận công việc với tư cách là một người lãnh đạo (leader) sẽ có khả năng điều hành doanh nghiệp hiệu quả hơn so với những người luôn nghĩ họ là người quản lý (manager). Bởi những CEO có cách tiếp cận như một người lãnh đạo thường sẽ gặp gỡ cấp dưới, đối tác để truyền đạt mục tiêu, chiến lược, tầm nhìn của họ, qua đó đạt được mục tiêu nhanh chóng và hiệu quả hơn.
“Chúng tôi đã xem xét dữ liệu trước và sau của 1.000 doanh nghiệp tương ứng với 1.000 CEO tham gia cuộc khảo sát. Chúng tôi nhận thấy rằng, việc bổ nhiệm một CEO là người lãnh đạo sẽ mang về năng suất cao hơn so với một CEO là nhà quản lý đơn thuần. Sự khác biệt sẽ được bộc lộ rõ nhất sau ba năm nắm quyền” – Oriana Bandiera, giáo sư kinh tế học, người đứng đầu cuộc khảo sát, ghi nhận.
Không để bị “cháy sạch”
“Cháy sạch”, hay “Burnout”, là một hiện tượng kiệt sức hoặc năng suất lao động giảm sút đặc biệt nghiêm trọng sau một quá trình lao động, làm việc.
Trong một nghiên cứu mới đây, K. Wiens Dissertation (giám đốc mảng sức khỏe của Huron Consulting Group) và nhóm nghiên cứu của mình đã theo dõi trực tiếp tình trạng công việc của 35 giám đốc chuyên môn thuộc 35 bệnh viện lớn nhất nước Mỹ để rồi nhận ra rằng có tới 24 người (trong 35 người) thường xuyên lâm vào tình trạng cạn kiệt năng lượng và hiệu suất công việc giảm sút trầm trọng.
Nhiều người sau đó thường giải quyết vấn đề bằng cách thỏa hiệp với sự căng thẳng, như ăn nhiều lên, lạm dụng cà phê, rượu… Nhưng thực ra đây đều là những việc làm không hiệu quả. Mấu chốt vấn đề là ở trí thông minh cảm xúc của con người. Một trong những biện pháp chúng ta có thể áp dụng để tăng trí thông minh cảm xúc của mình, nhằm đối phó với stress hay hội chứng cháy sạch, đó là học cách tự nói chuyện với bản thân, qua đó hiểu giới hạn của mình và học cách hiểu người khác.
K. Wiens Dissertation và nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng các CEO là những người thường xuyên tự đặt ra cho mình quá nhiều áp lực, những chỉ tiêu cần thực hiện và rất nhiều trong số này thực sự không tồn tại. Như một vị giám đốc chuyên môn trong nghiên cứu đã mô tả: “Tôi đã nhận ra rằng nhiều căng thẳng của mình là tự tôi gây ra, do những áp lực tôi phải nhận trong quá khứ”.
Do đó, học cách tự nói chuyện với bản thân sẽ là cách chúng ta dần gỡ bỏ được phần nào những áp lực không tồn tại. Cách này cũng giúp chúng ta trở nên ý thức hơn về điểm mạnh và điểm yếu của mình, từ đó xác định những việc có thể làm và những việc cần sự giúp đỡ. Ngoài ra, nói chuyện với bản thân cũng giúp chúng ta học cách hiểu người đối diện, để đồng cảm, tránh những cuộc xung đột, thứ thường hủy hoại khả năng cân bằng của cảm xúc.
Lợi thế từ công nghệ thông tin
Trong một báo cáo mới đây, James Bessen, nhà kinh tế học người Mỹ, giảng dạy tại Boston University School of Law, đã nhận thấy rằng, các doanh nghiệp dẫn đầu, có năng suất lao động và doanh thu vượt trội so với đối thủ, thường có một lợi thế vượt trội trong công nghệ thông tin – những điều đến từ một tư duy đề cao những tài sản vô hình trong doanh nghiệp của người điều hành.
Đồng tình với quan điểm này, giáo sư kinh tế Jonathan Haskel (hiện giảng dạy tại Imperial College Business School) cũng cho rằng đầu tư vào tài sản hữu hình (máy móc, nhà máy, thiết bị…) ngày nay sẽ mang về giá trị thấp hơn cho doanh nghiệp so với đầu tư vào những tài sản vô hình (phần mềm, dữ liệu, đào tạo nhân viên, quản lý…). Bởi không chỉ có giá trị thặng dư lớn hơn, mà các tài sản vô hình thường có xu hướng bổ sung cho nhau.
Ví dụ một doanh nghiệp với nền tảng công nghệ thông tin tốt thường đòi hỏi doanh nghiệp phải có khả năng quản lý tốt đi kèm. Không chỉ để có thể vận hành hệ thống, mà còn để hoàn thiện nó.
Song song với đó, khi doanh nghiệp có một nền tảng công nghệ thông tin tốt, các CEO sẽ không tốn quá nhiều thời gian để quản lý đội ngũ của mình, qua đó tập trung hơn vào việc dẫn dắt và lãnh đạo đội ngũ họ thực hiện những mục tiêu trong công việc.
“McDonald’s thành công không phải vì họ làm ra chiếc bánh hamburger ngon nhất. Tôi tin là vợ tôi có thể nướng một chiếc bánh hamburger ngon hơn họ. Nhưng chúng tôi không thể cạnh tranh với McDonald’s, vì chúng tôi không thể tạo ra quy trình nướng bánh nhanh, chính xác và hoàn hảo như họ. Chúng tôi cũng không thể vận hành một hệ thống cửa hàng với hàng ngàn nhân viên như vậy. Tất cả phải nhờ công nghệ hỗ trợ. Và khi bạn là một người điều hành hiệu quả, bạn sẽ là người chiếm lĩnh thị trường” – James Bessen kết luận.