Trong hầu hết doanh nghiệp, giám đốc điều hành (CEO) luôn là vị trí quan trọng nhất. Cũng vì vai trò tối quan trọng ấy, nên doanh nghiệp luôn đòi hỏi ở người điều hành những tiêu chí rất khắt khe, từ kinh nghiệm, kỹ năng tới những bằng cấp, chứng chỉ từ các trường đại học danh tiếng.
Tuy nhiên, cuộc sống luôn có chỗ cho những bất ngờ. Trong một cuộc khảo sát được Kim Rosenkoetter Powell (tác giả sách, cố vấn cao cấp của Công ty tư vấn ghSMART) cùng các cộng sự thực hiện, dựa trên việc khảo sát 17.000 giám đốc điều hành, nhóm nghiên cứu đã nhận ra một điểm thú vị là không phải các giám đốc điều hành thành công đều sở hữu những chứng chỉ, bằng cấp từ trường đại học danh giá. Thậm chí, có 8% giám đốc điều hành (trong số những giám đốc điều hành thành công nhất) còn chưa tốt nghiệp bất cứ một trường đại học hay cao đẳng nào.
“Tất cả mọi người trên thế giới này, dù nghèo hay giàu, đều có những điều vô cùng giá trị cho chúng ta học hỏi, nếu chúng ta biết tôn trọng và nhìn ra điều ấy. Thông qua việc nghiên cứu những giám đốc điều hành không có bằng cấp, chúng tôi nhận ra có ba điểm đặc biệt quan trọng mà bất cứ giám đốc điều hành nào cũng nên học hỏi từ họ” – Kim Rosenkoetter Powell nói.
Biết mình là ai và tập trung vào điểm mạnh nhất
Trong nghiên cứu của mình, Kim Rosenkoetter Powell và các cộng sự nhận thấy rằng, 89% các giám đốc điều hành không có bằng cấp sẽ trở thành người điều hành của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mà họ gắn bó lâu nhất. Lý giải cho việc này, là bởi những giám đốc điều hành không có bằng cấp thường tạo được sự tin tưởng từ việc họ là người làm việc lâu năm trong doanh nghiệp, có kiến thức, mối quan hệ cũng như hiểu rất rõ doanh nghiệp, điểm tạo cho họ một nền tảng đủ để bù đắp cho việc thiếu bằng cấp, chứng chỉ.
Ngoài ra, còn một điểm đáng chú ý nữa, đó là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc bổ nhiệm những giám đốc điều hành thiếu bằng cấp chiếm tỷ lệ cao hơn so với ở các công ty, tập đoàn lớn. Bởi những doanh nghiệp vừa và nhỏ không chỉ có nguồn nhân lực yếu hơn, mà họ còn là những doanh nghiệp luôn cần một sự đột phá được xây dựng từ sự ổn định, điểm mà những giám đốc điều hành không bằng cấp thường sở hữu.
“Trên thế giới, luôn có cơ hội cho bạn tỏa sáng, nếu bạn biết mình là ai, điểm mạnh của mình là gì và cố gắng tập trung khai thác chúng tối đa” – Kim Rosenkoetter Powell nhận định.
Hãy để những con số nói lên mọi thứ
Điểm vượt trội thứ hai ở các giám đốc điều hành không bằng cấp là họ có thể không giỏi trong việc phân tích lý thuyết, quy trình, giải thích các kiến thức hàn lâm… nhưng họ lại có những kết quả công việc cực kỳ vượt trội.
Một trong những ví dụ được nhóm nghiên cứu đưa ra là trường hợp của Mark. Mark chưa từng học qua bất cứ một trường lớp nào về kinh tế hay quản trị. Anh gần như đã quen với việc bị đánh giá thấp về khả năng quản lý, điều hành. Tuy nhiên, Mark luôn biết cách tạo ra sự khác biệt, khi anh luôn vượt trội hơn so với mọi người về kết quả công việc.
Khi bắt đầu sự nghiệp của mình với vai trò là một tài xế xe tải, anh luôn là người có năng suất tốt nhất. Trong công việc bán hàng, Mark tiếp tục dẫn đầu về doanh số. Bằng cách này, Mark đi từ vị trí một anh tài xế xe tải tới vị trí giám đốc điều hành của doanh nghiệp vận tải trị giá 50 triệu USD chỉ trong chưa đầy hai mươi năm (theo Harvard Business Review).
Hành động luôn mạnh hơn lời nói và kết quả luôn thuyết phục hơn những phương pháp. Vì thế, một giám đốc điều hành có thể không có khả năng sử dụng ngôn ngữ để truyền động lực, không có kiến thức hàn lâm để giải đáp mọi thắc mắc, nhưng nếu anh ta luôn tìm ra giải pháp cho mọi vấn đề, đã từng là người tạo ra những kết quả phi thường, khiến mọi người khâm phục, thì anh ta cũng sẽ giành được sự tôn trọng của mọi nhân viên.
Tập hợp quanh mình những nhân tài
Điểm cuối cùng mà một giám đốc điều hành không có bằng cấp tỏ ra vượt trội so với nhóm còn lại, đó là họ giống như một thỏi nam châm, thu hút những nhân viên tài năng xung quanh mình.
Tập hợp được những nhân viên tài năng, không chỉ giúp giám đốc điều hành không có bằng cấp luôn có được sự hỗ trợ cực kỳ đắc lực, mà họ cũng sẽ có được niềm tin cao từ nhà đầu tư – những ông chủ công ty trong việc xây dựng và phát triển công ty. Bởi thời mà một doanh nghiệp với một giám đốc điều hành xuất sắc cùng một nhóm phụ tá “gà mờ” giúp việc cho anh ta đã qua. Hiện tại, một doanh nghiệp muốn tồn tại, cạnh tranh và phát triển, cần một nhóm người tài giỏi, kết hợp tốt với nhau và cùng nhau tiến về phía trước.
- Xem thêm: Những giám đốc điều hành hiệu quả
Và để tạo ra một nhóm như vậy, ngoài các yếu tố như khả năng nhìn người, sự quan tâm, chia sẻ, chân thành… thì một điểm cực kỳ quan trọng để khiến những nhân sự dù tài năng và bằng cấp cao hơn nhà điều hành vẫn hết lòng làm việc cho anh ta, đó là khả năng lắng nghe.
“Hầu hết chúng ta chỉ nghe ở mức độ giới hạn, như tìm các điểm tương đồng trong ý kiến của người khác với quan điểm của mình, nghe để đợi đến lượt nói, nghe để tìm điểm sai… Nhưng là nhà điều hành giỏi, bạn phải học cách lắng nghe. Bạn phải bước ra ngoài quan điểm của mình, để lắng nghe ý kiến của một ai đó và đánh giá nó qua góc nhìn của họ. Khi trao đổi với các nhân sự xuất sắc, bạn càng nên làm việc này, nếu không muốn tạo ra xung đột trong nhận thức, góc nhìn hoặc xung đột cái tôi giữa cả hai. Bởi để thuyết phục hay tìm cách thay đổi suy nghĩ của một người, lắng nghe lúc nào cũng hiệu quả hơn là nói” – Nilofer Merchant, chuyên gia tâm lý, tác giả sách, phát biểu trên Harvard Business Review.