Kinh nguyệt là chuyện tự nhiên đối với tất cả nữ giới khi bước sang tuổi trưởng thành. Thế nhưng trên khắp thế giới, trải suốt chiều dài lịch sử, các chị em vẫn bị đối xử bất công, kỳ thị chỉ vì “đến tháng”.
Mê tín dị đoan cho rằng phụ nữ hành kinh phát ra tử khí, gây chết chóc cho cả động thực vật lẫn người khác.
Nhưng kỳ cục hơn cả là ngay trong hiểu biết hiện đại bây giờ, nhiều nơi và nhiều người vẫn tiếp tục ôm khư khư những định kiến hết sức phi lý ấy.
Theo định nghĩa của Wikipedia thì “Kinh nguyệt là tập hợp các thay đổi sinh lý lặp đi lặp lại ở cơ thể phụ nữ dưới sự điều khiển của hệ hormone sinh dục và cần thiết cho sự sinh sản”.
Theo đó, mọi bé gái khi bước sang tuổi dậy thì đều sẽ kích hoạt hai hormone sinh dục là Estrogen và Progesterone, làm xuất hiện sự rụng trứng.
Khi trứng rơi xuống tử cung, cơ thể sẽ chủ động cung cấp máu, tạo ra lớp màng dinh dưỡng để chuẩn bị cho việc nuôi dưỡng phôi. Tuy nhiên, với trứng không được thụ tinh, dạ con sẽ tự hủy màng dinh dưỡng, tống tất cả ra ngoài qua đường âm đạo.
Định kiến suốt chiều dài lịch sử
Mặc dù máu hành kinh chỉ là sản phẩm tự nhiên của quá trình thụ tinh thất bại ở dạ con, và nó cũng không hề bẩn thỉu hay độc hại, song định kiến từ thủa xa xưa đã xem “loại” máu này là thứ vô cùng ô uế.
Trong thế kỷ I, Gaius Plinius Secundus (23-79 sau Công nguyên), tác giả, nhà tự nhiên học, triết gia La Mã nói với mọi người rằng: “Nếu một phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt trần trụi đi vòng quanh cánh đồng lúa mì, sâu bướm, côn trùng, bọ cánh cứng sẽ chết rụng lả tả… Ong sẽ bỏ tổ nếu bị phụ nữ hành kinh chạm vào… Quần áo đang luộc trong vạc nước sôi sẽ chuyển sang màu đen, còn lưỡi dao trở thì trở nên cùn nhầy”.
Không riêng gì Secundus, hầu hết người Hy Lạp cổ đại đều tin vào những điều vô lý ấy. Họ còn cho rằng, nếu một phụ nữ bị trễ kinh, tử cung của cô ấy sẽ… chạy loăng quăng khắp người.
Bước sang thời trung đại, mê tín dị đoan về kinh nguyệt lại càng khủng khiếp hơn. Đến nỗi, người ta tin cả vào chuyện hết sức nực cười là dương vật của đàn ông sẽ bị bốc cháy nếu chạm phải máu hành kinh. Song khổ sở hơn cả vẫn là những phụ nữ “đến tháng”.
Nếu ra máu quá nhiều, họ sẽ bị buộc tóc vào động vật hoặc cây non, ép uống trà liên mộc hoặc trà tầm ma, dù rằng tầm ma chính xác là một loài thực vật có độc.
Còn không thì cũng phải tự tay bắt một con cóc, thiêu sống nó, hốt tro bỏ vào một cái túi, sau đó đem buộc quanh eo.
Bước sang thế kỷ XX, bác sĩ khoa nhi Béla Schick (1877-1967) của Hungary vẫn chắc mẩm, phụ nữ trong kỳ hành kinh đã giải phóng một loại chất cực kỳ độc hại cho cây trồng là “Menotoxins”.
Ông nỗ lực chứng thực bằng cách so sánh các cành hoa do phụ nữ “đến tháng” và phụ nữ chưa đến tháng cắt.
Cuối cùng kết luận, cành hoa do phụ nữ “đến tháng” cắt thì chóng héo hơn. Còn ở Shropshire (Anh), người ta cấm phụ nữ “đến tháng” đụng vào thịt tươi, vì sợ chúng sẽ lập tức… bị ôi.
Những kiêng kỵ vô lý
Tại Thế vận hội Rio 2016, vận động viên bơi lội Fu Yuanhui của Trung Quốc đã từng khiến cho mọi người ngỡ ngàng.
Cô vẫn tham gia thi dù đang trong kỳ kinh nguyệt. Không có nhiều người biết được rằng, phụ nữ vẫn có thể bơi lúc đang hành kinh.
Tuy nhiên, cả trước đây lẫn trong một số nền văn hóa trên thế giới bây giờ, thế giới vẫn đầy rẫy những thái độ kỳ thị.
Sách Leviticus, quyển thứ ba trong Kinh thánh Do Thái, nói kinh nguyệt của phụ nữ là thứ ô uế. Không chỉ thế, nó còn khẳng định rằng máu hành kinh làm nhiễm bẩn mọi thứ nó dây vào, bao gồm cả đàn ông.
Học thuyết Công giáo cũng lập luận, kinh nguyệt và cơn đau từ nó là cái giá mà Eva phải trả vì đã phạm điều cấm. Vì thế, phụ nữ Công giáo La Mã bị cấm nhận nước thánh trong “ngày đèn đỏ”.
Ở phương Đông, phụ nữ “đến tháng” không được bén mảng tới các nơi linh thiêng. Tại Nepal, người Hindu còn nhốt họ vào chuồng gia súc hoặc lều lán riêng biệt.
Không chỉ bị cấm chạm vào nam giới, những phụ nữ này còn bị cấm bước vào nhà. Họ cũng không được phép ăn các thực phẩm bổ dưỡng, sử dụng chăn ấm hay được tắm rửa.
- Xem thêm: Ăn gì ngày “đèn đỏ”?
Định kiến Nepal cho rằng, nếu phụ nữ “tới tháng” mà chạm vào cây cối, chúng sẽ không bao giờ đơm hoa kết quả nữa.
Còn nếu họ uống sữa, con bò cái sẽ mất sữa. Kỳ lạ hơn cả là nếu phụ nữ “tới tháng” mà dám đọc sách, nữ thần giáo dục Saraswati của họ sẽ tức giận.
Và nếu họ chạm vào đàn ông, thì đấng mày râu sẽ… đổ bệnh. Ở Nhật Bản, phụ nữ Thần đạo (Shinto) “đến tháng” bị cấm vào đền thờ và leo núi.
Khắp nơi trên thế giới, hàng triệu phụ nữ vẫn phải tắm ở nơi riêng biệt, cấm nấu ăn, gặp gỡ bạn bè hay chung giường với chồng mỗi khi đến “ngày đèn đỏ”. Tại Malawi, nhiều người thậm chí còn cho rằng kinh nguyệt là nguyên nhân của… bệnh vô sinh.
Họ cấm phụ nữ “đến tháng” trồng cây hay cho con bú. Không chỉ thế, hầu hết chị em Malawi bây giờ vẫn còn phải dùng giẻ rách bẩn thỉu, lá hoặc cỏ thay băng vệ sinh.
Và lịch sử đối phó với “ngày đèn đỏ”
Thực tế, chúng ta không hề có bằng chứng khảo cổ nào xác thực chuyện phụ nữ ngày xưa giải quyết “ngày đèn đỏ” như thế nào.
Chỉ nghe đồn, đàn bà Ai Cập cổ đại dùng giấy xoắn mềm còn phụ nữ Hy Lạp thì lấy vải bọc quanh một miếng gỗ nhỏ.
Sang thời trung đại, những thứ vải kém chất lượng, giẻ rách bỏ đi được tận dụng. Tới thế kỷ XIX, phương Tây bắt đầu xuất hiện tấm lót dùng một lần, sau đó là bông băng cứu thương.
Năm 1929, bác sĩ Earle Haas (Mỹ) phát minh ra thiết bị xử lý kinh nguyệt đầu tiên, đặt tên là “Catamenial device”.
Bốn năm sau, ông bán nó cho Công ty Sản xuất Băng vệ sinh Tampax. Tuy nhiên, chúng ta cũng không rõ sản phẩm sáng chế này có từng phổ biến hay không.
Phải đến tận năm 1969, sản phẩm mang tên “Băng vệ sinh” mới được chào đời. Cũng kể từ đó, nó liên tục được cải tiến, có thêm nhiều thương hiệu và phổ biến toàn cầu.
Khổ nỗi, chất liệu thấm hút của băng vệ sinh lại khó phân hủy sinh học, cần tới tận 800 năm. Mà chỉ tính bình quân thôi, mỗi phụ nữ đã dùng tới 250 miếng băng vệ sinh trên một năm.
Cốc kinh nguyệt sử dụng nhiều lần được giới thiệu. Chúng tuy thân thiện với môi trường nhưng lại chưa được các chị em yêu thích cho lắm, vì khá bất tiện khi sử dụng.
Ngày nay, sự thật về kinh nguyệt đã được khoa học và y học trình bày minh bạch. Học sinh phổ thông cũng có những buổi học về giới tính để hiểu hơn về cơ thể mình. Song cho dù là như vậy, các chị em vẫn cứ ngại ngần, e dè mỗi khi “tới tháng”.
Ngay cả khi Liên Hợp Quốc đã quyết định chọn ngày 28-5 hằng năm là Ngày Vệ sinh Kinh nguyệt (Menstrual Hygiene Day), họ vẫn cứ thêm từ “Vệ sinh – Hygiene” không cần thiết vào.
“Tại sao không gọi thẳng là Ngày Kinh nguyệt (Menstrual Day)”, Janie Hampton, nhà sáng lập World Menstrual Network lên tiếng. Có vẻ như là dù đã ở thế kỷ XXI hiện đại và hòa nhập, kinh nguyệt vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi cái định kiến “thứ ô uế” thuở nào.