Đánh cắp nghệ thuật là một việc cực kỳ xấu xa và nghiêm trọng. Từ Vincenzo Peruggia, người đàn ông đã đánh cắp “Mona Lisa” năm 1911, cho đến Adam Worth, tên tội phạm bậc thầy được cho là nguồn cảm hứng đằng sau nhân vật Moriarty trong “Chuyện kể về Sherlock Holmes” của Arthur Conan Doyle, những tên trộm nghệ thuật luôn bị cảnh sát và thám tử truy đuổi khắp thế giới.
Ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng toàn cầu, những tên trộm nghệ thuật vẫn luôn hoành hành rộn và có mặt trên trên khắp các tờ báo – một bức tranh của Vincent van Gogh, tại một bảo tàng Hà Lan đang đóng cửa do đại dịch Covid-19, đã bị đánh cắp trong một cuộc đột kích trong đêm. Dưới đây là danh sách những bức tranh bị đánh cắp nổi tiếng của CNN Style.
Madonna of the Yarnwinder (Đức Mẹ bên cây kéo sợi)
Trở lại năm 2003, Bức tranh Madonna with the Yarnwinder của Leonardo da Vinci đã bị đánh cắp khỏi nhà của Công tước Buccleuch ở Scotland. Là một trong số rất ít tác phẩm còn sót lại của bậc thầy người Ý, bức tranh đã được tìm lại được vào năm 2007 một tháng sau cái chết của công tước.
Được vẽ từ năm 1520 đến 1530, hiện nay tác phẩm nghệ thuật này được trưng bày tại Phòng triển lãm Quốc gia Scotland ở Edinburgh.
Vụ trộm táo bạo 4 kiệt tác
Lukas Gloor, chủ tịch Bảo tàng Buehrle Foundation, và cảnh sát Zurich đã tổ chức một cuộc họp báo vào năm 2008 sau khi 2 trong số 4 bức tranh bị đánh cắp được lấy lại. Vào năm 2008, 4 kiệt tác của Paul Cézanne, Edgar Degas, Vincent Van Gogh và Claude Monet đã bị những kẻ đột kích đeo mặt nạ đánh cắp tại Bảo tàng Buehrle Foundation ở Thụy Sĩ.
Các tác phẩm nghệ thuật Poppies near Vetheuil (Hoa Anh túc gần Vetheuil) của Monet, Count Lepic and his Daughters (Bá tước Lepic và các cô con gái) của Degas, Blossoming Chestnut Branches (Cành cây hạt dẻ nở hoa) của Van Gogh và Boy in a Red Waistcoat (Cậu bé trong chiếc áo gilê đỏ) của Cézanne – được ước tính trị giá tổng cộng 163 triệu USD vào thời điểm đó.
Cảnh sát đã tìm lại được các tác phẩm của Monet và Van Gogh một thời gian ngắn sau đó. Tác phẩm của Degas đã được lấy lại vào năm 2012 với mức hư hại nhẹ, và tác phẩm của Cézanne đã được tìm thấy ở Serbia trong cùng năm đó.
Bức tranh Portrait of the Duke of Wellington (Chân dung Công tước Wellington)
Bức tranh Portrait of the Duke of Wellington của Francisco Goya đã bị đánh cắp vào năm 1961 và mất tích trong 4 năm. Kempton Bunton, một tài xế xe buýt đã nghỉ hưu, sau đó đã thú nhận tội và bị bỏ tù trong 3 tháng. Bức tranh đã được tìm lại. Người đàn ông này đã khai báo với cảnh sát: “Tôi đã đi đến đó, đánh cắp nó và mang nó trở lại nhà vệ sinh. Tôi đã trèo qua tường, một tay giữ chặt bức tranh… Tôi đã đặt bức tranh lên ghế sau của chiếc xe và lái xe trở lại phòng cho thuê đồ của tôi ở đường Grafton. Sau đó tôi cất giữ nó dưới giường”.
Bức tranh La Coiffeuse (Thợ làm tóc)
Bức tranh La Coiffeuse của Picasso đã mất tích vào năm 2001, mặc dù nó đã được tìm lại khi nó được chuyển từ Bỉ đến Hoa Kỳ vào tháng 12.2014. Người giao hàng đã liệt kê món đồ này là một tác phẩm nghệ thuật trị giá 37 USD được gửi đến Hoa Kỳ như một món quà Giáng sinh. Nhưng đó thực sự là tranh của Picasso bị đánh cắp, đã mất tích hơn một thập kỷ và trị giá hàng triệu USD.
Bức tranh Landscape on the Banks of the Seine (Phong cảnh bên bờ sông Seine)
Một bức tranh của Renoir từ năm 1879 đã bị đánh cắp từ Bảo tàng Nghệ thuật Baltimore vào năm 1951. Nó vẫn mất tích trong nhiều thập kỷ nhưng cuối cùng đã xuất hiện tại một khu chợ trời năm 2010. Bức tranh nhỏ có tựa đề Paysage Bords de Seine (Phong cảnh bên bờ sông Seine) đã được một phụ nữ ở Virginia mua với giá 7 USD, nhưng sau đó vào tháng 1.2014, một thẩm phán phán quyết rằng bức tranh nên được trả lại cho bảo tàng. Giá trị ước tính tại thời điểm bức tranh được tìm lại và phục hồi là từ 75.000 đến 100.000 USD.
Vụ cướp Bảo tàng Kunsthal
7 bức tranh nổi tiếng đã bị đánh cắp từ Bảo tàng Kunsthal ở Rotterdam, Hà Lan, vào năm 2012, bao gồm hai tác phẩm của Claude Monet: Cầu vượt Charing, London và Cầu Waterloo.
Các bức tranh khác, bằng sơn dầu và màu nước, là Harlequin Head (Chân dung Harlequin) của Picasso, Reading Girl in White and Yellow (Cô gái mặc áo trắng và vàng đang đọc sách) của Lucian Freud, Woman with eyes closed (Người phụ nữ với đôi mắt nhắm) của Paul Gauguin và bức Autoportrait (Tự họa) của Meyer de Haan.
Một số người đã bị kết án liên quan đến vụ trộm nhưng bức tranh vẫn chưa được tìm thấy. Năm 2018, Chính quyền Rumani tin rằng họ đã tìm thấy bức tranh của Picasso, mặc dù phát hiện của họ sau đó đã bị bác bỏ là hàng giả.
Việc cướp bóc của Đức Quốc xã
Đức Quốc xã đã cướp đi vô số bức tranh quý giá trong Thế chiến thứ hai. Đây chỉ là ba ví dụ: Adele Bloch-Bauer I của nghệ sĩ người Áo Christopher Klimt đã bị tịch thu từ chủ sở hữu của nó khi ông chạy trốn khỏi Áo. Nó đã được tìm lại và đang được trưng bày ở Neue Galerie của New York. Bức tranh thuộc về Alfred Weinberger, một nhà sưu tầm nghệ thuật nổi tiếng ở Paris thời tiền chiến. Nó đã được trả lại cho người thừa kế cuối cùng còn sống của ông, cô cháu gái Sylvie Sulitzer, vào tháng 9.2018.
Bức tranh Deux Femmes Dans Un Jardin (Hai người đàn bà trong khu vườn) của Pierre Auguste Renoir, được vẽ năm 1919, đã bị Đức Quốc xã đánh cắp từ một kho tiền của ngân hàng Paris năm 1941.
Nhiều tác phẩm nghệ thuật khác bị Đức Quốc xã cướp đi vẫn chưa tìm lại được, và những tác phẩm khác chỉ được trả lại sau nhiều năm đấu tranh pháp lý. Chẳng hạn, bức Christ Carrying the Cross (Chúa Kitô vác thập giá) của nghệ sĩ người Ý Girolamo de ‘Romani cuối cùng đã được trả về cho gia đình vào năm 2012.
The Scream (Tiếng thét)
The Scream là một trong hai bức tranh của Edvard Munch đã bị đánh cắp từ Bảo tàng Munch ở Oslo, Na Uy, năm 2004. 3 người đàn ông đã thực hiện một cuộc đột kích ban ngày trước khi bị bắt vào năm 2006. Trong thực tế, Munch đã tạo ra nhiều phiên bản khác của tác phẩm nổi tiếng này, bao gồm 2 bức bằng sơn và 2 bức bằng phấn màu. Hồi tưởng lại khoảnh khắc ý tưởng cho bức tranh nổi tiếng này xuất hiện, Munch đã từng viết: “Tôi đang đi trên đường với hai người bạn khi mặt trời lặn, đột nhiên, bầu trời đỏ như máu. Tôi dừng lại và dựa vào hàng rào, cảm thấy mệt mỏi vô cùng. Những vệt lửa và máu trải dài phía trên vịnh xanh. Bạn bè tôi vẫn tiếp tục đi bộ, trong khi tôi bị tụt lại phía sau, run rẩy vì sợ hãi”.
Mona Lisa
Bức tranh nổi tiếng nhất thế giới nhờ tiếng tăm của những vụ trộm cắp. Trước thế kỷ 20, Mona Lisa của Leonardo da Vinci không đặc biệt nổi tiếng ngoài giới nghệ thuật. Nhưng vào năm 1911, một cựu nhân viên của Bảo tàng Louvre đã ăn cắp bức chân dung và giấu nó trong 2 năm.
Niềm đam mê của công chúng với vụ trộm đã giúp củng cố vị trí của bức tranh trong văn hóa đại chúng kể từ đó.
- Xem thêm: 5 tuyệt tác nghệ thuật bị mất cắp