Một số lượng lớn các tác phẩm nghệ thuật đang bị mất tích và khả năng tìm kiếm có thể bị kéo dài bởi vì một số nhà sưu tập cực kỳ giàu có chiếm phần lớn thị trường nghệ thuật.
Những nhà sưu tập này đôi khi bí mật bán tranh cho nhau, và những bức tranh bị mất tích khác có lẽ được cất giấu trong garage của kẻ trộm vì các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp rất khó rao bán. Nhưng thỉnh thoảng, bí ẩn về những kiệt tác bị mất tích này được giải đáp, đôi khi bằng một khám phá bất ngờ ở những nơi điên rồ nhất.
1. Bí ẩn từ bộ phim “chú chuột biết nói”
Stuart Little, chú chuột biết nói được sáng tạo bởi E.B. White, là một cuốn sách dành cho trẻ em mà sau đó được chuyển thể thành phim, đã giúp giải quyết bí ẩn về một kiệt tác Hungary bị mất tích trong hơn 80 năm. Đó là tác phẩm tiên phong của Robert Bereny có tên là Người phụ nữ ngủ với chiếc bình đen.
Một bức ảnh đen trắng từ một cuộc triển lãm năm 1928 là bằng chứng công khai gần đây nhất về sự tồn tại của nó. Bức tranh chỉ đơn giản biến mất vào những năm 1920, nhưng dường như không có ai biết chuyện gì đã xảy ra với nó. Sau đó, vào dịp Giáng sinh năm 2009, Gergely Barki, một nhà nghiên cứu tại Phòng trưng bày quốc gia Hungary ở Budapest, đã quyết định xem bộ phim Stuart Little với cô con gái nhỏ Lola. Trước sự ngạc nhiên của anh, bức tranh mất tích là vật trang trí (trong phim) được treo phía trên lò sưởi trong nhà của gia đình Littles.
“Tôi không thể tin vào mắt mình khi nhìn thấy kiệt tác đã bị mất từ lâu của Bereny trên bức tường đằng sau [diễn viên] Hugh Laurie. Tôi suýt làm rơi Lola khỏi lòng mình”, ông Barki nói. “Một nhà nghiên cứu không bao giờ có thể rời mắt khỏi công việc, ngay cả khi xem phim giáng sinh tại nhà”.
Nhưng làm thế nào mà một bức tranh có giá trị như vậy lại trở thành “đạo cụ” trong một bộ phim trẻ em của Hollywood? Để tìm hiểu, Barki đã gửi một loạt email cho những người làm việc tại hãng phim Columbia Pictures và Sony Pictures. 2 năm sau, một cựu trợ lý thiết kế cho Sony Pictures đã gửi email trả lời anh.Cô ấy đã mua kiệt tác chỉ với giá 500 đô la trong một cửa hàng đồ cổ ở Pasadena, California để trang trí phòng khách nhà Littles trên phim trường. Khi bộ phim kết thúc, nhà thiết kế đã mang bức tranh về và treo nó lên tường căn hộ của cô.
Sau khi cô ấy bán kiệt tác của Bereny cho một nhà sưu tập tư nhân, bức tranh đã được trả lại cho Hungary, nơi nó được bán đấu giá ở Budapest với giá 285.700 đô la vào năm 2014.
Barki tin rằng người đã mua bức tranh từ cuộc triển lãm năm 1928 có thể là một người Do Thái và rời Hungary với kiệt tác vào khoảng thời gian xảy ra Thế chiến thứ hai.
2. Bức tranh bí ẩn Altarpiece
Nhân vật then chốt cho một trong những bí ẩn của thế giới nghệ thuật này tên là Jean Preston, một người hưu trí cao tuổi ở Oxford, Anh. Đối với một phụ nữ sở hữu tài sản là những kiệt tác bị mất tích, bà đã sống một cuộc đời khắc khổ như thể đang mô phỏng các giá trị khiêm tốn của họa sĩ bậc thầy thời Phục hưng và linh mục dòng Dominic Fra Angelico – bằng cách hiểu rằng giá trị thực sự từ những bức tranh của ông là ở vẻ đẹp tâm linh của chúng chứ không phải là đồng tiền mà chúng có thể mang lại cho bà.
Fra Angelico đã được phong chân phước vào năm 1982 bởi Đức Giáo hoàng John Paul II. Tác phẩm đáng ngưỡng mộ nhất của ông, San Marco ở Florence, được đặt làm bởi người bảo trợ Cosimo de Medici vào năm 1438. Phần chính của bức tranh, mô tả Madonna và trẻ em, vẫn đang ở tại San Marco. Nhưng tám tấm nhỏ hơn, chân dung của các vị thánh, đã bị mất trong các cuộc chiến của Napoléon. 6 trong số chúng sau đó xuất hiện trong các phòng trưng bày và các bộ sưu tập tư nhân trên thế giới. Nhưng 2 tấm cuối cùng bị mất tích trong khoảng 200 năm, cho đến khi chúng được phát hiện ở đằng sau cánh cửa phòng ngủ dự phòng của bà Preston.
- Xem thêm: 5 tuyệt tác nghệ thuật bị mất cắp
Bà Preston lần đầu tiên phát hiện ra những kiệt tác này nằm trong một hộp đựng những thứ linh tinh khi bà đang làm việc trong một bảo tàng ở California. Không ai quan tâm đến chúng. Nhưng bà thích chúng và đề cập chúng với cha mình, và ông đã mua 2 bức tranh này với giá 200 đô la. Khi ông qua đời, bà Preston đã thừa hưởng chúng.
Trong phần lớn cuộc đời, bà Preston không biết giá trị thực sự của các bức tranh. Nhưng vào năm 2005, bà đã yêu cầu nhà sử học nghệ thuật Michael Liversidge xem xét chúng. Khi biết rằng mình đang giữ những bức tranh còn thiếu của San Marco, bà đơn giản chỉ treo chúng lại sau cánh cửa phòng ngủ dự phòng của mình.
“Bà ấy rất hài lòng nhưng không biểu lộ sự ngạc nhiên,” Liversidge cho biết. “Như một người theo chủ nghĩa trung cổ, bà ấy quan tâm đến chúng vì nội dung học thuật của chúng, không phải vì giá trị tiền bạc của chúng.” Sau khi bà Preston qua đời, hai bức tranh đã được bán đấu giá vào năm 2007 với giá xấp xỉ 3,9 triệu đô la.
3. Bí ẩn về bức tranh phục hồi cẩu thả
Khi họ là hàng xóm với nhau ở Vermont vào năm 1960, Donald Trachte, họa sĩ minh họa cho bộ truyện tranh Henry, đã mua một bức tranh với giá 900 đô la từ Norman Rockwell. Được gọi là Breaking Home Ties, bức tranh đã xuất hiện trên trang bìa của tờ Saturday Evening Post vào năm 1954.
Sau khi Trachte qua đời vào năm 2005 ở tuổi 89, gia đình ông và các chuyên gia nghệ thuật không thể hiểu được tại sao bức tranh trong nhà Trachte có rất nhiều điểm khác biệt so với phiên bản trên trang bìa. Ví dụ, khuôn mặt cậu bé và màu sắc dường như không phù hợp với phiên bản bìa.
Ban đầu, các chuyên gia cho rằng bức tranh đã được bảo quản kém và được phục hồi một cách cẩu thả. Nhưng cuối cùng, họ nhận ra bức tranh đã không được khôi phục lại.
Tin chắc rằng bức tranh mà họ đang giữ là giả mạo, những cậu con trai của Trachte bắt đầu lùng sục phòng thu của cha họ để tìm manh mối. Một trong số họ đã phát hiện ra một khoảng trống trong căn phòng ốp gỗ. Họ tháo bức tường giả ra và phát hiện ra một căn phòng bí mật ẩn chứa bức tranh Rockwell thực sự. Bây giờ, người ta tin rằng Trachte đã giả mạo bức tranh vào khoảng năm 1973 trong một cuộc ly hôn cay đắng. Mặc dù bức tranh vẫn được giấu kín, ông vẫn nhận được bức tranh giả mạo Rockwell khi giải quyết ly hôn.
Bức tranh gốc đã được bán đấu giá với giá 15,4 triệu đô la vào năm 2006, nhiều nhất cho một bức tranh của Norman Rockwell vào thời điểm đó.
4. Bí ẩn của bức tranh Lombardy
Kiệt tác này đã bị mất tích quá lâu đến nỗi một số người nghi ngờ về sự tồn tại của nó. Sau đó, vào năm 2013, bức tranh của Leonardo da Vinci vẽ Isabella d’Este, hầu tước của Mantua, đã được phát hiện trong một bộ sưu tập tư nhân bên trong một ngân hàng Thụy Sĩ, và một bí ẩn 500 năm dường như đã được giải đáp. Người ta tin rằng bức tranh đã được gia đình chủ nhà băng mua vào khoảng đầu những năm 1900.
Da Vinci đã vẽ một bản phác thảo d’ Este bằng bút chì vào năm 1499 tại Mantua, nằm ở vùng Bologna của Ý. Đó là bản phác thảo bút chì treo trong bảo tàng Louvre ở Pháp ngày nay. Hầu tước đã viết cho da Vinci để yêu cầu một bức tranh từ bản phác thảo. Cho đến gần đây, các chuyên gia nghệ thuật cho rằng ông không sắp xếp được thời gian để hoàn thành bức tranh hoặc đơn giản là mất hứng thú với nó.
Tuy nhiên, một số chuyên gia như Martin Kemp của Trường Cao đẳng Trinity, Oxford nghi ngờ tính xác thực của bức tranh. “Sơn dầu không được Leonardo sử dụng trong quá trình sáng tác của mình”, ông Kemp nói. “Mặc dù với Leonardo, một điều mà tôi học được là không bao giờ ngạc nhiên”.
Nhưng các chuyên gia khác cũng là những chuyên gia hàng đầu thế giới về da Vinci, như Carlo Pedretti của Đại học California, Los Angeles thì không đồng ý với Kemp. “Không có gì phải nghi ngờ về việc bức chân dung là tác phẩm của Leonardo”, ông nói. Pedretti tin rằng da Vinci đã vẽ mặt, và các trợ lý của da Vinci đã vẽ một chiếc lá cọ được giữ bởi d’Este trong bức tranh.
Việc xác định niên đại bằng carbon cho thấy xác suất 95% rằng bức tranh được tạo ra trong khoảng thời gian từ năm 1460 đến năm 1650. Các sắc tố và sơn lót giống như các thứ được sử dụng bởi da Vinci. Ngoài ra, da Vinci được cho là đã gặp d’Este tại Vatican vào năm 1514. Một số chuyên gia nghĩ rằng ông có thể đã hoàn thành bức tranh ở đó.
Nhưng một manh mối cho thấy da Vinci đã hoàn thành kiệt tác của mình. Khi đến thăm Pháp vào năm 1517, ông đã thông báo một số công việc của mình với đức hồng y Luigi d’Aragona. Người trợ lý của hồng y đã viết: “Có một bức tranh sơn dầu mô tả một người phụ nữ nào đó ở vùng Lombardy”.
Với không quá 20 tác phẩm đích thực của da Vinci tồn tại, bức tranh này có thể trị giá đến hàng chục triệu đô la.
5. Bí ẩn về các bức tranh trong nhà bếp của Autoworker
Trong năm 1975, hai kiệt tác bị đánh cắp đã được mua với giá 25 đô la bởi một nhân viên bán hàng người Ý tại một cuộc đấu giá các mặt hàng từ bộ phận “lost and found” của hãng đường sắt quốc gia Ý. Các bức tranh là Cô gái với hai chiếc ghế của Pierre Bonard và Cuộc sống trái cây trên bàn với một chú chó nhỏ của Paul Gauguin. Chúng đã bị đánh cắp từ một cặp vợ chồng người Anh vào năm 1970. Chúng được định giá là 50 triệu đô la.
Autoworker không biết hai bức tranh này có giá trị như thế nào. Ông chỉ đơn giản là treo chúng trong nhà bếp của mình trong gần 40 năm. Khi con trai ông cố gắng bán những kiệt tác này vào năm 2013, các chuyên gia nghệ thuật kiểm tra và nhận ra chúng là những tác phẩm bị đánh cắp. Cảnh sát đã được cảnh báo nhưng người đàn ông và con trai không bị nghi ngờ. Cặp vợ chồng người Anh ban đầu sở hữu những bức tranh đã chết mà không có người thừa kế. Vì vậy, hệ thống pháp lý bây giờ phải xác định ai sẽ được quyền sở hữu các bức tranh.
6. Bức tranh trong túi rác
Khi Elizabeth Gibson đi bộ để mua cà phê vào một buổi sáng tháng 3 năm 2003, cô nhìn thấy một bức tranh trừu tượng đầy màu sắc nằm kẹp giữa hai túi rác lớn trước tòa nhà chung cư Manhattan. Cô cảm thấy bức tranh rất mạnh mẽ nhưng không nghĩ nó là một kiệt tác, đặc biệt là với khung rẻ tiền của nó. Nhưng bức tranh cô cứu được từ túi rác ngày hôm đó là Three People, một tác phẩm nghệ thuật được nghệ sĩ người Mexico Rufino Tamayo sáng tác vào năm 1970. Nó đã bị đánh cắp vào những năm 1980 từ chủ nhân thực sự, một cặp vợ chồng ở Houston.
Cô Gibson treo bức tranh trong căn hộ của mình. Cuối cùng, cô cũng thực hiện việc kiểm tra bức tranh và ghi chú vào các nhãn dính ở mặt sau. Mặc dù cô đã cố gắng tìm thêm thông tin, nhưng mãi đến 3 năm sau cô mới phát hiện ra đó là bức tranh Three People mà một người nào đó trong một phòng trưng bày đã thông báo rằng đó là một bức tranh nổi tiếng bị đánh cắp.iv class=”col-md-2″>
Cô Gibson đã thực hiện một cuộc tìm kiếm trên Google, tìm thấy một tài liệu tham khảo cho một tập phim truyền hình Antiques Roadshow và đến Baltimore để xem một bản chạy lại của phân đoạn “kiệt tác bị mất tích” với bức tranh của Tamayo. Khi trở về New York, cô đã đến gặp chuyên gia từ Sotheby, người đã xuất hiện trong chương trình để nói về Three People. Ban đầu, cô tự nhận mình là “người phụ nữ bí ẩn.”
Nhưng cuối cùng, cô đã cho chuyên gia xem bức tranh trong căn hộ của mình. Anh ta xác nhận đó là kiệt tác bị mất tích và gửi đến cô phần thưởng trị giá 15.000 đô la từ những người chủ ban đầu và một khoản phí tìm kiếm từ Sotheby. Bức tranh, còn được gọi là Tres Personajes, đã được bán đấu giá bởi Sotheby, với giá hơn 1 triệu đô la vào tháng 11 năm 2007.
7. Những tình tiết ly kỳ xoay quanh bức tranh Chân dung thiếu nữ
Đầu tiên, không một ai trong câu chuyện kỳ lạ này biết rằng Thomas Doyle là một tên tội phạm với 11 tiền án trộm cắp trước đó trong 34 năm. Lần này, hắn thuyết phục nhà đầu tư Gary Fitzgerald trả 880.000 đô la cho một phần được cho là 80% của bức tranh sơn dầu Chân dung thiếu nữ của nghệ sĩ người Pháp ở thế kỷ 19 Jean-Baptiste-Camille Corot. Doyle chỉ trả 775.000 đô la cho kiệt tác, chứ không phải 1,1 triệu đô la như ông nói với Fitzgerald.
Doyle cũng nói với Fitzgerald rằng một người khác đã sẵn sàng để mua bức tranh với giá 1,7 triệu đô la. Một lần nữa, điều này không đúng sự thật. Trên thực tế, Doyle bị cáo buộc biết bức tranh đã được thẩm định ở mức không quá 700.000 USD.
Nhưng câu chuyện không dừng tại đó. Bạn gái của Doyle, Kristyn Trudgeon, được cho là chủ sở hữu thực sự của bức tranh, với Doyle là đồng sở hữu của cô. Cô cũng được cho là không biết về nền tảng tội phạm của anh ta. Vào ngày 28 tháng 7 năm 2010, hai đối tác đã cử một trong những cộng sự của Doyle làm đại lý bán hàng trung gian đến gặp một người mua tiềm năng cho bức tranh tại một khách sạn ở Manhattan.
Người mua đã không muốn nó. Người trung gian đã say rượu và sau đó được nhìn thấy đi ra khỏi khách sạn vào khoảng 12g50 sáng với bức tranh. Nhưng anh đến căn hộ của mình vào khoảng 2g30 sáng mà không có bức tranh của Corot.
Người trung gian tuyên bố anh ta bị mất bức tranh; vì vậy, Trudgeon (bạn gái và đồng sở hữu của Doyle) đã kiện người trung gian. Sau đó, Doyle bị bắt vì tội lừa đảo qua đường dây và email lừa đảo vì lừa đảo Fitzgerald (người đàn ông đã trả cho anh ta 880.000 đô la cho 80% giá trị bức tranh). Người bạn gái nhìn thấy Doyle “đóng kịch”, nhận ra cô ta đang ở trong một liên minh với một tên tội phạm và hủy đơn kiện chống lại người trung gian.
Nhưng không ai biết bức tranh mất tích ở đâu cho đến khi một người gác cửa ở một tòa nhà Manhattan khác gần khách sạn trở về sau kỳ nghỉ. Anh đã tìm thấy bức tranh trong bụi rậm. Cho rằng tác phẩm có thể thuộc về một người sống trong tòa nhà của mình, anh ta đã đặt bức tranh trong tủ đồ của mình. Khi trở về từ kỳ nghỉ, anh biết bức tranh bị mất tích và đã trao nó cho cảnh sát.
Doyle đã nhận án tù 6 năm và bức tranh của Corot đã được bán để bồi thường cho nhà đầu tư bị lừa đảo, Fitzgerald.
8. Câu chuyện về bức tranh Trên bờ sông Seine
Như người xưa vẫn nói, nếu nó có vẻ quá tốt để là sự thật thì có lẽ là như vậy. Vì vậy, khi một phụ nữ ở Virginia tuyên bố đã mua một bức tranh của Renoir có kích thước bằng khăn ăn Trên bờ sông Seine với giá 7 đô la vào năm 2009 tại một khu chợ trời, điều đó dường như là không thể. Ban đầu, người phụ nữ tự gọi mình là “cô gái Renoir” khi cố bán bức tranh thông qua một nhà đấu giá. Nhưng sau đó, cô tự xưng là Marcia “Martha” Fuqua, và bức tranh được xác định là đã bị đánh cắp từ bảo tàng nghệ thuật Baltimore năm 1951.
Anh của Martha, Matt Fuqua, tranh luận về câu chuyện của em gái mình. Mẹ của họ, Marcia, đã đi đến trường đại học nghệ thuật ở Baltimore khi bức tranh bị mất tích vào năm 1951. Matt nghĩ rằng bức tranh là một món quà cho mẹ anh nhiều năm trước từ một người cầu hôn, nhưng bà chưa bao giờ tiết lộ chi tiết. Matt cho biết bức tranh đã treo trong nhà mẹ anh trong nhiều năm. Những người bạn gia đình và người quen khác đã xác nhận điều này.
Đầu năm 2014, một thẩm phán đã trả lại bức tranh cho bảo tàng. Thẩm phán đã không bình luận về tính chân thực của câu chuyện của “cô gái Renoir”. Nhưng Matt Fuqua hài lòng với kết quả. Anh ta tuyên bố rằng, trước khi chết, mẹ anh đã bảo Martha trả lại bức tranh của Renoir cho bảo tàng. “Mẹ tôi muốn thế”, Matt nói.
9. Bí ẩn từ chiếc lò nướng
Trong số những kiệt tác bị mất tích, có thứ đã tìm lại được; nhưng cũng có những bức tranh bị mất đi vĩnh viễn. Vào tháng 10 năm 2012, bảy bức tranh trị giá hàng chục triệu đô la đã bị đánh cắp từ bảo tàng Kunsthal ở Rotterdam. Chúng bao gồm các tác phẩm của Meyer de Haan, Lucian Freud, Paul Gauguin, Henri Matisse, Claude Monet và Pablo Picasso.
Theo đoạn phim từ camera an ninh, đó là một cuộc đột kích táo bạo của hai người đàn ông đã vô hiệu hóa hệ thống an ninh và đánh cắp các tác phẩm này trong vòng chưa đầy hai phút. Một số người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nghi ngờ rằng đây là một công việc có hợp đồng của tội phạm có tổ chức.
Tuy nhiên, các tác phẩm nghệ thuật bị mất trộm này được cho là đã được đưa đến Rotterdam, sau đó đến một ngôi làng nghèo tên là Carcaliu ở Romania, nơi có ít nhất một trong số những tên trộm sống tại đây. Ở đó, mẹ của một trong những tên trộm tuyên bố đã đốt các tác phẩm nghệ thuật trong lò nướng để tiêu hủy bằng chứng có thể khiến con trai bà bị kết tội. Tại tòa, bà đã rút lại tuyên bố đó.
“Chúng tôi đã tìm thấy rất nhiều sắc tố được sử dụng trong các bức tranh sơn dầu và một số lượng lớn các mảnh sắc tố này được gắn vào sơn lót vải, mang dấu ấn của vải”, Ernest Oberlander-Tarnoveanu, giám đốc của viện bảo tàng đã phân tích tro được tìm thấy và cho biết như trên. “Kết luận là ai đó đã đốt tranh sơn dầu trong bếp”. Tuy nhiên, phân tích có thể chỉ ra rằng tranh đã bị đốt, nhưng không thể biết được là tranh nào và có bao nhiêu bức đã bị đốt.
3 tên trộm trẻ tuổi người Rumani đã bị kết án tại tòa án; vì vậy, chúng ta biết là ai đã đánh cắp những kiệt tác này. Nhưng chúng ta có lẽ không bao giờ biết chúng ở đâu, và chúng thực sự bị đốt cháy hoặc chỉ bị ẩn đi. Người mẹ thiêu tranh trong lò nướng đã phải ngồi tù hai năm vì giúp đỡ một tên tội phạm và vi phạm luật về sử dụng súng. Một vụ kiện riêng biệt đã được tiến hành trong vụ đốt cháy các bức tranh của bà.
10. Bí ẩn về người đàn ông không tồn tại
Cornelius Gurlitt, 81 tuổi, là một người đàn ông không tồn tại, theo một quan chức Đức. Ông ta đã không đăng ký với bất kỳ cơ quan chính phủ Đức nào và ông không có lương hưu hoặc bảo hiểm y tế. Nhưng Cornelius lại có một lượng lớn tiền mặt khi cơ quan hải quan ngăn ông ta trên một chuyến tàu đến Munich.
Là một phần của cuộc điều tra thuế, các nhà chức trách đã tìm kiếm căn hộ tồi tàn của ông ta ở vùng ngoại ô Munich năm 2011. Ẩn trong các thứ đồng nát, họ tìm thấy một bộ sưu tập hơn 1.400 tác phẩm nghệ thuật trị giá hơn 1,3 tỷ đô la. Trong số đó có cả những kiệt tác của Henri Matisse và Pablo Picasso. Các tác phẩm bao gồm các bản vẽ, khắc, tranh, in và khắc gỗ.
Phần lớn các tác phẩm nghệ thuật này được cho là từng bị Đức Quốc xã chiếm giữ. “Tôi nghĩ rằng đây là một phát hiện lớn nhất về những bức ảnh của nạn diệt chủng và chúng ở đó đã nhiều năm”, ông Julian Radcliffe, chủ tịch của bộ phận đăng ký tác phẩm nghệ thuật bị mất, cho biết. “Chúng là những hình ảnh mà Đức quốc xã đã cướp, hoặc để bán lấy tiền, hoặc (trong một số trường hợp nhất định) vì họ muốn chúng cho các bảo tàng của riêng họ”.
Là một người thất nghiệp sống ẩn dật, thỉnh thoảng Gurlitt bán một số nghệ thuật để kiếm tiền sinh hoạt. Cha của Gurlitt, Hildebrand Gurlitt, là một nhà sưu tầm nghệ thuật khi Đức Quốc xã lên nắm quyền. Mặc dù có bà ngoại là người Do Thái, Hildebrand vẫn có giá trị đối với Đức Quốc xã vì ông có thể liên lạc để bán các tác phẩm nghệ thuật cho người mua nước ngoài. Tuy nhiên, Hildebrand đã bí mật bán một số và cất giấu những thứ khác, đồng thời tuyên bố rằng những kiệt tác này đã bị phá hủy khi căn hộ của ông bị ném bom trong chiến tranh.
Một bộ sưu tập khác gồm hơn 200 vật phẩm được phát hiện tại nhà của Cornelius Gurlitt ở Salzburg. Theo luật sư của mình, Cornelius Gurlitt đã nói với đội ngũ pháp lý của mình trả lại bất kỳ tác phẩm bị cướp bóc nào cho chủ sở hữu người Do Thái của chúng.