Như một nhân vật trong Mùa hè đã nói, “anh nên thận trọng với việc bỏ người ta vào những cái hộp nhỏ hẹp, gọn ghẽ và dán nhãn lên đó”, J. M. Coetzee có lẽ cũng mong chúng ta thận trọng, và đón nhận mọi người quanh mình bằng cái nhìn rộng mở.
Một cậu bé da trắng sinh ra ở Nam Phi, sống những ngày thơ ấu giữa một bên là chế độ apartheid chớm hình thành, một bên là những tương giao hồn nhiên với những con người đại diện cho chủng tộc bị coi rẻ. Một đứa con của hai nền văn hóa: hậu duệ của những người da trắng chiếm lĩnh, lập nên Nhà nước Nam Phi từ bao đời trước và nền giáo dục hướng về Anh quốc. Một thanh niên mộng thành nghệ sĩ nhưng lại trở thành lập trình viên máy tính. Một người Nam Phi xem miền đất gắn liền với tổ tiên là một phần cốt lõi của chính mình, đồng thời lại tin rằng mình chẳng có tư cách kế thừa miền đất đó. John Coetzee, nhân vật chính của Những cảnh đời tỉnh lẻ (Scenes from Provincial Life), hội tụ nơi mình bao mối mâu thuẫn.
Không tuân theo lối kể chuyện truyền thống, cũng chẳng bị giới hạn vào một lối kể đơn nhất, Những cảnh đời tỉnh lẻ là một tác phẩm tự sự đa chiều.
Ở chiều kích nổi trội nhất, bao trùm cả phần 1 – Tuổi thơ (Boyhood) và phần 2 – Tuổi trẻ (Youth), tác phẩm được trình bày hoàn toàn từ điểm nhìn của John Coetzee, ngôi thứ ba, thì hiện tại, tựa hồ những quan sát được thảo ra trong thời gian thực – như thể người kể chuyện đang đồng hành cùng John từ đời sống đến nội tâm, như thể có một phần linh hồn trong John đang tách ra một góc và quan sát chính mình.
Chiều kích thứ hai, bắt đầu với phần 3 – Mùa hè (Summertime), vẫn với ngôi thứ ba và thì hiện tại, là những trang nhật ký của John, đi kèm ngày tháng và những lời tự vấn.
Và chiều kích cuối cùng, cũng trong Mùa hè, dưới hình hài những cuộc phỏng vấn, là các đối thoại song phương và hồi ức – đối thoại về John, hồi ức về John, khi con người ấy không còn ở thế gian.
J. M. Coetzee vẫn luôn đưa yếu tố tự thuật vào những tác phẩm của mình, nhưng đến Những cảnh đời tỉnh lẻ, khía cạnh này mới nổi bật hẳn lên. Vẫn ngòi bút súc tích, nhưng cảm xúc không còn kìm nén, lời văn không còn dè dặt, như ta từng thấy qua những Ruồng bỏ (Disgrace), Cuộc đời và thời đại của Michael K (Life and Times of Michael K). Tâm hồn ấy phô bày trái tim mình ra khắp trang viết, từ những lý tưởng cao vời, những khát vọng cháy bỏng đến những bí mật đê hèn, những suy tư nghiệt ngã.
Nhưng một tác phẩm đậm tính tự thuật như vậy lại chuyển hướng ở phần 3 – Mùa hè, theo những chiều kích hoàn toàn khác lúc ban đầu. Câu chuyện đã vượt hẳn ra ngoài khuôn khổ thế giới của John Coetzee, mở rộng thành một bức tranh hợp từ nhiều mảnh đời và một lần nữa cho thấy sự đa chiều của nó, ở bình diện tâm lý. Rồi khi những cá tính và số phận đã dự phần vào cuộc đời John phô bày chính mình, ta thấy, bằng cách này hay cách khác, vì lẽ này hay lẽ khác, họ đều là những kẻ dị biệt – hoặc đứng ngoài xu thế chung của cộng đồng mình, hoặc lạc lõng giữa đất nước mà mình đang sống. Và nổi lên từ câu chuyện của những kẻ dị biệt ấy là đời sống chính trị và xã hội bất ổn của Nam Phi những năm 1940, 1960 và 1970, một đất nước lúc bấy giờ cũng chính là một quốc gia dị biệt với thế giới.
Từ không gian tự thuật hư cấu tưởng chừng riêng tư, J. M. Coetzee khơi mở dần những vấn đề chung của dân tộc, của đất nước, của từng thế giới vi mô mà nhân vật chính và các nhân vật phụ góp mặt: thế giới học đường với đòn roi và những kẻ bắt nạt; thế giới nhà nông đầy niềm vui thuần phác lẫn hiện thực tàn nhẫn; thế giới xám xịt của những lập trình viên máy tính; thế giới bấp bênh về đời sống lẫn tâm tư của tuổi trẻ chập chững tìm chỗ đứng cho chính mình; thế giới của những người nhập cư lao đao giữa một nền văn hóa khác lạ… Nam Phi và Anh quốc có thể là những vùng đất xa xôi với chúng ta, độc giả Việt Nam, nhưng những vấn đề của con người mà nhà văn chạm tới ta cũng có thể nhìn thấy trên chính đất nước mình, xã hội mình, đôi khi trong đời sống của mình nữa.
Nhờ sự sáng tạo về điểm nhìn và lối kể chuyện, Những cảnh đời tỉnh lẻ không chỉ là một bức tranh tinh tế về đời sống con người mà còn là một phương thức giúp nhà văn mở lòng hơn, bộc bạch nhiều hơn với thế giới – với những ai quan tâm đến văn chương ông, những ai chưa từng đọc ông và cả những ai không thích ông vì phong thái khép kín xa cách mà ông thể hiện trong những tác phẩm trước. John, dù là hiện thân bao nhiêu phần trăm của nhà văn, cũng phản chiếu lòng thành thật của một người cầm bút về những niềm tin, mơ ước và góc tối trong chính mình.
Không gian tâm lý đa chiều trong tác phẩm, dù có bao nhiêu phần trăm là lấy từ đời thực, cũng phản chiếu ý nguyện nhìn nhận những góc khuất trong tâm hồn và thân phận con người, nhìn nhận sự phức tạp về thế giới quan và hoàn cảnh của mỗi người chúng ta, nhìn nhận sự đa dạng mà hạn chế trong góc nhìn của chúng ta về nhau.
Như một nhân vật trong Mùa hè đã nói, “anh nên thận trọng với việc bỏ người ta vào những cái hộp nhỏ hẹp, gọn ghẽ và dán nhãn lên đó”, J. M. Coetzee có lẽ cũng mong chúng ta thận trọng, và đón nhận mọi người quanh mình bằng cái nhìn rộng mở.
Những suy nghĩ và cảm xúc, những trải nghiệm đẹp đẽ lẫn đau thương của các nhân vật, hòa với những bộc bạch chân tình của người kể chuyện, giúp ta hiểu và đồng cảm hơn với nhà văn lớn Coetzee, người có nhiều tác phẩm được dịch sang tiếng Việt và từng bày tỏ rằng dù chưa đến thăm đất nước Việt Nam, lịch sử của dân tộc này đã để lại những dấu ấn sâu sắc nơi ông.