“Tôi luôn thiên về ý nghĩa nhà văn phải tự tạo ra mình, tự sinh nở ra mình” – nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã viết như thế trong một di cảo không đề ngày tháng, in trong tập “Tiếng người trong văn” (NXB Phụ Nữ, 2021). Tập sách xuất bản sau khi nhà văn từ trần tháng 6 năm nay.
Nhắc tên nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (1933 – 2021), độc giả nghĩ đến những tiểu thuyết đồ sộ lấy cảm hứng lịch sử, văn hóa như Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa; và một bên là vệt tiểu thuyết “khác”, nằm yên trong ngăn kéo khá lâu mới được xuất bản như Miền hoang tưởng, Trư cuồng (hay Chuyện ngõ nghèo). Liệt kê ra đây vài tác phẩm tiêu biểu, có thể thấy một sự nghiệp kéo dài nhiều thập niên, mà mỗi chặng đường đều đạt thành tựu nhất định.
Tiếng người trong văn có thể xem là những mảng hồi ức rời xâu chuỗi lại một hành trình dài từ những ngày thơ ấu sống cùng người mẹ góa, bị họ bên chồng hắt hủi, đến tuổi hoa niên, những ngày chập chững bước chân vào văn chương…
Nếu xem Tiếng người trong văn là hồi ký, nó là một hồi ký rời rạc. Dường như nhà văn chỉ bắt lấy một ánh chớp của hồi ức, những kỷ niệm bất chợt lại hiện về. Ở đó có những chân dung, những tiếng nói của bạn bè, thân thích mà giờ đây đa phần chỉ còn là những âm vọng từ bờ bên kia. Có lẽ nhà văn đã không chủ đích viết một hồi ký hoàn chỉnh, kể hết những thăng trầm cuộc đời mà với một văn tài như ông, một con người sống ngót nghét gần thế kỷ, hẳn có nhiều điều để nói hơn những trang viết gói gọn trong tập sách khá khiêm tốn này.
Con người nhà văn, suy nghĩ của ông, có thể đã bộc lộ hết qua những tác phẩm văn học được người đời ngưỡng mộ. Những tác phẩm đã đem lại cho ông vinh quang lẫn không ít nhọc nhằn, chỉ còn sót lại đây điều gì riêng tư nhất, có lẽ là kỷ niệm với văn chương, với bè bạn. Cho nên những trang viết của ông lấp lánh tình thân và tình thương. Những khổ cực dù có được nói ra, dường như vẫn kèm theo một nụ cười độ lượng.
Không oán trách và công bằng, công bằng cả với những nhân vật mà ông cho rằng “không thích” ông hay tác phẩm của ông. Đọc Tiếng người trong văn ta còn thấy một Nguyễn Xuân Khánh với tấm lòng nhân hậu. Cuộc đời có thể bất công, buồn nhiều hơn vui, nhưng chỉ cần một niềm vui le lói thôi cũng đủ chuộc lại bao cay đắng.
Đối với nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, ánh sáng hạnh phúc đó đến từ những khuôn mặt bè bạn, của người anh em họ hàng thân thiết, một thứ tình cảm khắn khít cao cả còn hơn cả tình yêu mà chính nhà văn đôi khi cũng không thể lý giải. Phải chăng, đó là thứ tình tri kỷ mà ở đời ta chỉ mong cầu một lần có được.
Nếu đã đọc Viết về bè bạn của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, ta sẽ nhận ra vòng bè bạn của Bùi Ngọc Tấn giao thoa với vòng bè bạn của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Vẫn là những bạn văn Châu Diên, Dương Tường, Lê Bầu… Những bè bạn nâng đỡ nhau trong hoạn nạn bằng sự liên tài giữa những người đồng nghiệp. Liên tài nhưng không tăng bốc, ve vuốt cái tôi của đối phương mà thành thật. Có lẽ sự thành thật đó đã giữ cho những người bạn đi với nhau hơn nửa thế kỷ.
Không chân thành, hẳn nhà văn Châu Diên khi được ông bạn Xuân Khánh của mình hỏi rằng, văn chương của ông có quá nghiêm túc không, chắc hẳn đã không có câu trả lời nghiêm túc: “Cũng hơi hơi, nhưng được cái mày viết có chất “tình tang” nên cũng bớt đi cái sự nghiêm trang. Đời phải vui vẻ chứ mày. Tội gì mà cứ mặc complet quanh năm suốt tháng”. Chỉ hai chữ “tình tang” đó thôi, cũng như thấy được nụ cười hóm hỉnh của nhà giáo Phạm Toàn hòa cùng là nhà văn Châu Diên.
Những ghi chép của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh để lại nhiều khi cũng giàu chất văn như vậy. Khi đọc những hồi ức của ông về nhà thơ Trần Dần như đọc một truyện ngắn, với không khí buổi đầu hội ngộ, cái nóng hầm hập điên người của vùng mỏ chuyển dần sang mát mẻ, cũng như tâm trạng nghi kỵ lúc đầu đã hóa thoải mái chỉ nhờ mấy câu thơ của người bạn chung Dương Tường.
Những con người tài năng ấy, mỗi người mang trong mình một hoài bão, một lý tưởng văn chương riêng, mà nếu không có những lý tưởng đó, chắc hẳn họ đã không thể chịu đựng những “tai nạn” đến trong đời mình.
Trong Tiếng người trong văn, cạnh những hồi ức còn là những bộc bạch về nghề viết, về nghệ thuật: “Ta thường nói đến cảm hứng. Đó là trạng thái say sưa tột độ của nhà tiểu thuyết, gần như trạng thái lên đồng […] Khi con người lấy văn làm lẽ sống của đời mình, chắc chắn anh ta sẽ có những phút ấy. Đó là những phút ta không bị ràng buộc”.
Có lẽ trong sự nghiệp của mình, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã có không ít phút thăng hoa như thế. Những phút tự do, “không bị ràng buộc”. Những phút giây từ nơi tăm tối nhất, cùng quẫn nhất, nhà văn như phục sinh, để “tự sinh nở ra mình”.