Chắc chắn một đô thị Đà Lạt lô nhô cao tầng, dồn nén dân cư, với đủ kiểu trung tâm thương mại và hội nghị mỹ miều, không phải là điều người xưa và cả người nay mong muốn.
Một lần nữa, cuộc tranh luận vừa dấy lên sôi nổi về dự án biến đồi Dinh, Đà Lạt thành đồi khách sạn hoa lệ, càng khiến chúng ta không thể không lắng nghe ý kiến nhiều chiều, nhiều giới và nhiều thế hệ. Trong đó, những người tiên phong thiết kế và kiến tạo thành phố độc đáo này – giờ đây đã “hồn muôn năm cũ” vẫn là những tiếng nói rất cần được tham khảo trong các cuộc bàn thảo về tương lai. Ý kiến của họ – những suy tư và trải nghiệm sâu rộng luôn còn đấy trong những ghi chép, nghiên cứu cùng các bản vẽ quy hoạch và thiết kế dày công.
Chứng tích Đà Lạt xuyên thế kỷ
Indochine hebdomadaire illustré là một họa báo hàng tuần nổi tiếng cách đây 80 năm, đã dành trọn số báo ra ngày 25.10.1943 cho chuyên đề về quy hoạch đô thị Đông Dương. Khi xem số báo, ta có thể ngạc nhiên bởi ngay trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, chính quyền Pháp đã kịp chuẩn bị kế hoạch chỉnh trang các đô thị để đón trước thời kỳ hậu chiến. Thực vậy, các nhà quản trị thuở đó đã khởi sự những ý tưởng và phương án thiết kế lại Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn và Đà Lạt.
Bài viết về hiện trạng và tương lai xây dựng Đà Lạt do chính ông thị trưởng A. Berjoan và kiến trúc sư J. Lagisquet – kiến trúc sư trưởng Đông Dương chấp bút. Kèm bài viết là một bản đồ phác họa các phân khu chức năng của trung tâm và các tranh vẽ phối cảnh các khu xây dựng mới của Đà Lạt.
Bộ họa báo Indochine quý giá vẫn đang được lưu giữ tại các thư viện lớn của Việt Nam và các sưu tập cá nhân. Trong khi đó, một nguồn tài liệu gốc lớn lao về lịch sử quy hoạch và xây dựng Đà Lạt đã hé mở. Năm 2014, Viện Viễn Đông Bác Cổ của Pháp (EFEO) và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4 (đặt tại Đà Lạt) cho ra mắt một quyển sách quý mang tên Đà Lạt – bản đồ sáng lập thành phố. Quyển sách in khổ lớn với hơn 200 trang cùng nhiều hình ảnh, họa đồ và bài nghiên cứu, giúp chúng ta du hành vào thuở khai sinh Đà Lạt – bắt đầu từ cuộc thám hiểm cao nguyên Lang Biang năm 1881.
Và rồi, đưa chúng ta đến từng thời kỳ xây đắp thành phố trải qua hơn 120 năm. Có thể coi đây là một hồ sơ căn bản đầy sống động cho giới chuyên môn, cũng như những người yêu mến Đà Lạt tìm hiểu quá trình kiến tạo Đà Lạt. Sách không chỉ trình bày về thiết kế cảnh quan hay kiến trúc đô thị mà còn điểm lại các chủ trương về chính trị và kinh tế liên quan thành phố cao nguyên.
- Xem thêm: Đà Lạt eo cong của phố
Cùng thời gian đó, năm 2011, một sử gia người Canada – TS. Eric T. Jenning đã cho xuất bản tại Mỹ tác phẩm Imperial Heights: Dalat and the Making and Undoing of French Indochina. Thật nhanh chóng và hữu ích, vào năm 2015, quyển sách đã được Đại học Hoa Sen biên dịch sang tiếng Việt với nhan đề Đỉnh cao đế quốc: Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp. Tác phẩm của TS. Jenning ra đời sau 10 năm thu thập tài liệu từ nhiều nguồn lưu trữ sách báo, ở năm quốc gia. Quyển sách đưa ra nhiều chi tiết phong phú và nhận định giá trị về từng thời kỳ sinh thành và phát triển của Đà Lạt. Hiện giờ, có lẽ đây là quyển sách lịch sử Đà Lạt được viết công phu và hấp dẫn nhất về cả tư liệu và lời văn.
Trong các sách nước ngoài viết về lịch sử đô thị có liên quan Đà Lạt, rất cần kể đến quyển The Polictics of Design in French Colonial Urbanism (tạm dịch Chính trị của thiết kế trong quy hoạch các đô thị thuộc địa của Pháp). Sách do nữ giáo sư Gwendolyn Wright của Đại học Columbia – Mỹ, viết và xuất bản năm 1991. Tác giả nghiên cứu và đối sánh việc quy hoạch, xây dựng các đô thị ở Đông Dương, Morocco, Madagascar và một số nơi có dấu ấn kiến trúc Pháp.
Giáo sư Wright dành nhiều trang viết về các công trình của Ernest Hébrard – kiến trúc sư trưởng của Đông Dương, thập niên 1920 – 1930. Ông là một “người khổng lồ” không chỉ trong kiến trúc và quy hoạch đô thị mà còn trong khảo cổ học và Đông phương học. Trước khi sang Đông Dương, Hébrard từng được chính phủ Hy Lạp mời chỉ huy phục dựng thành phố cổ Thessaloniki. Bản thân Hébrard còn là người thiết lập quy hoạch Đà Lạt năm 1923 và đưa ra nhiều nguyên tắc xây dựng được áp dụng lâu dài tại đây. Không ai khác, một trong những người xưa cần được “hỏi ý kiến” trước nhất về kiến tạo Đà Lạt chính là vị kiến trúc sư tài ba này!
Tránh tùy tiện và xấu xí
Là người thiết kế Đà Lạt ở thời kỳ thành phố bắt đầu mở mang lớn, Hébrard chủ trương không thể cấp đất và xây dựng tùy tiện. Thật lý thú, cách đây 99 năm, ông đã viết trong lời mở đầu bản quy hoạch tổng thể như sau: “Thay vì phó mặc việc phân chia và cấp phát đất đai cho số mệnh và ý thích nhất thời của những cá nhân, đồ án của tôi đã tính đến tương lai của thành phố, điều này sẽ giúp tránh được những thay đổi tốn kém về sau”.
Ông còn nêu nguyên tắc “Để tránh sự xấu xí du nhập vào Đà Lạt, các ngôi biệt thự nên dựa trên những sơ đồ do chính quyền cung cấp kèm theo các cam kết là phải thực hiện đúng theo điều đó”. Đọc những dòng này, ta nghe như người xưa đang góp ý kiến thẳng thắn cho những dự án xây sửa đô thị thiếu minh bạch. Và kể cả những công trình kiến trúc dị dạng đang được công luận đặt câu hỏi, không chỉ riêng ở thành phố cao nguyên.
Trong khi đó, theo TS. Jenning, vào một số thời điểm, vẫn có những người điều hành quản trị Đà Lạt không đồng thuận với ý kiến của Hébrard vì nhiều lý do. Nhưng thực tế, từ 1923 cho đến các thập niên sau, Đà Lạt đã được quy hoạch và xây dựng một cách trật tự. Thành phố nghỉ dưỡng theo kiểu Pháp vừa giữ được mục tiêu “tránh xấu xí”, đồng thời vẫn phát huy tính sáng tạo đa dạng – thể hiện qua nhiều dinh thự, biệt thự, phố phường, công viên hay, đẹp.
Kế tục Hébrard, kiến trúc sư Louis Georges Pineau khi chỉ đạo quy hoạch 1932, đã nhấn mạnh nguyên tắc “bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên của Đà Lạt, mở rộng hồ nhân tạo của nó, phát triển những vườn hoa, thiết lập những khu vực phù hợp với địa phương và khí hậu… những không gian mở thuộc đủ mọi loại, dù đó là công viên, khu săn bắn hoặc những khu vực bảo tồn”. Phải chăng Hébrard và Pineau đã tiên tri viễn cảnh phải phòng chống một Đà Lạt bê tông hóa, phá hỏng vẻ đẹp thiên nhiên và môi trường đặc sắc của thành phố?
- Xem thêm: Đất không còn phúc lành
Sử gia Jenning thuật lại một lời khen của báo L’Asie Nouvelle năm 1937, thể hiện niềm tự hào của những người thụ hưởng Đà Lạt, như sau: “Ở Đà Lạt quyết tâm của người Pháp đã tạo ra một thành phố tao nhã và hài hòa, phát triển theo đúng cái cách thức đã biến nó thành một tiểu thiên đường thật sự”. Tờ báo còn đưa ra một lời khuyên rất ý nghĩa với Đà Lạt ngày nay: “Khi thiết kế thành phố chúng ta cần tránh những tòa nhà phô trương và vô duyên!”. Thật đau lòng, nếu những ý kiến tâm huyết và rất căn bản về quy hoạch và kiến trúc của cả người xưa và người nay trên đây, đều bị bỏ quên hay gạt bỏ sỗ sàng!
Tách biệt thư nhàn và mua sắm
Sách Đà Lạt – bản đồ sáng lập thành phố cung cấp đầy đủ các bản đồ quy hoạch Đà Lạt vào các năm khởi đầu cho đến thời kỳ thăng hoa. Qua đấy, chúng ta thấy người xưa đầu tư công sức lớn lao để xây dựng Đà Lạt từ một thị trấn đìu hiu trên cao nguyên, chuyển thành một thành phố nghỉ dưỡng hiện đại và hài hòa với thiên nhiên. Các kiến trúc sư và chính quyền từ trung ương đến địa phương hoàn toàn không coi Đà Lạt là một đô hội tấp nập mua sắm cho người địa phương và du khách.
Khi phác thảo quy hoạch khởi thủy của Đà Lạt – 1906, Paul Champoudry – thị trưởng đầu tiên, nguyên ủy viên hội đồng thành phố Paris, đã có quan niệm rõ ràng về tách biệt khu vực thương mại với nghỉ dưỡng. Ông cho lập khu chợ ở giao điểm các con đường trung tâm thành phố, nhìn ra một quảng trường công cộng. Khu chợ nằm riêng rẽ với các khu hành chính, khu bưu điện và xe lửa cùng các điểm nghỉ dưỡng.
Tiếp sau Champoudry, theo giáo sư Wright, vào thập niên 1920, kiến trúc sư Hébrard là người đầu tiên thiết kế những vườn hoa, đường đi bộ dễ thương quanh hồ. Và những đoạn đường cong mà theo đó mọc lên các biệt thự xinh đẹp, cũng như nhiều tiện nghi nghỉ dưỡng. Kế tục người đi trước, Pineau – người thiết kế Đà Lạt vào thời kỳ vàng son 1930, không bị quyến rũ bởi trào lưu xây dựng những thành phố tân kỳ, to lớn. Ông cho rằng các đô thị phải đi theo hướng bảo tồn thiên nhiên, thôn dã thì mới phục vụ nhân sinh tốt nhất.
Sử gia Jenning có duyên tìm được tài liệu lưu trữ ở Thụy Sĩ cho thấy Pineau từng giới thiệu đồ án phát triển Đà Lạt tại Đại hội quốc tế Kiến trúc hiện đại – CIAM, ở Athens năm 1933. Tại đây, đồ án của ông được trưng bày ngang hàng với các đồ án Detroit, Budapest, Amsterdam… trong hạng mục thành phố nghỉ dưỡng – thư nhàn. Pineau trình bày Đà Lạt như một đô thị kiểu mẫu – một green city – đô thị xanh, vốn dĩ vẫn đang là mô hình thời thượng của thế kỷ XXI. Theo Pineau, thành phố thư nhàn phải được quy hoạch sao cho những hoạt động hàng ngày của một người cũng như gia đình, đều có thể tiến hành một cách ít thời gian nhất! Và ông đã cố gắng áp dụng mô hình này cho Đà Lạt.
Vào thời điểm Chiến tranh Thế giới thứ hai, Đà Lạt được dự kiến trở thành thủ phủ của Liên bang Đông Dương vì những yêu cầu chính trị nhất định. Tuy nhiên, kiến trúc sư Lagisquet – người nhận nhiệm vụ thiết kế mở rộng Đà Lạt vẫn không quên bảo tồn và tăng cường tính độc đáo của một thành phố nghỉ dưỡng, bên cạnh việc xây mới những công trình lớn của một trung tâm đầu não.
- Xem thêm: Thế giới hoang dã mới
Theo các bản đồ quy hoạch và bản vẽ phối cảnh, Đà Lạt vẫn là một thành phố bên hồ chứ không xây cất nhà cửa bao vây quanh hồ. Khu vực trung tâm với cảnh quan đồi Cù thơ mộng và những ngôi nhà thấp tầng, hầu như không thay đổi. Đồi Dinh với Tòa thị chính bên trên vẫn được giữ nguyên. Trong không gian giữa đồi Dinh với khu chợ Hòa Bình – thuở ấy gọi là “chợ An Nam”, không thêm công trình xây dựng nào khác. Gần đấy, sẽ có rạp chiếu phim. Còn các khách sạn mới sẽ được đặt quanh nhà thờ Con Gà, từ đấy liên thông với khu thương mại của người Âu.
Một trung tâm văn hóa và thư viện sẽ mọc lên ở khu vực tiếp giáp mặt sau của khách sạn Palace. Duy nhất, có một công trình tân kỳ với quy mô đồ sộ hơn hẳn khách sạn Palace là tòa nhà Casino. Tòa nhà kiểu hiện đại này dự kiến xây dựng ở phía cuối hồ Xuân Hương, gần cửa ngõ đường ra ga xe lửa. Phía sau công trình là ngôi trường Yersin có chiếc tháp cao vút uy nghi. Để giữ được cảnh quan hài hòa với kiến trúc tuyệt đẹp ấy, Lagisquet cho duy trì một rừng cây ngăn cách với tòa nhà Casino. Ngoài các công sở nhà nước cấp liên bang và địa phương, quy hoạch 1943 còn đưa vào Đà Lạt nhiều trường học và các trung tâm huấn luyện thanh niên trên các đồi cao. Đó chính là cơ sở để Đà Lạt vào những thập niên sau đó không chỉ là nơi phát triển các dịch vụ du lịch mà còn thu hút các cơ sở giáo dục phục vụ cả miền Nam.
***
Tầm nhìn của các thế hệ trước về một Đà Lạt xanh, khoáng đạt và quy củ, không cần đến những công trình son phấn hoa mỹ, phải chăng không còn hợp với thời nay? Chắc chắn một đô thị Đà Lạt lô nhô cao tầng, dồn nén dân cư, với đủ kiểu trung tâm thương mại và hội nghị mỹ miều, không phải là điều người xưa và cả người nay mong muốn. Ở góc độ nhân sinh cũng như kinh doanh, thế mạnh và mục tiêu thương mại của Đà Lạt chính là cung cấp những sản phẩm tinh chất không đâu có. Đấy chính là khí hậu và môi trường trong lành của vùng cao, quy mô đô thị vừa phải và xinh đẹp, kiểu dáng kiến trúc mang chất Pháp duyên dáng. Thêm nữa, một phong cách văn hóa vừa Việt Nam vừa quốc tế.
Những “đặc sản” ấy các nơi khác của Việt Nam và Đông Nam Á không dễ có. Do vậy, đừng để mất hồn cốt Đà Lạt vì tùy tiện và phô trương!