Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới nhưPakistan,Bangladesh, Ấn Độ… và nhiều quốc gia châu Phi cũng đang phát triển mạnh nghề nuôi cá rô phi. Tại Trung Quốc, cá rô phi chiếm vị trí quan trọng trong ngành thủy sản với sản lượng mỗi năm đạt hơn 1,3 triệu tấn, chiếm khoảng 45% tổng sản lượng cá rô phi toàn cầu vào năm 2008. Tuy nhiên, trong năm năm liên tục gần đây, lượng cá rô phi xuất khẩu của Trung Quốc liên tục giảm sút do giá thành sản xuất tăng và nhu cầu tiêu thụ cá rô phi ở thị trường nội địa cũng tăng nhanh. Những năm qua, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ tại Trung Quốc dẫn đến nhu cầu tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn ngày càng lớn, theo dự báo của nhiều chuyên gia ngành kinh tế thủy sản thì trong tương lai gần, lượng cá rô phi của nước này hầu như sẽ chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong nước.
Những ưu thế của nghề nuôi cá rô phi tại Việt Nam
Cá rô phi có thể sinh trưởng và phát triển tốt ở các thủy vực nước ngọt, nước lợ và cả nước mặn với nhiều hình thức nuôi như: nuôi trong ao đất, trong lồng bè, nuôi ghép với nhiều đối tượng khác… Ở ViệtNamcó nhiều diện tích đất đai, vùng cửa sông, các sông, hồ chứa có điều kiện thích hợp để phát triển loài cá này, nhất là nuôi theo hình thức tập trung, thâm canh năng suất cao phục vụ cho xuất khẩu. Công nghệ sản xuất giống cá rô phi đơn tính đực (loại cho năng suất cao nhất) ở nước ta cũng đã làm được và thành công với tỷ lệ đực khá cao như: công nghệ sử dụng hormone, lai xa khác loài mà vẫn đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Mỹ. Các kỹ thuật nuôi, lai tạo cá hiện đại trên thế giới cũng được phổ biến rất nhiều qua internet…
Cá rô phi được nuôi thâm canh sau thời gian 5-6 tháng, với điều kiện chăm sóc và phòng dịch bệnh tốt có thể đạt từ 500 – 800g/con. Thức ăn cho cá rô phi không đòi hỏi hàm lượng đạm cao, chúng sử dụng được hầu hết các loại thức ăn tự nhiên, các mùn bã hữu cơ, các chất thải trong môi trường ao nuôi, do đó khi được nuôi ghép với các loài khác sẽ giúp làm giảm sự ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. Với đặc tính này, gần đây nhiều vùng nuôi tôm ởIndonesiasau khi bị dịch bệnh đã chuyển sang nuôi xen, cứ hai vụ tôm lại đến một vụ cá rô phi và hiệu quả từ việc cắt đứt mầm bệnh ở tôm đã được thấy rõ. Theo ý kiến của Giáo sư Kevin M. Fitzsimmons thì tại Việt Nam hiện nay, nhiều ao, đầm nuôi tôm đang bị bỏ hoang do dịch bệnh có thể cải tạo lại để nuôi cá rô phi một thời gian nhằm dứt mầm bệnh và tạo thêm giá trị mới.
Thu hoạch cá rô phi ở Hải Dương