Bệnh viện Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh vừa công bố hai trường hợp mang thai hộ thành công vào ngày 17-9. Theo BS Trần Ngọc Hải, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp thì BV Từ Dũ đã tiếp nhận 18 trường hợp đăng ký đủ điều kiện để được xét mang thai hộ, trong đó 13 trường hợp hoàn tất hồ sơ theo quy định và đã có tám ca được hội đồng chuyên môn duyệt, bước vào giai đoạn điều trị. Sau khi chuyển phôi, đến nay đã có hai trường hợp thụ thai thành công. Tất cả các bệnh nhân dù đậu thai hay chưa đều còn phôi dự trữ nên vẫn có thể tiến hành thụ tinh ống nghiệm lại nhiều lần.
Niềm vui cho các cặp vợ chồng hiếm muộn
Trường hợp thứ nhất là cặp vợ chồng hiếm muộn, ngụ tại tỉnh Khánh Hòa, đã kết hôn bốn năm. Chị vợ 28 tuổi, bị khiếm khuyết về cơ quan sinh sản (không có cổ tử cung, tử cung nhi hóa – tử cung không phát triển lớn lên được mà chỉ như của một bé gái) nên không thể mang thai bình thường. Người nhận mang thai hộ cho cặp vợ chồng này là chị em con cô con cậu, 33 tuổi. Hiện người mang thai hộ đã đậu song thai được bảy tuần.
Trường hợp thứ hai là một phụ nữở Bà Rịa – Vũng Tàu 31 tuổi, cũng mắc chứng tử cung nhi hóa. Chị này đã kết hôn bảy năm và từng điều trị tại BV Từ Dũ sáu lần không thành công. Khi nghị định mang thai hộ có hiệu lực, chị nộp hồ sơ và nhờ một người em họ 27 tuổi mang thai hộ. Hiện người mang thai hộ cho cặp vợ chồng này đã mang thai được hơn năm tuần.
Trước đây, BV Từ Dũ đã có ca thực hiện kỹ thuật mang thai hộ nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Trường hợp này là một nữ Việt kiều 44 tuổi bị hội chứng suy thận (bệnh lý nội khoa không thể mang thai) nhiều lần chữa trị vô sinh, thụ tinh trong ống nghiệm tại Mỹ và Việt Nam đều thất bại. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn còn nhiều trứng và phôi, có thể làm lại kỹ thuật mang thai hộ vào lần sau…
BV Từ Dũ là một trong ba đơn vị trên toàn quốc (hai đơn vị còn lại là BV Phụ sản Trung ương và BV Phụ sản Trung ương Huế) được thí điểm thực hiện kỹ thuật trên. Theo đó, bác sĩ sẽ lấy trứng của mẹ (hoặc của người hiến tặng trứng) và tinh trùng của người cha để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó chuyển phôi cho một phụ nữ khác nhờ mang thai hộ. Đứa trẻ sinh ra vẫn mang gen di truyền, nhóm máu của cha hoặc mẹ chứ không phải của người mang thai hộ. Theo đánh giá, kỹ thuật này đã phát triển tại BV Từ Dũ từ rất lâu với tỷ lệ thành công khoảng 45%, cao hơn so với nhiều nước trong khu vực.
Pháp luật Việt Nam đã cho phép việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện. Người mang thai hộ phải là họ hàng với vợ hoặc chồng, đã có con, được xác nhận đủ điều kiện của tổ chức y tế và chỉ được mang thai hộ một lần. Trường hợp người mang thai hộ đã có gia đình thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.
Vẫn còn không ít khó khăn về mặt pháp lý
Xung quanh vấn đề mang thai hộ, hiện vẫn còn không ít người ngộ nhận. TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết cho biết, không ít người đã liên hệ với BV nhờ tư vấn mang thai hộ, trong đó có cả các cặp vợ chồng hiếm muộn mới thụ tinh ống nghiệm thất bại một lần nhưng vì quá sốt sắng, nóng ruột nên một hai đòi thực hiện việc mang thai hộ. Thậm chí có những cô gái vì muốn giữ gìn vóc dáng, tuổi thanh xuân, sợ sinh nở nên nghĩ rằng có thể nhờ người khác mang thai giúp… Đó là chưa kể không ít ý kiến thắc mắc về việc người đồng tính muốn có con, có thể sử dụng kỹ thuật này hay không. Theo các bác sĩ, về mặt y học có thể thực hiện được, nhưng luật tại Việt Nam không cho phép, bởi quy định nêu rõ phải là trứng của vợ và tinh trùng của chồng.
Cần hiểu rằng không phải trường hợp nào không muốn mang thai đều có thể tìm người mang thai hộ, mà phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo chỉ được thực hiện khi có xác nhận của tổ chức y tế về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Những trường hợp được chỉ định bao gồm phụ nữ không có tử cung hoặc dị dạng tử cung bẩm sinh không thể mang thai hay bị cắt tử cung. Phụ nữ mắc các bệnh mà việc mang thai có thểảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và thai nhi như suy tim, suy gan. Người sảy thai nhiều lần, tử cung không thể giữ thai đến đủ tháng và thất bại nhiều lần với kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Luật cũng quy định vợ chồng chỉ được nhờ mang thai hộ khi không có con chung…
Theo đánh giá chung, vấn đề phức tạp nhất là xác nhận quan hệ của người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ. Mang thai hộ là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ bao gồm anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh chị em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ. Tuy nhiên, để xác định chính xác các mối quan hệ này nhằm tránh những trường hợp trao đổi, mua bán các bác sĩ cho rằng việc xác nhận này vượt quá khả năng của cơ quan y tế.
Theo BS Trần Ngọc Hải, mang thai hộ là một nhu cầu chính đáng của nhiều phụ nữ không có khả năng mang thai do các yếu tố khách quan. Việc thực hiện vẫn có nhiều khó khăn, chủ yếu là về mặt pháp lý. Theo các nhà chuyên môn, việc giao dịch mang thai hộ “chui” nặng tính tiền bạc không những vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phiền phức, chẳng hạn người mang thai sau khi sinh không trả lại con cho người thuê dù đã nhận hết tiền xong hoặc có những tranh chấp, dọa nạt, vòi vĩnh, đòi thêm tiền… của người nhờ mang thai hộ. Tuy nhiên, các khó khăn này đã được giải quyết khi BV Từ Dũ đã ký hợp đồng với văn phòng luật sư của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh.