Cách đây 66 triệu năm, loài khủng long, động vật lớn nhất hành tinh, đã bị xóa sổ trên trái đất. Qua các chứng tích tìm được, các nhà cổ sinh vật học cho rằng loài vật khổng lồ này bị tuyệt chủng do một loạt sự kiện xảy ra liên hoàn: tiểu hành tinh va vào trái đất, núi lửa phun trào, biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về những lần tuyệt chủng lớn trong quá khứ tin rằng chúng thường được liên kết với những thay đổi toàn cầu và phức tạp có mối liên hệ với nhau. Điều này đặt ra câu hỏi về tương lai của loài người khi đối mặt với sự thay đổi khí hậu…
Những con khủng long đã biến mất cách đây khoảng 66 triệu năm
“Tại sao loài khủng long bị tiêu diệt?”. Nơi những nhà cổ sinh vật học và trẻ em yêu thích khủng long, có sự đồng thuận: khoảng 66 năm trước, một tiểu hành tinh có đường kính 10km đã rơi xuống vùng Trung Mỹ ngày nay. Sự va chạm này đã gây ra một đám mây bụi và khói lan rộng vào bầu khí quyển phía trên cản trở ánh mặt trời, làm trái đất lạnh đi và phá hủy tầng ozone bảo vệ sự sống trên trái đất khỏi bức xạ vũ trụ độc hại.
Sự cố này kéo dài trên một thập kỷ, tàn phá thực vật và sinh vật phù du trên trái đất. Sự tàn phá đã nhanh chóng lan tỏa sang chuỗi thức ăn, đầu tiên giết chết những động vật ăn cỏ lớn vì không có đủ thức ăn, rồi đến động vật ăn thịt cũng nhanh chóng rơi vào tình trạng không có thức ăn tương tự.
Một tỷ lệ đáng kinh ngạc của các loài bị tuyệt chủng lúc bấy giờ: 75% trong số chúng đã biến mất, bao gồm cả loài khủng long không phải họ chim (dinosaure non-aviaire). Sự kiện này còn gọi “sự tuyệt chủng các loài động vật và thực vật ở quy mô rộng lớn trong khoảng thời gian ngắn cách nay 66 triệu năm”. Đây là 1 trong 5 sự tuyệt chủng lớn nhất được biết đến trong 500 triệu năm qua.
Một sự kết hợp các sự kiện
Tuy nhiên, những sự kiện kịch tính khác lại trùng hợp với sự biến mất của khủng long. Cũng trong khoảng thời gian đó, ở miển Trung Ấn Độ, một số lượng khổng lồ các núi lửa đả phun ra trên 1 triệu km khối dung nham (lave) trộn với lưu huỳnh và carbone dioxide: sức nóng của magma đã làm thay đổi khí hậu và gây ra mưa axít trên toàn thế giới. Trong khi đó, sự chậm lại trong hoạt động kiến tạo dưới nước (activité tectonique sous-marine) đã đưa mực nước biển dâng cao nhanh chưa từng thấy trong lịch sử trái đất, tàn phá hệ sinh thái ven biển.
Sự kết hợp của các sự kiện này là đề tài tranh luận của nhiều cuộc hội thảo khá sôi nổi để xác định nguyên nhân “thật sự” dẫn đến sự tuyệt chủng của loài khủng long. Hơn nữa, vào những thời kỳ khác, nhiều sự kiện không kém phần kịch tính đã xảy ra mà dường như không gây ra nhiều thiệt hại đến như vậy.
Một sự thay đổi sâu sắc, phức tạp và liên hoàn
Nhiều bằng chứng mới cho thấy tất cả những sự kiện trên có thể đã được kết nối với nhau, và sự tuyệt chủng của loài khủng long không thể được giải thích là do một quá trình đơn giản, trong đó một thảm họa đáng tiếc đột nhiên rơi xuống từ bầu trời trong xanh, và giết chết tất cả trên đường đi của nó. Mà đó là những thay đổi sấu sắc, phức tạp và gắn kết với các hệ thống toàn cầu tạo điều kiện cho sự sống.
Vào cuối thời kỳ Kỷ Phấn (période crétacée), hành tinh của chúng ta đã trải qua sự tái cấu trúc các hệ sinh thái trên cạn, khiến chúng dễ bị tổn thương hơn trước một sự suy sụp thảm khốc. Sự tái cấu trúc này có thể bị thách thức bởi nhiều thay đổi tiến hóa và sinh thái liên quan đến biến đổi khí hậu, bởi sự chiếm ưu thế ngày càng tăng của hệ thực vật có hoa và sự biến động bên trong sự đa dạng và phong phú của một số nhóm khủng long.
Sự phức tạp này cũng không phải là bất thường trong sự tuyệt chủng hàng loạt. Đối với mỗi thảm họa trong số 5 thảm họa thế giới, có thể có nhiều nguyên nhân. Tiểu hành tinh, núi lửa, thay đổi khí hậu, sự trở lạnh, sự ấm lên, sự tiến hóa của các loài mới như thực vật có rễ sâu lần đầu tiên biến đá trần thành đất giàu và thậm chí là ảnh hưởng của các ngôi sao nổ tung.
Tiểu hành tinh, vi sinh vật, núi lửa và mêtan
Sự tuyệt chủng lớn nhất trong các tuyệt chủng, được gọi là tuyệt chủng lớn (grande extinction), dường như thậm chí còn phức tạp hơn. Xảy ra vào cuối thời kỳ Permien-Trias, 250 triệu năm trước, sự kiện này đã giết chết 90% các loài trên trái đất. Và có không dưới 7 sự kiện thảm khốc liên quan đến thời kỳ này trong lịch sử địa chất. Chỉ kể một vài sự kiện: sự tiến hóa của các chủng vi sinh vật mới, tác động của một tiểu hành tinh, và một khu vực hoạt động rộng lớn của núi lửa thuộc vùng Sibérie hiện nay đi vào thời kỳ phun trào trong 1 triệu năm.
Nhưng những thay đổi chính yếu diễn ra trong biển cả. Đáy các đại dương phát tỏa ra một lượng lớn khí mêtan, các dòng hải lưu bị ứ đọng, mực oxy giảm, nồng độ sunfua điôxit tăng cao và gây ra cái chết cho hệ thực vật phù du (phytoplanton) là các vi sinh vật sống lơ lửng trong nước. Chúng ta đặc biệt ngạc nhiên khi biết rằng 10% các loài đã sống sót, hơn là khi nhận ra 90% các loài đã tuyệt chủng!
Thời kỳ bấp bênh của nhân loại
Những điều nói trên đây có ý nghĩa gì đối thời kỳ chúng ta đang sống hiện nay, thường được gọi là sự tuyệt chủng thứ 6? Tại Trung tâm Nghiên cứu các rủi ro có thật, tại Đại học Cambridge, các chuyên gia thường phải đối mặt với vấn đề về các mối đe dọa mới trên toàn cầu và “chưa từng có” trước đây. Một trong số các mối đe dọa đó như nguy cơ liên quan đến vũ khí hạt nhân hay trí thông minh nhân tạo, có thể được ví như các tiểu hành tinh rơi từ trên trời xuống và câu hỏi thường được nêu lên nhất là mối đe dọa nào là đáng lo ngại nhất. Những điều rút ra được từ các nghiên cứu về sự tuyệt chủng hàng loạt trước đây chỉ ra cho chúng ta rằng câu hỏi đặt ra là không đúng cách.
Cuộc sống nhân loại hiện nay bấp bênh hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ. Nó phụ thuộc vào số lượng lớn các hệ thống toàn cầu, từ môi trường cung cấp thức ăn cho chúng ta, nước, không khí sạch và năng lượng, cho đến nền kinh tế cung cấp hàng hóa và dịch vụ toàn cầu tại nơi và thời điểm chúng ta mong muốn.
Dựa vào những kiến thức lịch sử và địa lý của chúng ta, rõ ràng là các hệ thống như thế có thể dễ dàng chuyển từ thời kỳ này sang thời kỳ khác, để nhanh chóng chuyển từ trạng thái ổn định sang trạng thái hỗn loạn, mà đôi khi không thể nào đảo ngược. Các nhà khoa học đã xác định điều này sẽ xảy ra như thế nào trong trường hợp diễn ra hiện tượng như các “tình trạng thay đổi khí hậu bấp bênh” mà các biến đổi khí hậu bắt đầu từ sự tự diễn tiến và không còn là kết quả của hành động của con người, sự sụp đổ của hệ sinh thái và siêu lạm phát, nơi mà các tổ chức kinh tế ổn định trước đây ngưng vận hành và nơi đồng tiền bị mất giá.
Sự thích nghi không chắc chắn của sinh quyển với những thay đổi
Một bài học khác từ những sự kiện trong quá khứ là không có quy luật tự nhiên nào ngăn cản những biến đổi này lan rộng ra toàn cầu hoặc trở thành thảm họa. Đi xa hơn, các hệ thống toàn cầu có thể sụp đổ thành một vòng xoáy chết chóc, nơi mà các thiệt hại của một loài, một hệ sinh thái hay một quá trình môi trường sẽ tạo ra nhiều vấn đề cho những thứ khác, gây ra tác động ngược trở lại khiến cho sự thay đổi tăng tốc và tự nó diễn tiến một cách nguy hiểm không kiềm chế được,
Thật vậy, trong khi thuyết Gaia, thuyết cho rằng nhiệt độ và cấu tạo bề mặt trái đất chịu ảnh hưởng của sự sống trên hành tinh, rất phổ biến, ám thị rằng các hệ thống toàn cầu tác động để thúc đẩy sự ổn định chung của hành tinh chúng ta, không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy sinh quyển điều chỉnh những thay đổi để duy trì cuộc sống phức tạp.
Theo một nghiên cứu gần đây, một trong những lý do khiến sự sống dường như hiếm gặp trên các hành tinh khác là sự xuất hiện của nó hoàn toàn không đảm bảo cho sự phát triển của chính nó. Trên các hành tinh này, sự sống có thể xuất hiện nhưng không phát triển do điều kiện quá khắc nghiệt. Và không phải là không thể một ngày nào đó trái đất sẽ rơi vào tình huống như thế.
Cũng không có lý do gì để các hệ thống mà chúng ta tự nghĩ ra và thiết kế, trở nên bấp bênh, dễ vỡ hơn. Nhiều thể chế do chúng ta đặt ra nhưng lại hoàn toàn thờ ơ với hạnh phúc của con người; miễn là những thể chế này có thể phục vụ những lợi ích tối đa trong ngắn hạn, từ sự tham gia bầu cử và các mục tiêu khác, cuối cùng là vô ích.
Loài chuyên biệt đấu với loài tổng quát
Tất cả những yếu tố này không nhất thiết là tin xấu cho nhân loại. Một số lý thuyết gia cho rằng những hậu quả thảm khốc của sự tuyệt chủng hàng loạt có xu hướng lấn át những “loài chuyên biệt” phù hợp nhất với thời kỳ, và để những “loài tổng quát” linh hoạt nhất tồn tại hoặc thậm chí phát triển ở hình thái mới. Vì vậy, có lẽ chúng ta được an ủi bởi thực tế con người đã tự biểu lộ là chủng loại tổng quát một cách xuất sắc, có thể thích nghi để sinh tồn mà không nhất thiết phải hưng thịnh, đối với mọi môi trường sống trên trái đất, và thậm chí cả trong không gian.
Nhưng chúng ta cũng nên nghĩ về thực tế rằng phần lớn sự linh hoạt này đến từ các công nghệ mà chúng ta đã tạo ra, chứ không phải từ sinh học của chúng ta. Không chỉ chính những công nghệ đó khiến chúng ta luôn thúc đẩy đi xa hơn các hệ thống toàn cầu, mà chúng còn nhanh chóng vượt ra khỏi giới hạn của sự hiểu biết của chúng ta vì chúng tự trở nên phức tạp và tinh vi.
Trên thực tế, việc sử dụng và duy trì những thể chế này từ bây giờ trở đi đòi hỏi kiến thức sâu rộng có thể biến chúng ta thành những cá thể thích nghi tốt nhưng từ bây giờ là một thành phần của loài chuyên biệt. Và điều này thật sự không phải là một tin tốt.