Tối 3.2.2020, một giáo dân thuộc giáo phận Bùi Chu chia sẻ thông tin nhà thờ Bùi Chu bắt đầu tháo dỡ, di dời nội thất, sau đó sẽ “hạ giải” để xây dựng một thánh đường mới “tôn nghiêm, khang trang hơn” trên nền đất Đạo Bùi Chu.
Cảm nhận những ngày sắp chia tay Bùi Chu cũng đau xót như lần chia tay nhà thờ Trà Cổ. Những tưởng sau Trà Cổ, Trung Lao, sẽ không còn ngôi thánh đường cổ nào bị phá dỡ. Nghĩ về Bùi Chu thấy thắt lòng!
Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia dù còn non trẻ hay già cỗi, đều luôn trân trọng bản sắc của quốc gia mình. Sự trân trọng đó lý giải cho mọi hành động của họ: bảo lưu văn hóa truyền thống, bảo tồn giá trị lịch sử, lưu truyền một cách đầy đủ nhất, xác thực nhất những gì của cha ông họ cho thế hệ tương lai. Thậm chí khi chiến tranh hay thiên tai, hỏa hoạn xảy ra, những gì còn sót lại người ta vẫn tiếp tục giữ. Họ không giữ cho họ mà giữ gìn cho mai sau. Đó là trách nhiệm và đó cũng là niềm tự hào. Còn chúng ta, chúng ta nợ con cháu mình quá nhiều! Những công trình được xây dựng từ thời kỳ đầu của một vùng đất, đã từng được ông cha dày công vun đắp, giữ gìn. Qua bao thiên tai nó đứng vững, qua bao bom đạn, nó vẫn an toàn. Vậy mà nay nó sẽ bị phá đi chỉ vì “nhu cầu thay đổi”.
Biết bao bài học về trùng tu, bảo tồn trên thế giới mà chúng ta đã biết: từng mảnh vụn di tích, phế tích còn được trân trọng giữ gìn. Bao nhiêu kinh nghiệm trùng tu với kỹ thuật mới để khiến một di tích, di sản trở nên kiên cố hơn… Chỉ có điều các bài học đó không thấm được vào những người có trách nhiệm nhưng không chịu mở lòng.
Chúng ta đã là thành viên của Công ước quốc tế về di sản, có Luật Di sản gần 20 năm, nhưng cũng chính tại nơi này, vùng đất Nam Định giàu di sản nhất này, với công trình quan trọng, xứng đáng là di sản quốc gia này ta không thể giữ được…. Chúng ta đã không thực hiện được cam kết quốc tế!
Trong sắc lệnh 65/SL ngày 23.11.1945 về việc bảo vệ di sản tránh bị xâm hại, thời điểm đó, đất nước còn non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ: “Nghiêm cấm việc phá hủy những đình chùa, đền miếu hoặc nơi thờ tự khác, những cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bi ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không, có ích cho lịch sử, nhưng chưa được bảo tồn”.
Và lời nói cách đây hơn một năm của Thủ tướng, ngày 27.7.2018: “Di sản là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước ta hoặc là kết tinh lao động sáng tạo mà ông cha ta từ đời này qua đời khác đã dày công tạo dựng. Chúng ta phải quán triệt tinh thần: Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được. Tuyệt đối không phá hủy, làm hỏng hay hy sinh di sản vì bất kỳ lý do gì để phục vụ phát triển. Để mất di sản, dù là một phần, chính là bắn súng vào quá khứ, đánh mất bản sắc dân tộc”.
Các cam kết và các văn bản trên không đủ làm chúng ta tỉnh táo khi đứng trước di sản Bùi Chu?
Nếu ngày hôm nay, nhà thờ chính tòa Bùi Chu, một công trình có giá trị lịch sử, nghệ thuật kiến trúc bị phá bỏ – mà người ta đang dùng từ “hạ giải” – thì thời điểm này sẽ đánh dấu bắt đầu một thời kỳ mà hàng loạt công trình tôn giáo (và công giáo nói riêng) bị đập phá.
“Hạ giải” là từ chuyên môn để mô tả một công đoạn trùng tu, đó là việc tháo cấu kiện xuống, trùng tu rồi lắp dựng trả lại nguyên bản. Nhà thờ chính tòa Bùi Chu sử dụng phương án đưa cấu kiện mới (cột gỗ làm mới, vì kèo gỗ mới) và bỏ hoàn toàn nhà thờ cũ nên không thể dùng từ “hạ giải” trong trường hợp này!
Nếu cho rằng ta đang “xây dựng một thánh đường mới “tôn nghiêm, khang trang hơn” trên nền đất Đạo Bùi Chu” thì quả là sai lầm vì ngay khi đập phá thánh đường cổ 134 tuổi (khi nó hoàn toàn có khả năng trùng tu, với kỹ thuật hiện nay không thiếu những trường hợp bảo tồn khó hơn rất nhiều, thế giới đã làm được), ta đã phá hủy linh hồn của một không gian văn hóa lịch sử.
Việc quá coi trọng vật chất, muốn xây mới nhà thờ hiện nay đang trở thành “trào lưu” phá cổ, xây mới, tạo ra những công trình “to tướng” nhưng với tỷ lệ, ngôn ngữ “ngây ngô” đến đáng thương. Nguyên nhân là do những người có quyền quyết định số phận công trình mải mê nghĩ đến sự “đồ sộ” mà không để tâm tìm hiểu, hoặc không thể hiểu được giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử trong bối cảnh xưa mà truyền tải lại. Có lẽ sự sụp đổ của nhà thờ Bùi Chu là hệ quả của cả một quá trình tư duy quá sùng bái về vật chất, quá sơ sài về tinh thần. Kết quả của chuỗi nhận thức bị biến đổi dần này là hành động đánh sập ngôi thánh đường ông cha để lại.
“Nhận thức” quyết định “ý thức”, “ý thức” quyết định “hành vi”. “Hành vi” phá hoại di sản được quyết định bởi “ý thức”. Khi không nhận thức được giá trị của một di tích trên địa phương mình, người ta sẽ liên tục có các hành vi phá di tích. Sự lệch chuẩn nhận thức về giá trị di sản chính là mối họa lớn nhất đối với công tác bảo tồn.
Giá trị cốt lõi của mỗi địa phương là bản sắc, là văn hóa, là nền tảng lịch sử, là sự thật tồn tại trong quá khứ mà ta không thể tùy tiện phá đi, tùy tiện làm mới theo cách ta đang nghĩ. Ta không thể biện minh!
Khi không muốn, người ta tìm lý do. Khi muốn, sẽ tìm ra giải pháp.