Nhà thờ Bùi Chu cổ đã đứng vững trong hơn một thế kỷ ở nơi thời tiết khắc nghiệt mà không cần sửa chữa lớn…
Vào ngày 2-3-2020, nhà thờ cổ Bùi Chu có thể bị phá dỡ bởi chính những cha xứ được giao nhiệm vụ chăm sóc nó. Điều này sẽ dẫn đến một sự mất mát không thể sửa chữa cho Việt Nam, cho thế giới và cho chính Giáo hội Công giáo. Thật vậy, ngôi thánh đường Bùi Chu cổ kính là hiện thân của sự giao thoa tuyệt vời giữa văn hóa, lịch sử và kiến trúc.
Về mặt văn hóa, Bùi Chu là cái nôi của Công giáo ở Việt Nam, là nơi các nhà truyền giáo phương Tây đầu tiên đã đến vào thế kỷ 16. Nhiều người trong số các nhà truyền giáo đã đến Việt Nam thuộc Dòng Tên, một thiết chế tập trung mạnh mẽ vào kiến thức, đã tạo ra chữ Quốc ngữ đang được sử dụng hiện nay.
Bùi Chu cũng đã đi qua những thăng trầm khó khăn của lịch sử đất nước, đặc biệt là vào thời kỳ độc lập. Nhưng những vết thương đã được chữa lành theo thời gian, và ngày nay giáo dân ở đây đang phát triển thịnh vượng nhờ sự phát triển kinh tế thành công của Việt Nam.
Cuối cùng, về kiến trúc, Bùi Chu nổi bật như một công trình đặc biệt trong số nhiều nhà thờ ở miền đông bắc của đất nước. Bất thường hiếm thấy ở Việt Nam, nhà thờ này được thiết kế theo phong cách Baroque (Ba rốc), với vòm trần thực sự đẹp lạ thường.
Ở các quốc gia khác, không nghi ngờ rằng nhà thờ Bùi Chu cổ cần được bảo tồn cho các thế hệ tương lai. Theo UNESCO, một địa điểm phải đáp ứng ít nhất một trong mười tiêu chí để được đưa vào Danh sách Di sản Thế giới. Tôi cho rằng Bùi Chu đáp ứng không chỉ một mà là ba trong số mười tiêu chí mà UNESCO đưa ra! Đó là một bằng chứng đặc biệt cho truyền thống văn hóa (tiêu chí III), nó liên quan trực tiếp đến các sự kiện có ý nghĩa lịch sử (tiêu chí VI), và nó là một ví dụ nổi bật về một loại công trình minh họa một giai đoạn quan trọng trong lịch sử (tiêu chí IV).
Tất nhiên có một sự biện hộ chính đáng cho việc xây dựng một nhà thờ mới. Nhà thờ Bùi Chu cổ đã đứng vững trong hơn một thế kỷ ở nơi thời tiết khắc nghiệt mà không cần sửa chữa lớn. Nguy cơ mảnh vỡ có thể rơi xuống từ trần nhà và gây nguy hiểm cho giáo dân là có thật. Các cha xứ đúng khi lo lắng về nguy cơ này. Nhưng tại sao phá hủy ngôi thánh đường cổ kính?
Một lời biện minh được đưa ra cho quyết định này là Bùi Chu được xây dựng bằng vật liệu kém bền vững của địa phương, không phải bằng đá như các nhà thờ cổ ở châu Âu. Tuy nhiên, nhiều di sản thế giới của UNESCO cũng được xây dựng bằng vật liệu địa phương, từ phế tích La Mã bằng gạch ở Ý đến các nhà thờ thời trung cổ bằng gỗ ở Na Uy. Chỉ cần nhắc đến Thánh địa Mỹ Sơn của Việt Nam (một di sản thế giới khác của UNESCO) là đủ để loại bỏ lập luận này.
Một lời giải thích thường được nghe khác là việc phá hủy đồng nghĩa với việc cải tạo và nâng cấp nhà thờ cổ. Đúng là hình dáng bên ngoài của nhà thờ mới sẽ tương tự nhà thờ cũ. Nhưng quy mô và vật liệu sẽ khác nhau. Quan trọng nhất, trần Baroque đẹp kinh ngạc của nhà thờ Bùi Chu, với chuỗi các vòm nhấp nhô duyên dáng, sẽ được thay thế bằng những bộ vì kèo gỗ giống như ở chùa. Là một người vô thần, tôi ngưỡng mộ kiến trúc của cả chùa và nhà thờ… nhưng rõ ràng chúng không giống nhau!
Sự biện hộ chính đáng duy nhất cho việc phá hủy nhà thờ Bùi Chu là để đảm bảo sẽ có đủ không gian cho lượng lớn giáo dân hiện đang tham dự các thánh lễ vào những dịp lễ Công giáo quan trọng. Trong một vài cuộc gặp gỡ giữa tôi và các cha xứ ở Bùi Chu, họ giải thích với tôi rằng họ hiện có khoảng 20.000 m2 đất, trong đó khu vực nhà thờ cổ chiếm 6.000 m2 (hình đầu tiên). Nhà thờ mới sẽ cần khoảng 10.000 m2 đất. Nếu họ phá hủy nhà thờ cũ, họ còn lại khoảng 10.000 m2 không gian ngoài trời cho các cuộc tụ họp và lễ rước tôn giáo lớn (hình thứ hai). Nhưng họ sẽ có rất ít không gian còn lại nếu họ giữ nhà thờ cũ.
Tôi tin tưởng rằng các nhà tài trợ quốc tế sẽ sẵn sàng đóng góp nguồn lực và chuyên môn. Tôi cũng lạc quan rằng nhiều người Việt Nam giàu có quan tâm đến di sản đất nước mình, cả ở trong và ngoài nước, sẽ sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực bảo tồn nhà thờ.
Một cách để giải quyết mối lo lắng chính đáng này là cấp đất mới cho nhà thờ ở cánh đồng lúa liền kề thuộc xã Xuân Hồng (hình thứ ba). Tôi đã đến thăm cánh đồng lúa này, rộng khoảng 10.000 m2, cùng với những cha xứ. Nếu có giấy phép đặc biệt để xây dựng nhà thờ mới ở đó, có thể giữ lại ngôi thánh đường cổ và vẫn còn 14.000 m2 đất cho không gian ngoài trời phục vụ giáo dân trong các lễ quan trọng (hình thứ ba).
Các cha xứ ở Bùi Chu biết rõ rằng tôi đã cung kính liên hệ với các lãnh đạo chính phủ về sự lựa chọn khả thi này. Tôi đã rất hài lòng vì cuối năm ngoái, tỉnh Nam Định đã tán thành đề xuất cấp giấy phép xây dựng cho nhà thờ mới trên mảnh đất mới. Và kể từ đó tôi đã tích cực cố gắng huy động sự hỗ trợ cho đề xuất này. Điều đáng lo ngại là các cha xứ không sẵn lòng chờ đợi một quyết định chính thức. Nhà thờ Bùi Chu năm nay đã 135 tuổi và việc trì hoãn thêm vài tháng nữa sẽ không tạo ra sự khác biệt lớn.
Ngay cả khi đệ trình của tỉnh Nam Định không bao giờ được chấp thuận, vẫn có một giải pháp khác. Những người bạn của Bùi Chu có thể mua mảnh đất nông nghiệp bên cạnh nhà thờ, sắp xếp nó thành quảng trường thật đẹp để đón lượng lớn giáo dân trong các lễ Công giáo quan trọng. Nhà thờ mới có thể được xây dựng trên mảnh đất còn lại mà nhà thờ đang có dưới quyền hạn của nhà thờ Công giáo, mà không cần thiết chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Và ngôi thánh đường cổ sẽ được cứu (hình thứ tư).
Trong một cuộc gặp gỡ với các cha xứ, cá nhân tôi đã cam kết trao tặng số tiền cần thiết để mua được mảnh đất nông nghiệp bên cạnh Bùi Chu ở xã Xuân Hồng. Bằng cách này, tôi cũng cam kết giúp huy động 2 đến 3 triệu đô la cần thiết cho việc cải tạo tôn kính nhà thờ cổ Bùi Chu. Tôi tin tưởng rằng các nhà tài trợ quốc tế sẽ sẵn sàng đóng góp nguồn lực và chuyên môn. Tôi cũng lạc quan rằng nhiều người Việt Nam giàu có quan tâm đến di sản đất nước mình, cả ở trong và ngoài nước, sẽ sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực bảo tồn nhà thờ.
Cứu nhà thờ cổ Bùi Chu bằng cách cho phép xây dựng nhà thờ mới và chào đón số lượng lớn giáo dân là hoàn toàn khả thi. Các thế hệ tương lai sẽ mãi mãi biết ơn những cha xứ nếu họ đưa ra quyết định giác ngộ trong những ngày tới.
(*) Tác giả bài viết là chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại khu vực châu Mỹ Latinh và Caribbean và là giám đốc dự án của Trung tâm Phát triển đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam. Các quan điểm trong bài viết này hoàn toàn là quan điểm cá nhân.