Năm 2010, mô hình quản lý kiểu chữ T được Morten T. Hansen giới thiệu trên tạp chí SHRM. Trong bài viết của mình, ông đã giới thiệu ngắn gọn về kiểu quản lý này qua một trường hợp cụ thể.
David Nagel – Phó giám đốc điều hành chi nhánh tại Mỹ của Công ty BP là một ví dụ điển hình về nhà quản lý kiểu chữ T. Ngoài việc chịu trách nhiệm về bán hàng, lợi nhuận, chi phí và sử dụng vốn của công ty tại chi nhánh, ông còn được yêu cầu phải đóng góp cho công ty bằng cách giúp đỡ các đơn vị khác hoạt động tốt hơn hoặc nêu ra yêu cầu tìm kiếm sự giúp đỡ và cộng tác của các đơn vị khác trong các dự án của công ty.
Trong một năm, Nagel và nhóm của ông đã hỗ trợ được 20 đơn vị khác theo cách thức như vậy. Để đảm bảo sự hợp tác không cản trở đến hiệu quả hoạt động của đơn vị mình, ông phải quản lý tốt thời gian của bản thân, phân quyền cho cấp dưới và biết từ chối các hoạt động có liên quan đến nhiều đơn vị nhưng đang gặp phải những vấn đề khác với chuyên môn mà ông có thế mạnh.
- Xem thêm: Phong cách quản lý kiểu Anh
Một nhà quản trị kiểu chữ T có thể thực hiện xuất sắc công việc của đơn vị mình (theo trục dọc của chữ T) và có các hoạt động đóng góp cho toàn công ty (nhánh chiều ngang của chữ T) như David Nagel rõ ràng làm được nhiều việc cho tổ chức hơn so với các “ngôi sao cô đơn” vốn chỉ sáng chói ở chính công việc của họ, không đóng góp được cho toàn doanh nghiệp (thiếu mất nhánh ngang của chữ T). Từ đó, tác giả Morten T. Hansen nêu ra bốn yếu tố giúp người quản lý kiểu chữ T thành công, đó là:
- Có niềm tin và thái độ đúng đối với cả hai trách nhiệm (quản lý đơn vị của mình và đóng góp cho các đơn vị khác) và biết nhìn công việc của đơn vị khác từ nhiều góc nhìn khác nhau.
- Có chuyên môn sâu và hiểu biết thấu đáo lĩnh vực của mình (theo trục dọc của chữ T).
- Có hiểu biết về nhiều lĩnh vực khác, chẳng hạn nếu là chuyên gia trong lĩnh vực phát triển sản phẩm thì cũng phải biết về marketing và bán hàng. Nếu thiếu kiến thức chuyên môn trong các lĩnh vực đang cần sự hợp tác thì chính các quan hệ cộng tác là cầu nối để những người trong cuộc tận dụng kiến thức chuyên môn của nhau. Các kiến thức thuộc lĩnh vực khác sẽ từng bước hình thành bề rộng về chuyên môn cho nhà quản trị (tức là tăng độ cứng vững của nhánh ngang chữ T).
- Tạo được một mạng lưới quan hệ cần thiết. Xây dựng được các mối quan hệ mật thiết với đồng nghiệp và với cả những người có trình độ cao có cùng mối quan tâm ở ngoài công ty. Yếu tố này giúp nhà quản trị kiểu chữ T dễ dàng có được sự hỗ trợ của nhiều người tài mà không cần dùng đến quyền lực hoặc tác động tài chính.
- Xem thêm: Những điều làm nên nhà quản trị hiệu quả
Trong nhiều thập niên qua, không ít nhà quản trị được đánh giá cao khi quản lý tốt đơn vị của mình mà thước đo là hiệu quả kinh doanh của đơn vị đó. Khi các doanh nghiệp mở rộng quy mô, có chân rết ở nhiều địa bàn khác nhau, cả trong và ngoài nước thì mô hình nhà quản trị kiểu chữ T càng trở nên cần thiết. Đó cũng chính là hình ảnh của các vị CEO trong tương lai không xa của các tập đoàn hiện nay.