Làm thế nào để tạo ra tầm ảnh hưởng lớn hơn trong tổ chức là một thách thức đối với bộ phận nhân sự ở các doanh nghiệp hiện nay. Bộ phận tiếp thị cũng đã từng gặp phải những khó khăn tương tự và trong hơn một thập niên qua, các chuyên gia trong lĩnh vực này đã khẳng định được vai trò chiến lược của họ trong tổ chức, đồng thời tạo được những ảnh hưởng quan trọng về mặt tài chính.
Theo Andy Philpott – Giám đốc kinh doanh và tiếp thị của Edenred – một tổ chức chuyên cung cấp các giải pháp về phúc lợi và khen thưởng cho nhân viên, quản lý chi phí, truyền thông (địa chỉ trang web tại http://www.edenred.co.uk/), bộ phận nhân sự có thể áp dụng cách làm của bộ phận tiếp thị trong quản lý và xây dựng quan hệ với nhân viên ở những khía cạnh dưới đây.
Hiểu biết khách hàng qua các dữ liệu
Các cơ sở dữ liệu về giới tiêu dùng đã tạo ra một tác động lớn, cho phép các chuyên gia tiếp thị hiểu sâu hơn và dự đoán được các nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng. Philpott cho rằng bộ phận nhân sự hoàn toàn có thể vận dụng cách làm này bằng việc ứng dụng kỹ thuật phân tích dữ liệu vào các quyết định liên quan đến đánh giá nhân sự và quản lý nhân tài.
- Xem thêm: Hôm nay bạn học hỏi được điều gì mới?
Gần gũi khách hàng
Một xu hướng lớn khác trong lĩnh vực tiếp thị trong mười năm qua là các doanh nghiệp quan tâm thu thập các ý kiến phản hồi của khách hàng và tìm cách gần gũi hơn với khách hàng. Cách làm quen thuộc của họ là khảo sát các nhóm khách hàng, thường xuyên trực tiếp thăm hỏi khách hàng, tổ chức diễn đàn trực tuyến, cung cấp các bản tin điện tử…
Bộ phận nhân sự tuy không có đủ điều kiện và nguồn lực để tổ chức các hoạt động nhằm mục đích gắn bó với khách hàng như bộ phận tiếp thị nhưng người phụ trách nhân sự phải nhận thức được tầm quan trọng của việc nắm bắt tâm lý, tư tưởng của đội ngũ nhân viên trong các hoàn cảnh khác nhau và nên đưa vào kế hoạch hoạt động của bộ phận một vài chương trình thu thập ý kiến phản hồi của đội ngũ nhân viên.
Luôn thay đổi theo thị trường
Các nhà làm tiếp thị nhận thức rằng việc đầu tư cho công nghệ và phát triển sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu không ngừng thay đổi của thị trường sẽ tạo ra cho doanh nghiệp ưu thế trong cạnh tranh, giúp cho thương hiệu của doanh nghiệp hấp dẫn khách hàng hơn.
Từ góc độ ấy, các chuyên gia nhân sự cũng có thể chủ động tạo ra sự thay đổi trong chế độ quản lý nhân sự bằng việc vận dụng các ý tưởng mới, phương pháp mới, chứ không thụ động ứng phó trước đòi hỏi chính đáng của đội ngũ nhân viên.
Chăm sóc đến từng cá nhân
Truyền thông xã hội và các kênh giao tiếp trực tuyến đã làm thay đổi cách doanh nghiệp tương tác với khách hàng. Các nhà làm tiếp thị đã nhận thức được tác dụng của những lời nhận xét, đánh giá về sản phẩm và dịch vụ mà khách hàng chia sẻ trong cộng đồng trực tuyến của họ, nhất là tầm quan trọng của việc cá nhân hóa trong tương tác với khách hàng nhằm thúc đẩy việc bán hàng.
Theo Philpott, bộ phận nhân sự cũng đang có nhiều cơ hội để chăm sóc đội ngũ nhân viên tốt hơn thông qua các kênh truyền thông mang tính tương tác cao hoặc các biện pháp cụ thể nhằm cải thiện môi trường làm việc và đời sống cho từng nhóm nhân viên hoặc cá nhân mỗi người.
Ngôn ngữ trong tiếp thị đang chuyển từ dạng “một đến tất cả” (một thông điệp duy nhất dành cho đông đảo khách hàng) sang dạng “một đến một” nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều khách hàng muốn được đối xử như một cá nhân đặc biệt.
Khách hàng hiện nay muốn nhận được những thông điệp thật sự có liên quan đến họ qua kênh truyền thông mà họ yêu thích vào thời điểm phù hợp nhất.
Những doanh nghiệp làm tốt cách truyền thông hay giao tiếp “một đến một” sẽ có khả năng thu phục, gắn kết và giữ lại được nhiều khách hàng. Philpott cho rằng điều đó cũng hoàn toàn có thể được bộ phận nhân sự áp dụng cho trong việc truyền thông, giao tiếp với đội ngũ nhân viên trong doanh nghiệp.