“Tết ngày càng nhạt” là câu gắt gỏng ngay gần Giao thừa.
Cứ nói tâm thức người Việt văn minh lúa nước và nặng làng quê, ai ra đi cũng nghĩ đến ngày về, vậy thì chen chúc nơi phố thị là sao? Lại còn con số này kia cho biết giới nghiên cứu nói năm này năm nọ sẽ có bao nhiêu phần trăm dân số ra thành thị. Bây giờ đã có một phần ba bỏ quê rồi.
Tôi nói, bỏ đâu mà bỏ. Không thấy mỗi dịp lễ tết hàng triệu người chen chúc tàu xe đó sao, họ về quê đó. Nhờ thế mà tết tấp nập, ai cũng phải mua quà đem về. Trời ạ, bây giờ hàng hóa thiếu gì, chỉ cần mang tiền về, mà chẳng cần mang gì cho mất cắp, chỉ cần thẻ ATM là được.
Nhưng về quê lên rồi lại thấy kêu ca. Ở quê bây giờ cũng đi mua bánh chưng chứ có phải nhà ai cũng gói đâu. Mọi năm thì đàn ca, chọi gà, đánh tứ sắc, năm nay vắng hẳn.
- Xem thêm: Tết ở “nhóm” nào, đi chơi hay đi ăn…?
Người nào cũng kêu tết nhạt. Liền bị một anh lưu học sinh đang ở nước ngoài chỉ trích: “Mắc mớ chi kêu nhạt? Chúng tôi ở xa quê chỉ thèm có tết nhạt đó. Tết được nghỉ, về sum họp với gia đình, bên người thân còn đòi gì nữa?”.
Nghe vậy, bà xã tôi nói: “Đúng đấy, nhưng chỉ khi anh ta ở xa thôi. Khi nào về nước sống bên gia đình thì chính anh ta sẽ lại kêu… tết nhạt cho mà coi”.
Tết là dịp chém gió đủ kiểu, từ mâm cơm của các cụ ngày xưa được miêu tả trong Việc làng bây giờ đầy. Ăn ngon hơn và câu chuyện thì đi bốn phương trời chứ chẳng còn quanh quẩn bên lũy tre xanh (mà có khi chẳng còn cây tre nào, cổng làng cũng phá mất rồi). Lại có dịp nhìn tận mắt “cái chết của bất động sản” qua những tòa nhà dãy “phố ma” (không có người ở).
Hàng mấy chục căn nhà giống nhau mang cái tên Tây rất kêu, có đội bảo vệ mặc đồng phục canh gác, mở rào chắn cho xe hơi thỉnh thoảng đi qua. Trông ế vậy thôi, hễ đụng vào là thét giá ngất ngưởng, tỉ này tỉ nọ.
Các ông nghiên cứu nước ngoài viết bài phát hiện ra nguyên nhân chủ yếu nhất của cái chết bất động sản chính là… giá cao hơn nhiều lần mức lương trung bình của người dân. Tưởng tìm ra nguyên nhân gì chứ, giá cao thì ai chẳng biết.
Nhưng cái đám giá cao ấy sẽ vặn lại: “Khi trước chúng tôi cũng mua giá cao ngất ngưởng rồi, không lẽ bây giờ bán rẻ như cho? Thà cứ để đó… chờ, dù gì vẫn là mình có cái nhà”. Tâm lý đó là bình thường, có gì mà phê phán? Ai gỡ cho ra mớ bòng bong này? Thế nên làng quê cũng đô thị hóa, nhìn rất chi là hoành tráng, chỉ mỗi tội… không có tiền.
Thế nên bà xã tết này đem bức tranh Mùa gặt của Van Gogh ra lau chùi kính và nói, dù là bản sao đi nữa thì cũng làm cho xao xuyến. Giới nghiên cứu cho rằng màu vàng và u sầu là đặc trưng của tranh Van Gogh.
Nhưng chỉ có cảnh cánh đồng vàng rực bình thản và hàng rào xiêu đổ với dãy núi xa xa, mà gợi bao nhớ thương làng quê. Thế mới là thiên tài. Từ những cái bình thường gợi lên nhớ thương của nhân loại với quê hương – những gì chính họ đã tự đánh mất…
Tết nhạt nhẽo đã qua mau. Có người đã làu bàu, nghỉ gì nghỉ lắm quá. Nhưng khi họ đến công sở thì lại thấy “còn mùng” mà đã vội làm gì. Mở cửa bật đèn lên, máy lạnh quạt chạy vù vù, rồi bỏ đi tụ tập cà phê chém gió hoặc kéo đến nhà ai có nhã ý mời.
- Xem thêm: Bên mâm tết “đồng phục”
Những chuyện này cứ năm nào cũng lặp lại. Giống các bà nội trợ nói rằng rút kinh nghiệm năm sau không mua gì nhiều, không làm đầy thức ăn bưng ra bưng vào, mãi không hết giò lụa bánh chưng với thịt kho. Nhìn thấy ớn. Nhưng năm sau lặp lại y chang. Cái gì cứ lặp đi lặp lại mãi sẽ tạo ra sự nhàm chán chứ còn gì nữa? Nguyên nhân của tết nhạt đây chứ đâu?
Không có gì “đổi mới” hết. Ai nói cải tiến tết Tây tết ta làm chung là gân cổ cãi những bản sắc dân tộc này nọ, thế là thua.
Làm gì chẳng nhạt.