Sau những cãi cọ không đi tới đâu – có nên bỏ tết ta hay không – cuối cùng thì tết vẫn cứ… lù lù tiến đến và lừ đừ bỏ đi.
“Tổng kết” lại thì có cái tủ lạnh và phương tiện xe cộ là vất vả nhất, sau đến… hoa. Nhìn cả một bờ sông hoa lay ơn đỏ thắm trước tết hơn trăm nghìn đồng một bó thì sau tết thấy nở tưng bừng không bán được cho ai, vứt ngổn ngang bờ ruộng bến sông. Chợt nhớ câu, chơi hoa nào đã mấy người biết hoa…
Còn cãi nhau chuyện mấy anh bán hoa chiều Ba mươi tết thà đập tan nát những chậu hoa mình vừa nâng niu chứ không cho đám xấu bụng không chịu mua sớm, chờ đến sát tết mới đi mua cho rẻ. Người nói làm thế, bạc đãi hoa thì trồng trọt mùa tới hoa sẽ khiến cho thất bát, sao không cho tặng, vì phải chờ đến phút chót vậy là toàn người nghèo và người bận rộn cả. Người lại nói, thà đập bỏ để giữ giá, không tạo thói quen xấu cho thị trường.
- Xem thêm: Nguyên nhân của tết nhạt
Và như một định mệnh, năm nào trong “cuộc hành hương vĩ đại” cũng chết mấy trăm người, lại còn vài nghìn người bị thương nhập viện vì… đánh lộn. Cái này khó hiểu và chẳng biết tự bao giờ đã thành đặc tính dân tộc?
Ngày đưa ông Táo thì rác ngập bến sông. Chùa chiền khói um vì đốt, mặc cho Giáo hội Phật giáo nói hẳn hoi, đốt như vậy ông bà không nhận được đâu. Sao không cấm tiệt như dạo nào Thủ tướng Võ Văn Kiệt lệnh cấm đốt pháo? Có sao đâu? Làng pháo chuyển nghề, đất nước êm ru, chẳng ai thấy thiếu gì. Một phát xong ngay hủ tục.
Cô vợ phấn khởi khoe chồng: “Em đi tiên phong. Không đốt vàng mã, chẳng phải vì ai kêu gọi, mà vì ta ở chung cư cao cấp, đốt khói lên là còi báo động kêu liền. Có chỗ xuống nhà dưới cho đốt chung, em chẳng dại. Tất cả thiên hạ đốt chung như thế, các cụ biết con cái nhà ai gửi cho mà nhận? Thế nên thôi”.
Cô ấy còn cười sung sướng khoe sáng kiến: “Đưa ông Táo, em đốt cho ổng tấm hình quảng cáo thật đẹp của hàng không: Một chiếc máy bay xịn. Thêm hình ôtô bóng loáng. Thế là gọn và sang. Đốt một phút, vèo phát xong, chẳng có khói um như vàng mã”.
Đến bữa ăn, bây giờ ngán ngẩm lắm. Nhà nhà “kính cẩn ngắm” chứ không ăn nổi, mâm cơm “đồng phục” giống nhau y chang: Chả giò, gà luộc, thịt cá, canh măng, bánh chưng bánh tét. Không biết còn bao nhiêu nhà làm nồi bự chảng thịt kho trứng ăn suốt tết? Ngán lắm, phải đổi món mà còn không nuốt nổi.
Thế không phải đất nước đã khá lắm rồi hay sao, còn kêu ca ném đá?
Chồng mới kể cho vợ nghe chuyện thuở sinh viên thời trẻ chiến tranh đi sơ tán lên rừng, tết được về nhà. Nhưng phải cuốc bộ đường rừng mấy chục cây số mới ra đến thị xã để chờ tàu đêm về xuôi.
- Xem thêm: Vét chuyện tết
Cuốc bộ mỏi quá, cả bọn quyết định vào một quán chợ huyện. Tiền ít, nên tranh cãi mãi. Một bên nói ăn bánh cuốn, bên kia thích bánh rán. Cuối cùng quyết định chia hai. Bọn kêu bánh rán, còn bọn kêu bánh cuốn.
Phái bánh rán thấy mình dại quá. Làm phát hết ngay. Trong khi đó, bọn bánh cuốn hít hà chua cay, còn gắp, còn chấm, húp xì xụp. Không lẽ cứ ngồi nhìn miệng người ta? Bọn bánh rán nảy ra sáng kiến, cầm chén nước mắm… húp cái roạt, xong rồi tuyên bố: Thế là bọn tao vừa ăn bánh rán, vừa… biết bánh cuốn rồi nhé!
Bây giờ, đám bạn ấy chết có đến một nửa rồi. Người hy sinh trong chiến đấu, kẻ chết ốm đau. Đám còn lại phải ngoài bảy mươi cả rồi. Bây giờ thì mâm tết nhà nào cũng đầy thức ăn, thì mình… không ăn được nữa. Lúc trẻ đói khổ có thể ăn nhiều thì không có mà ăn. Bây giờ ê hề thì chỉ… nhìn mà sợ, đâu nuốt nổi nữa?
Vậy có phải là đời luôn… chơi xỏ mình không?