Sao lại có lời khuyên trái tai như vậy? “Là vì, bạn không thể trở thành người tốt được. Ngay các lãnh tụ của thế giới một thời nhân loại ngợi ca, làm lễ kỷ niệm tưng bừng rồi bỗng một ngày thời thế thay đổi, người ta kéo đổ các tượng đài, thay đổi các chủ nghĩa, phê phán ì xèo”.
Đó là lời khuyên của một chị bạn lâu ngày gặp lại. Chị bạn khoe: “Nhung đây này. Mỗi năm ra Hà Nội vào Hà Đông hay đi chợ vải Ninh Hiệp, tôi lại mua mấy chiếc quần nhung đen thắm, về tự may. Vừa sang vừa đẹp vừa thoải mái”.
Nhìn kỹ, chị ấy mặc bộ áo có chút lấp lánh, trông sang trọng như sắp lên… tivi. “Lúc nào cũng phải tươm tất”, chị bạn nói. Rồi tiếp, chị có vội vã xấc bấc xang bang lo ngược xuôi cháu nội cháu ngoại cũng chẳng có ai khen cái dáng dấp Osin như vậy.
Chẳng gặp bạn bè, ít khi đi ăn đi chơi. Một lũ con gái quẳng cháu cho bà. Sáng ra chúng trang điểm son phấn rồi lên đường, bà đưa cháu đi học rồi về chợ búa cơm nước. Chiều thì chúng gọi điện báo về trễ, còn đi ăn với bạn bè… Cứ thế là bà ôm sô quanh năm.
- Xem thêm: Thích làm… con Cám
Các cô ấy bây giờ hót hay lắm, nào là không ở trong xó bếp, bây giờ không có chuyện phụ nữ hy sinh sự nghiệp cho gia đình, phụ nữ bây giờ cũng tự tin cá tính, mê du lịch thời trang này nọ. Thật ra thì thời đại đã giải quyết được chuyện bếp núc đâu?
May ra thì siêu thị tiện hơn, dịch vụ chi tiết hơn, chứ đỏ lửa hằng ngày nấu nướng cơm nước, đã có máy nào làm thay đâu. Một khi các cô không làm nữa, tức là các cô trút được chúng lên đầu mẹ đẻ, mẹ chồng, trút toàn bộ lên đầu người già và coi thế là xong. Ai còn nấu nướng mê xó bếp bị coi là phong kiến lạc hậu, trói buộc phụ nữ ngay.
Thật ra thì các cô… bỏ trốn khỏi phận sự mà thôi. Vì những việc khổ sai đó không biến mất đi đâu cả. Các cô chuyển giao chúng cho người già mà thôi. Hằng ngày các cô ngồi máy lạnh, làm việc không biết có đủ nổi mấy tiếng một ngày hay không. Trong khi các cụ ở nhà thì chắc chắn lao nhọc hơn nhiều.
Thế nên chị bạn nói, đừng có cố… làm người tốt. Chẳng ai khen. Chỉ tội trả giá bằng tuổi thọ. Ít có ai có thể sống riêng hoàn toàn, đi chơi du lịch, mướn người phục vụ.
Người sướng như vậy chỉ có ở tầng lớp giàu có, con cái có nhà riêng, thuê hai, ba người làm, không bận mượn gì đến cha mẹ. Nhưng số đó không nhiều. Đa phần là lũ con bám vào sức lao động của người già. Bởi trẻ tuổi mới vào nghề nhà cửa chưa có, lương chỉ vừa đủ sống.
Đẻ một đứa con ra là chết đứng nếu không trông mong dựa vào ông bà hai bên. Nhiều cặp vợ chồng trẻ bây giờ, sinh con ra, cả dòng họ chạy nhốn nháo, thuê cả người làm, chồng kiếm tiền cho rồi, vậy mà vẫn than khổ. Thế mới biết càng văn minh, con người càng lười và yếu kém đi.
Mấy đứa trẻ bây giờ cũng thế. Chúng rất yếu, rất khó ăn khó ngủ, hở chút là ốm đau. Không có chuyện chơi lá đa lá ổi, đi rong bắt chim bắt cá, lội ruộng hay kéo nhau từng đàn tự tìm trò chơi như thế hệ ngày xưa.
Không biết thế nào là bùn đất nắng mưa, không biết con tôm con cá. Chúng mà vào hiệu sách, siêu thị, chỉ một cái vào đồ chơi ngoại, vào cuốn truyện tranh tiếng Anh một cái là đi tong tiền triệu. Hỏi có mấy gia đình đáp ứng cho con cái được giá ấy, nếu không muốn chơi đồ Tàu độc hại?
- Xem thêm: Mẹ… làm dâu lần nữa?
Đó là những điều chị bạn hùng hồn chứng minh cho việc đừng có cố gắng để trở thành… người tốt, người mẫu mực tiếp tục hy sinh cho con cháu. Chưa kể những hy sinh còn đem lại các lời chỉ trích của con của dâu, sao bà lại thế này, sao bà làm thế kia… Phải biết nghĩ đến bản thân mình, phải chăm sóc nâng niu cơ thể mình. Bởi khi đau ốm không giúp được nữa thì đó sẽ là khuyết điểm to lớn. Lúc đó hối hận không kịp.
Làm người tốt là trả giá lớn lắm. Người tốt giá rất mắc, ta không bao giờ đủ sức… Lý thuyết này của chị bạn không rõ có giúp tỉnh ngộ được cả một thế hệ Osin có trong phụ nữ Việt Nam lớn tuổi?