Tuy nhiên, trước cuộc khủng hoảng tài chính, đồng euro đã từng bước lấn át địa vị của đồng USD, tiếp đó do nổ ra cuộc khủng hoảng của thị trường cho vay dưới chuẩn ở Mỹ nên tỷ trọng của đồng euro đã thu hẹp khoảng cách hơn nữa so với đồng USD trong các đồng tiền dự trữ toàn cầu. Cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu bùng phát và xấu đi, làm chấm dứt tạm thời những thách thức của đồng euro đối với đồng USD, tỷ lệ của đồng USD trong dự trữ ngoại tệ quốc tế được phục hồi phần nào.
Tuy có học giả vì cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu lần này mà nghi ngờ sự phát triển trong tương lai của đồng euro, nhưng sự thực là, trong thời gian châu Âu xảy ra khủng hoảng nợ, địa vị của đồng euro so với đồng USD không bị tổn hại chứ đừng nói đến bị đánh bại.
Có hai chỉ tiêu lớn mang tính then chốt có thể chứng tỏ điểm này. Xét tỷ lệ của cả hai đồng tiền trong dự trữ ngoại tệ quốc tế, tỷ lệ của đồng euro so với đồng USD từ 2008 đến 2011 lần lượt là 41,3%, 43,1%, 42,6% và 44,1%.
Sau khi dự trữ của đồng euro sụt giảm đôi chút vào năm 2010 thì năm 2011 lại tăng lên nhanh. Xét tỷ giá hối đoái của đồng euro đối với đồng USD, giá trị bình quân từ năm 2008 đến 2011 lần lượt là 1,47, 1,39, 1,33 và 1,40. Sau khi ở mức thấp vào năm 2010, tỷ giá hối đoái đồng euro năm 2011 cũng phục hồi mạnh mẽ.
Do đó có thể thấy, trái ngược với những quan điểm lưu hành, bất kể là dự trữ ngoại tệ hay tỷ giá hối đoái, hiện địa vị của đồng euro so với USD không những đã khôi phục so với cục diện trước cuộc khủng hoảng nợ, mà còn có phần được tăng cường. Các nguyên nhân chủ yếu được nói đến là:
Một là từ sau năm 2009, mặc dù đồng euro luôn đối mặt với những thách thức nặng nề do cuộc khủng hoảng nợ mang lại, nhưng đồng thời đồng USD cũng sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nợ của Mỹ. Tháng 11-2011, sau khoảng bốn tháng đàm phán, siêu ủy ban của Quốc hội Mỹ vẫn chẳng đạt được bất cứ hiệp định nào về cắt giảm nợ, điều này đã bộc lộ rõ tính khó lường của các nhân tố chính trị đối với việc giải quyết vấn đề nợ của Mỹ trong tương lai, đồng thời cũng đã phản ánh tính phức tạp lâu dài của vấn đề này. Từ đó có thể nhận thấy trong thời gian tương đối dài tới đây, đồng USD vẫn sẽ chịu sự kiềm chế tiêu cực vì cuộc khủng hoảng nợ của Mỹ.
Trải qua cuộc khủng hoảng lần này, nếu Eurozone đạt được nhận thức chung về cải cách có lợi cho sự phát triển lâu dài của đồng euro, như xây dựng cơ chế quản lý kinh tế chính trị khu vực ổn định và tập trung quyền lực hơn, thì trong tương lai cho dù đồng euro chẳng thể đạt được địa vị như đồng USD trong hệ thống tiền tệ toàn cầu, địa vị của nó vẫn sẽ được nâng lên. Điều này có nghĩa là trong sự cạnh tranh tiền tệ ở tương lai, đồng euro vẫn sẽ hình thành những thách thức thật sự đối với đồng USD.
Vượt lên trên mối quan hệ cạnh tranh giữa hai đồng tiền, về lâu dài cuộc khủng hoảng nợ của Mỹ và châu Âu sẽ có những ảnh hưởng sâu sắc hơn đối với cục diện tiền tệ quốc tế ở chỗ nó sẽ làm suy yếu địa vị lũng đoạn của đồng euro và đồng USD trong hệ thống tiền tệ toàn cầu, có lợi cho việc hình thành cục diện tiền tệ quốc tế đa dạng.
Trước tiên, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ, sức ảnh hưởng của các nền kinh tế Âu – Mỹ trong phạm vi toàn cầu dần giảm đi. Đồng tiền dự trữ quốc tế về bản chất được coi là sự thể hiện của thực lực kinh tế nước phát hành đồng tiền, địa vị của nó tuy có khả năng yếu kém ở chừng mực nhất định so với thực lực kinh tế của nước phát hành, nhưng về tổng thể phải phù hợp với những thay đổi mang tính cục diện của kiểu thực lực kinh tế này.
Hai là, cuộc khủng hoảng nợ của Mỹ và châu Âu cho thấy đồng euro và đồng USD đều có những vấn đề nghiêm trọng, các nhà đầu tư đành phải lựa chọn giữa hai loại tiền tệ này, về bản chất là không có sự lựa chọn khác có thể thay thế trong giai đoạn hiện nay. Trong tương lai một khi xuất hiện đồng tiền khác có thể lựa chọn, địa vị của euro và USD sẽ sụt giảm tương ứng.
Cuối cùng, cuộc khủng hoảng nợ bùng phát cũng như chính sách đối phó vị kỷ mà Mỹ và các nước châu Âu áp dụng làm cho các nước khác tỉnh táo ý thức được những vấn đề lớn của đồng euro và USD, đặc biệt là USD, trong hệ thống tiền tệ quốc tế. Để giải quyết cuộc khủng hoảng của mình, Mỹ có thể dựa vào đồng thời thông qua địa vị quốc tế của đồng USD đẩy cuộc khủng hoảng sang nước khác!
Xu thế giảm sút của đồng USD càng rõ rệt, từ năm 2008 tới 2011 tỷ trọng trong dự trữ tiền tệ toàn cầu lần lượt là 63,7%, 62,9%, 61,9% và 60,5%. Có những nguyên nhân chủ yếu sau: các nền kinh tế mới nổi, đại diện là các nước nhóm BRICS chịu tác động của cuộc khủng hoảng nợ nên đã đẩy nhanh thực hiện chiến lược đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ tích cực cũng như chính sách giảm bớt lệ thuộc vào đồng USD.
Ví dụ Nga tuyên bố sử dụng đồng rúp chứ không phải USD trong giao dịch dầu mỏ, trong thời gian xảy ra khủng hoảng nợ còn bán tháo số lượng lớn trái phiếu của các cơ quan của Mỹ.
Trung Quốc cũng tích cực mua vào nhiều hơn tài sản đồng euro, giảm bớt sự lệ thuộc vào tài sản đồng USD. Ngoài ra nước này không những tiếp tục tăng cường và hoàn thiện dòng tuần hoàn của đồng nhân dân tệ với giao dịch xuyên quốc gia làm cốt lõi để thúc đẩy quốc tế hóa đồng tiền nước mình, mà còn ký “Hiệp định trao đổi tiền tệ song phương” với nhiều quốc gia và khu vực hơn, mở rộng việc sử dụng nhân dân tệ ở các quốc gia khác.
Bên cạnh đó, giữa các nước BRICS cũng có sự tăng cường phối hợp, có hành động chung bao gồm kêu gọi các nền kinh tế mới nổi đưa đồng tiền của mình vào rổ tiền tệ SDR (Quyền rút vốn đặc biệt) của IMF, từng bước mở rộng sự hợp tác trong thanh toán thương mại và tín dụng tài chính.
Cho đến nay, nỗ lực giảm bớt sự lệ thuộc vào đồng USD của các nước nhóm này đã có được những bước tiến thực chất và thu được hiệu quả bước đầu.
Nguyễn Nam tổng hợp