Thương yêu, thù hận là tâm lý bình thường của con người, không ai giống ai và cũng thật khó để trả lời tại sao người này còn hận thù người kia khi không còn liên can gì đến đời nhau nữa, ví dụ như sau ly hôn, chẳng hạn.
Chia tay rồi, có nhiều người còn mang nặng mối hận người cũ. Tất nhiên, có lý do. Có người vì những tổn thương quá nặng, khó có thể quên dù họ cố tha thứ, bỏ qua. Có những tổn thương mà đôi khi người trong cuộc cho rằng, để bụng đến khi chết.
Thật ra, tâm lý con người không dễ dàng chấp nhận hay thích nghi nhanh chóng với hoàn cảnh một khi mình bị đối phương tấn công. Vợ chồng một thời thương yêu, sau đó một trong hai người phản bội, người nhạy cảm rất dễ bị tổn thương vì điều này.
Vậy nên, tha thứ mới khó, còn giữ hận thù trong lòng thì rất dễ; có thể quên, nhưng lúc nào đó, vài chi tiết trong cuộc sống xảy đến, vết thương ngày cũ lại tái phát, gây đau nhức là điều không tránh khỏi.
- Xem thêm: Hãy để quá khứ ngủ yên
Nhân ngày sinh nhật chồng cũ, một phụ nữ đang đi công tác xa nhắn tin cho con trai, khi ấy đang ở gần bố, nói con mua mang đến cho bố cái bánh, loại bánh bố thích. Người mẹ còn hướng dẫn kỹ càng cho con tiệm bánh ở đâu, thậm chí còn “vẽ sơ đồ” bánh ấy đặt kệ nào… Người phụ nữ ấy cho biết, vợ chồng có thể ghét nhau, thậm chí không muốn nhìn mặt nhau nữa, nhưng chồng vẫn là cha của các con và nhiệm vụ của người mẹ là nhắc con biết lễ nghĩa với cha của chúng.
Không chỉ sinh nhật, mà giỗ chạp bên nội cũng vậy, cho dù họ nội không ưa chị. Với chị, đó không chỉ là lịch sự với người từng một thời là chồng của mình, mà còn là cách dạy con.
Trường hợp vợ hay chồng có người mới với hạnh phúc riêng, những đứa con sẽ chịu thiệt thòi. Nhiệm vụ của hai người lớn là phải giữ sao cho tâm hồn con trẻ đừng thêm tỳ vết bằng cách dạy con biết cư xử.
Có thể người chồng ngày trước phụ bạc vợ và có hành xử không tế nhị, nhưng không vì thế mà gieo vào đầu con cái rằng cha của chúng là người xấu.
Một khi hôn nhân đã không còn tình yêu nữa thì cái nhìn của người này về người kia tất nhiên sẽ nặng nề, nhưng không vì thế mà chuyển cái nặng nề ấy sang cho con cái.
Cuộc sống đa dạng, mỗi người một hoàn cảnh. Có phụ nữ sau khi ly hôn vì nhiều điều kiện không được nuôi con mà phải để chồng đảm trách việc ấy. Khi “cha của tụi nhỏ” có gia đình mới, nhiệm vụ của người mẹ là sống và cư xử sao cho mẹ kế thương con mình.
Không dễ làm được điều này, nhưng cần nỗ lực để làm được. Nên nghĩ rằng, mẹ kế nuôi con mình đã là gánh nặng quá lớn, một sự hy sinh rồi, người phụ nữ ấy đâu có nghĩa vụ phải nuôi con người khác ngoài tình yêu với cha của chúng. Và, tâm lý con người phức tạp, đôi khi chính vì tình yêu này mà người phụ nữ ấy lại… ghét con mình thì sao.
Vậy nên, người mẹ lúc này cần tạo được niềm tin với mẹ kế của con mình, rằng mọi người sống tốt với nhau thì cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn. Thật khó khăn để vượt qua những chướng ngại về tâm lý, nhưng một người mẹ biết nghĩ đến con sẽ làm được tất cả.
- Xem thêm: Quên để sống!
Mang thù hận gieo rắc vào tâm hồn trẻ rằng, mẹ kế là người xấu, “cướp chồng”, khiến gia đình tan nát… luôn là điều bất lợi cho đứa con phải sống xa mẹ. Cũng không thiếu dẫn chứng về những người mẹ thật sự thương yêu con “đời sau” của chồng, và đó cũng là một cách gắn kết tình thương yêu con cái với gia đình mới của chúng. Dạy con cũng là cách tự nhắc nhở chính mình.
Có ở trong hoàn cảnh các bà mẹ này, mới thấu hiểu được nỗi khổ của người mẹ, người phụ nữ. Có con mà không được gần gũi, dạy dỗ con, theo dõi diễn biến tâm tư, tình cảm của con, nhất là khi con đang tuổi lớn lên từng ngày.
Làm sao đảm bảo được rằng, trong quá trình sống, con không làm phật ý mẹ kế hay mẹ kế không hài lòng về con? Vai trò của người cha trong tình huống này lại càng khó khăn. Do đó, trước tiên, người mẹ phải biết bỏ qua sự hằn thù nếu có, vị tha, nghĩ tốt về nhau, chan hòa với gia đình mới của chồng. Dù biết rằng, làm được điều này không dễ.