Ngày anh chồng xách vali ra khỏi nhà, chị vợ uất ức, nói giọng cay đắng: “Trời cao đất dày, bỏ vợ cái con cột, để coi rồi cũng ba bảy hai mốt ngày”. Hai vợ chồng nhà này đều là công chức, ngày xưa học cùng lớp, sống với nhau gần hai mươi năm, có hai con giỏi, ngoan.
Mọi sự bắt đầu khi anh chồng nghỉ làm công sở, theo bạn bè ra kinh doanh. Làm có tiền, anh bồ bịch, ăn chơi xả láng nổi tiếng trong giới.
Chuyện vỡ lở thì gạo đã nấu thành cơm, anh chồng có đứa con riêng với một cô trẻ hơn vợ. Ly dị, chia đôi tài sản. Chị vợ giành phần nuôi hai con và vay mượn bạn bè đưa lại cho chồng một nửa căn nhà. Trời thương, thời gian sau, chị có được việc làm thu nhập khá cao. Trong khi đó, số tiền chia đôi căn nhà, anh chồng bung ra làm ăn lớn.
Không may, càng làm càng thua, nợ nần chồng chất. Nhà thuê, con nhỏ, vợ dại… Nhìn cuộc sống thảm hại của anh và mức sống khá giả của chị, ai cũng tiếc. Anh chồng mang mặc cảm thua kém không muốn về thăm con, càng lúc càng thấy mình thấp kém so với vợ cũ và mối quan hệ cha con ngày càng xa.
- Xem thêm: Lễ ly hôn
Lúc này chị vợ bắt đầu: “Gieo nhân nào, gặt quả ấy!”. Mang tâm trạng của người chiến thắng, gặp ai chị cũng kể lể với giọng điệu như trả thù được người đã gieo cho mình nhiều đau khổ trong quá khứ. Ngay với con cái, chị khẳng định: “Ba mày chắc sáng mắt ra rồi, vợ đẹp con ngoan không chịu, giờ chẳng ra sao!”. Chị đâu biết rằng, dù anh có phụ rẫy chị đi chăng nữa vẫn là ba của các con. Lời nói của chị khiến chúng đau lòng.
Trường hợp khác, hai vợ chồng ở với nhau chục năm, có một con. Anh là công chức, chị là giáo viên, cuộc sống không đến nỗi nào. Do nhiều tham vọng, thấy bạn bè ai cũng khá giả, chị càng nôn nóng.
Cơ may đến khi chị xin được vào làm ở một công ty nước ngoài, nhiều cơ hội thăng tiến. Gặp môi trường thuận lợi, phát huy được năng lực, chị được đề bạt lên phó phòng, rồi trưởng phòng, trưởng chi nhánh, đi nước ngoài như đi chợ.
Những mối bất hòa trong gia đình tăng dần theo sự thăng tiến của chị. Anh chồng ngày càng thấp dần trong mắt vợ. Trong môi trường luôn tiếp xúc với những đàn ông nước ngoài, chị thấy họ lịch sự và ga-lăng bao nhiêu thì chồng mình cù lần bấy nhiêu!
Mâu thuẫn chồng chất, họ ly dị. Tự ái, anh chồng giành phần nuôi con và không nhận trợ cấp từ vợ, cha con chấp nhận cuộc sống đạm bạc. Một năm sau, chị lập gia đình với sếp của mình – hơn chị 20 tuổi.
Cuộc sống sang trang: đi xe hơi, ở biệt thự, sống theo phong cách Tây, bạn bè giao du toàn giới thượng lưu. Thời gian ngắn sau đó, ông chồng Tây bị tai biến liệt nửa người, chị phải chăm sóc hằng ngày như vai trò một người y tá.
Vừa bị áp lực công việc do cạnh tranh trong làm ăn, vừa phải chăm sóc ông chồng già, nhưng chị không thể ly dị được vì ông chồng vẫn còn là chủ mọi tài khoản. Giờ đây bên gia đình anh chồng cũ lại hả hê mỗi khi có ai đó nhắc đến chị.
“Ham tiền bỏ chồng con ruột rà đi chăm sóc người khác”. Không chỉ nói xấu, dè bỉu mà gia đình chồng cũ còn cấm người con không được quan hệ với mẹ.
Có câu chuyện xưa, hai nhà sư đi qua sông, nước cạn, hai vị định xắn quần lội qua. Một cô gái đến nhờ giúp đỡ vì cô không biết bơi. Sau một lúc suy nghĩ, một nhà sư đồng ý cõng cô gái ấy qua sông. Đến bờ bên kia, họ chia tay.
- Xem thêm: Quên để sống!
Trên đường về chùa, sư này trách sư kia tại sao đã xuất gia còn cõng cô gái. Cuối cùng, vị sư đã cõng cô gái trả lời, ông đã bỏ cô gái ấy bên bờ sông, chỉ có vị sư kia mới là người mang cô gái về đến chùa.
Quá khứ luôn là sự việc đã qua, thời gian là sự tha thứ; nếu cứ mang hoài ám ảnh của quá khứ và hả hê trong hiện tại khi nhìn cuộc sống không tốt đẹp của vợ hay chồng cũ, thì không chỉ là một ám ảnh nặng nề mà đôi khi còn để lại “di chứng” muộn phiền cho con cái.
Vợ hoặc chồng, khi quyết định chia tay, nếu không nghĩ tốt về nhau thì hãy xem tất cả mọi điều đều là của ngày hôm qua, không vương vấn, không theo dõi, không hả hê… Bởi vì, nếu có hả hê, chắc gì đã thấy nhẹ lòng?