Thời đại của cá tính, chia sẻ, giao tiếp, quảng bá, thời PR mà lại có kinh nghiệm thành công là… thu mình lại. Vậy mà bà bạn của gia đình tôi lại cho lời khuyên ấy khi bà xã tôi “xin ý kiến” trước khi chuẩn bị về ở chung, như người ta nói, trong nhà có tới ba thế hệ chung sống.
Bà bạn cười rổn rảng: “Làm gì còn tứ đại đồng đường nữa? Đơn giản vì còn rất ít những ông bà lão sống lâu để dự cưới cháu, tức là thế hệ bà cố ông sơ rất hiếm”.
Tôi cãi: “Chị ơi, bây giờ người ta sống lâu hơn trước chứ, người sống tám mươi tuổi là bình thường. Nếu cứ tính ngoài hai mươi họ lấy vợ lấy chồng, có con. Con họ cũng như vậy, ngoài hai mươi lấy vợ lấy chồng, vậy là họ ngoài năm mươi hoặc sáu mươi.
Vậy cố “lết” tới chín mươi thì cháu nội/ngoại cưới chứ gì”. Bà bạn nói ngay: “Nhưng bây giờ các cô cậu đâu chịu phép tính đó. Là bởi thằng con trai ngoài ba mươi, hỏi có bồ chưa, trả lời “thỉnh thoảng”.
- Xem thêm: Ngồi đấy mà choáng
Ngay cả con gái xấp xỉ bốn mươi chưa chồng cũng… đầy. Thế thì bà của cô ta muốn dự cưới cháu, phải sống lâu thêm nữa”. Mà người già ngày nay có muốn sống quá lâu hay không? Chị bạn phì cười: “Chẳng lẽ anh nói có ai đó muốn chết?”. “Chứ sao. Không nghe thế giới họ đấu tranh cho quyền được chết đó à?”.
Phải rồi, quyền đó dành cho người bệnh nặng, nói như bên ta: “Rút ống ra là chết”, nhưng chẳng ai dám. Mà người nằm đó đâu còn ý kiến ý cò gì được nữa, có khi đang phiêu diêu miền xa xôi rồi, thân xác nằm đó cho thiên hạ tiêm chích chọc ngoáy… Nhiều người chẳng muốn sống lâu, vì bệnh, vì nghèo, vì bị hắt hủi, con cháu từng ngày đang mong họ… chết, với lý do nghe rất tử tế là “Cụ đi cho chính cụ đỡ khổ”.
Đó, thời đại có đủ thứ như thế, bây giờ phải về chung sống. Thế nên bà bạn mới có kinh nghiệm là hãy sống thu mình lại. Thu thế nào? Bà bạn: “Tôi nói ngắn gọn, tức là càng ít tiếp xúc, càng ít giao tiếp, ít tâm sự tâm tình càng tốt. Đừng để con cháu hiểu mình quá. Không biết chuyện xưa như thế này còn không: Bà cụ sống với con dâu, tâm sự dặn dò tiền bà khâu trong túi áo. Đến khi bà chết đột ngột, con cháu khác chạy đến thì nàng dâu nói “bà chết chẳng có đồng nào anh chị ạ…”.
Nàng dâu đã nhanh tay lột hết. Mà các cụ xưa đâu có tài khoản hay sổ tiết kiệm đâu, tiền vàng, nhẫn xuyến bọc trong người, chết là con cháu lột sạch, không muốn phải chia cho những người con khác. Đó, tai hại của việc chia sẻ, lộ bí mật đó, thấy chưa? Dù có cảnh giác, có nhiều con cháu ma mãnh làm thám tử điều tra biết hết chỗ giấu”.
Bà xã tôi xen vào, rằng bọn tôi không lo chuyện đó, mà là lo sinh hoạt đụng chạm con cháu láo hỗn bực mình kia. “Vậy thì bài thuốc thu mình càng hữu dụng. Như thế này, nếu cô con dâu đang nấu bếp, thì biến vào phòng đi.
Loanh quanh lăng xăng bóc hành bóc tỏi tưởng thế là giúp cho con cái đỡ bực mình. Không phải đâu! Chúng càng bực, để ý, “bà đừng vứt vào đó, bà đã rửa sạch chưa…”, tức là “không ưa thì dưa có dòi” đó. Biến vào phòng, đến chiều mình nấu một mình, sẽ khỏi bực dọc, làm mọi việc theo ý mình.
Ngay với đứa con gái cũng thế, chỉ khi đi làm dâu, ghét mẹ chồng thì mới thương mẹ đẻ, chứ lúc ở nhà, thì cũng… ghét mẹ lắm. Mẹ đã hầu hạ hết mực, nhưng hễ nhắc nhở, kiểm soát cô một cái là thôi, “bà già khó chịu quá”. Nói chung, các cô cậu hiện đại cá tính tự tin nên người già sợ họ lắm.
Tính nhân văn của người trẻ kém lắm. Ngay họ đối với nhau cũng vậy. Chẳng có khái niệm chiều chồng ở các cô, là vì đi lấy chồng theo “nguyên tắc Ngọc Trinh” là gã đó phải giàu, phải chiều, chứ lấy anh nghèo cạp đất mà ăn à.
- Xem thêm: Khó tính như… người trẻ
Thời buổi một vết nhăn ở eo người ta cũng cho là phát kiến lớn, hô hoán trên báo chí, vậy mà lại lo toan, nghèo khổ nữa, thì có họa là ngu. Anh chồng còn chẳng được chiều, dù đang là đối tượng khai thác, nói gì đến bố mẹ của anh ta.
Ông bà chỉ có một nhiệm vụ thôi, đó là để của cho con, không phiền con, tự lo đi. Thế mới là văn minh và có công. Vừa nghèo, lại đau ốm cho “người ta” chăm sóc à? Quên khẩn trương!”.
Nghe bài học kinh nghiệm của chị bạn, bà xã tôi nói: “Con người tìm kiếm ra nền văn minh ngu thật rồi…”.