Amy Cuddy, nhà tâm lý học làm việc tại Trường Kinh doanh Harvard, đã nghiên cứu về “ấn tượng ban đầu” trong hơn một thập niên. Theo bà, mọi người thường nhanh chóng nhận định về người khác qua hai câu hỏi chính: “Tôi có thể tin được người này không?” và “Tôi có thể xem trọng năng lực của người này không?”.
Theo nghiên cứu của Amy Cuddy và các đồng nghiệp, hai điểm này quyết định 80 – 90% ấn tượng đầu tiên của chúng ta về một người mới gặp. Nghiên cứu cũng cho thấy sự đáng tin là yếu tố quan trọng nhất; nếu không có lòng tin, mọi người sẽ dễ nhìn nhận tiêu cực về chuyện năng lực. “Chỉ sau khi bạn tạo được lòng tin, sức mạnh của bạn mới trở thành một món quà thay vì là một sự đe dọa” – nhà tâm lý Amy Cuddy nói.
- Xem thêm: Chuẩn bị gì khi đi phỏng vấn?
Chỉ mất vài giây để ai đó quyết định rằng bạn có đáng tin và có năng lực hay không. Hơn nữa, ấn tượng đầu tiên rất khó thay đổi, vì thế việc gặp gỡ những người chưa quen biết thật sự là một áp lực lớn. Nếu bạn cố tỏ ra bản lĩnh, tự tin nhưng lại không tạo được lòng tin thì nỗ lực của bạn sẽ có tác dụng ngược. Không ai muốn được kính trọng nhưng lại bị ghét. Nhà tâm lý Amy Cuddy cho rằng nếu người mà bạn đang cố tạo ảnh hưởng không cảm thấy tin tưởng bạn, bạn sẽ khó đạt được kết quả mong muốn.
Có một số cách giúp chúng ta kiểm soát được quá trình tạo ấn tượng đầu tiên khi gặp một người chưa quen biết.
Để cho người kia nói trước
Hãy để họ dẫn dắt cuộc đối thoại, còn bạn có thể đưa ra những câu hỏi phù hợp để giúp cho cuộc nói chuyện diễn ra suôn sẻ. Ngay lập tức bày tỏ ý kiến không phải là cách giúp bạn xây dựng niềm tin. Lòng tin và sự thân tình được tạo ra khi mọi người cảm nhận sự thấu hiểu nên bạn cần lắng nghe họ chia sẻ trước khi điều này xảy ra.
Sử dụng ngôn ngữ cơ thể tích cực
Hãy ý thức về những cử chỉ, cách biểu cảm và giọng nói của bạn, sao cho tỏa ra một không khí tích cực và thu hút người nghe. Cách biểu đạt thể hiện sự nhiệt tình, không nên khoanh tay, duy trì sự tiếp xúc qua ánh mắt và tập trung lắng nghe người nói đều là những dạng ngôn ngữ cơ thể tích cực, có thể mang lại hiệu quả khác biệt cho cuộc gặp mặt đầu tiên.
- Xem thêm: Cách tạo lòng tin bằng ngôn ngữ cơ thể
Để điện thoại sang một bên
Bạn không thể vừa tạo dựng niềm tin vừa kiểm tra điện thoại. Không có gì làm cho người đối diện “mất hứng” bằng việc bạn dừng đối thoại lại để gửi tin nhắn hoặc thậm chí chỉ là liếc qua điện thoại. Khi bạn cam kết vào cuộc đối thoại, hãy đặt toàn bộ năng lượng vào đó. Như thế, cuộc nói chuyện sẽ trở nên lý thú và hiệu quả hơn.
Dành ít thời gian để nói chuyện phiếm
Cách này không hề “tầm thường” hoặc lãng phí thời gian mà theo nghiên cứu, việc bắt đầu các cuộc gặp với khoảng năm phút nói chuyện phiếm sẽ mang lại kết quả tốt hơn.
Lắng nghe chủ động
Lắng nghe chủ động nghĩa là tập trung vào những gì mà người đối diện đang nói, thay vì bận nghĩ xem bạn sẽ nói tiếp điều gì. Đưa ra những câu hỏi sâu là cách tuyệt vời để chứng tỏ rằng bạn đang thực sự chú ý đến cuộc trò chuyện.
Nếu tâm trí cứ lo nghĩ đến nội dung mà bạn sắp nói thì bạn không thể chú ý đến người đối thoại. “Cướp lời” người đối thoại sẽ tạo cảm giác rằng bạn có điều gì quan trọng hơn muốn nói; điều này có nghĩa là bạn không nên vội chen vào những đề xuất, giải pháp cho các vấn đề mà người đối diện vừa đưa ra. Bản chất của con người là muốn giúp đỡ người khác, nhưng đa số chúng ta không nhận ra rằng nếu vội đưa ra một lời khuyên hay cách giải quyết nào đó thì cũng là lúc chúng ta làm cho người kia dừng lại và phá hủy lòng tin của họ.
Tìm hiểu trước về người mà bạn sắp diện kiến
Mọi người sẽ thích khi bạn biết vài điều về họ mà họ không cần phải chia sẻ. Đó không phải là “chuyện ghê gớm” gì mà là những thông tin đơn giản được tìm hiểu qua LinkedIn hay website của công ty. Cách này rất cần thiết với cuộc gặp gỡ lần đầu được lên kế hoạch trước như phỏng vấn hoặc tư vấn cho một khách hàng tiềm năng. Hãy tìm kiếm thông tin liên quan đến những người bạn sắp gặp, công ty của họ, những thách thức chính của công ty,… Sự chủ động và tinh thần trách nhiệm sẽ chứng tỏ năng lực và sự đáng tin cậy ở bạn.