Đêm thiên nga là vở diễn mới mà kịch bản do Hoàng Thái Thanh phóng tác theo Khúc hát thiên nga của đại văn hào Nga Anton Chekhop. “Chỉ với kịch bản theo câu chuyện của Anton Chekhop đã là một tuyệt tác” – đạo diễn, NSƯT Trần Minh Ngọc nói với nghệ sĩ Ái Như như vậy ngay khi chị vẫn còn nguyên trong trang phục của nhân vật Boris bước ra khỏi sân khấu. Còn “Các em thật tuyệt!” là lời chúc mừng của vị đạo diễn ấy dành cho Thành Hội và Ái Như. Hơn cả một lời khen, đó là một sự ghi nhận của bậc lão thành về cố gắng mà các nghệ sĩ lớp sau dấn thân vì nghệ thuật.
Bây giờ, khi chọn một kịch bản để dàn dựng, chắc chắn không mấy nghệ sĩ dám bỏ tiền túi ra làm một tác phẩm chỉ vì mục đích tôn vinh nghệ thuật nếu biết rằng tác phẩm sẽ rất kén khán giả. Đêm thiên nga ra đời với một hoài bão muốn mang đến cho khán giả những giây phút đẹp nhất về nghệ thuật. Vở kịch như nói hộ nỗi lòng day dứt lớn nhất của nghệ sĩ với khán giả.
Vở kịch chỉ có hai nhân vật. Trước tiên là Pierre, một nghệ sĩ già đã qua hết những vai nổi tiếng của sân khấu. Ông hài hước cho rằng mình chỉ còn đợi một vai lớn cuối cùng của cuộc đời: vai xác chết!
Sân khấu mở ra với phông màn tồi tàn, cũ kỹ, ở đó xuất hiện một lão nghệ sĩ già, nghèo, sống một mình, nói cười ngơ ngẩn. Cái đau dâng lên ngay từ những giây phút đầu tiên và khán giả cũng cảm nhận được ngay bi kịch của đời nghệ sĩ. Thành Hội độc diễn, tự đối thoại với chính mình. Cái vui, cái cười bảng lảng của kẻ nửa sống – nửa chết cứ làm tim khán giả nhói đau. Con người hôm qua tỏa sáng với hào quang lấp lánh thì hôm nay đã tàn tạ, rút tỉa cho nhân gian nỗi đau đời của một kiếp tằm nhả tơ. NSƯT Thành Hội diễn thật đến nỗi đôi khi không hiểu anh đang hóa vai một cách tuyệt vời hay nói cho chính mình. Nhân vật là kẻ khốn cùng, còn Thành Hội thăng hoa, cứảo ảo, thật thật. Thành Hội diễn như “lên đồng” khiến khán giả như bị lôi cuốn vào cuộc chơi của một phù thủy ma thuật.
Nhân vật thứ hai là Boris, xuất hiện với giọng khản đục, dáng thẳng đơ, cứng ngắc, rất dị thường. Thế là khán giả biết tới hai nhân vật quan trọng của đời sống sân khấu: nghệ sĩ và người nhắc tuồng mà theo lẽ thường, đó là hai số phận trái ngược, một người nổi tiếng, còn người kia đâu có ai biết đến. Họ sống với nhau hằng đêm, gắn bó với nhau qua từng nhân vật và cùng cất lên những câu nói của từng nhân vật. Sau mỗi đêm diễn, một người bị ngợp trong ánh hào quang của danh vọng và tiền bạc, người kia phải đếm từng xu, thậm chí còn lo làm sao trả hết nợ cho người được thỏa sức tung hoành trên sâu khấu lúc mình cặm cụi ngồi sau cánh gà. Vở kịch không xoáy vào nỗi đau xót của sự phân chia giàu nghèo, của bất công giữa nghệ sĩ và người làm hậu đài, mà lại làm sáng lên tình nghệ sĩ và tôn vinh tài hoa. Boris tuy nghèo khó nhưng vẫn biết phận mình là người không có tài. Anh nâng niu Pierre như nâng niu một tài năng vì biết mình có ước ao thì cũng không bao giờ biến được thành người như thế. Anh yêu quý tài diễn xuất của Pierre, yêu các nhân vật mà Pierre thể hiện trên sân khấu bằng khát vọng của chính mình. Boris muốn vươn lên cái đẹp, thánh thiện, cao thượng mà nghệ thuật mang lại bằng những khoảnh khắc hút hồn của chàng Hamlet day dứt với câu hỏi của thời đại “Tồn tại hay không tồn tại?” hay của Othello dũng mãnh nhưng chỉ vì ghen tuông mà giết chết nàng Dexdemona trong trắng… Tất cả những màn diễn đỉnh cao của các nhân vật nổi tiếng trong nền kịch nghệ thế giới mà Boris từng thủ vai lại hiện lên trong nơi tối tăm, đổ nát của một sân khấu đã hoang phế. Pierre – người nghệ sĩ già của Thành Hội đúng là sống trong những ảo giác mạnh nhất của mình. Anh kéo khán giả về phía mình, khiến khán giả không còn cảm thấy Pierre ở trước mặt, mà chính là Thành Hội. Anh mang linh hồn của Hamlet, của Othello, của Ferdinand đến cho khán giả. Cái hay ở đây là khi hóa thân vào những nhân vật kịch kinh điển, Thành Hội không lặp lại vở kịch xưa mà người xem vẫn thấy người nghệ sĩ già ấy đang làm sống lại những khoảnh khắc lung linh nhất của những nhân vật huyền thoại.
Thành Hội diễn càng hoạt náo, tưng bừng bao nhiêu thì nhân vật Piere của Ái Như càng tinh tế, khéo léo bấy nhiêu. Người bạn trong bóng tối của nghệ sĩ lớn cũng sống với đầy đủ cảm xúc với nhân vật của ông hằng đêm, thậm chí không chỉ rành rẽ nhân vật mà Pierre đang diễn, mà còn hiểu nghệ sĩ đến từng hơi thở, từng nụ cười. Nỗi niềm của Boris mênh mông, ẩn sâu trong từng lời nhắc tuồng. Ánh đèn sân khấu chính là cuộc đời ông. Sự dâng hiến của Pierre thật thầm lặng nhưng không thể thiếu. Thành Hội và Ái Như đã cho khán giả chứng kiến từng tích tắc những khoảng lặng để thấu hiểu nỗi đau của đời nghệ sĩ. Những biến chuyển thoắt vui, thoắt buồn của từng nhân vật đan xen trong tình người sâu thẳm như thôi miên khán giả. Không cần những pha gây cười, không cần những giọt nước mắt ủy mị mà những niềm vui cùng nỗi buồn của người xem cứứa ra.
Nội dung vở diễn dâng lên cao hơn một ý nghĩa: Nghệ thuật đâu chỉ là một loại hình giải trí, mà cao cả hơn, mang cái đẹp đến cho đời. Những câu nói “Hãy để đôi hài bẩn ngoài thánh đường nghệ thuật” hoặc người nghệ sĩ “hãy yêu nghệ thuật trong mình chứ đừng yêu mình trong nghệ thuật” quả thật rất đắt. Mới hay, cái đẹp mà nghệ thuật phải vươn tới mới là cái đích của người nghệ sĩ.
Chỉ có hai nhân vật trong suốt vở diễn mà sức cuốn hút rất mạnh mẽ, khát vọng được gởi tới khán giả. Xem Đêm thiên nga, có thể thấy cặp đôi Thành Hội – Ái Như kể ra cũng phiêu lưu khi lấy vở này để ra mắt khán giảở một điểm diễn mới. Thế nhưng, hãy nghe Ái Như tự tin chia sẻ: “Khởi đầu cho một điểm diễn mới tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận 10, Thành Hội và Ái Như muốn có một vở thật đẹp về nghệ thuật để dâng hiến cho các khán giả”.
Hy vọng rằng các khán giả sẽ không phụ lòng hai nghệ sĩ dám dấn thân vì nghệ thuật ấy.
Việt Nga (DNSGCT)