Một đêm thanh vắng nơi vườn vải, một cái chết bất minh chôn vùi cả dòng tộc danh tiếng. “Lệ Chi Viên” – cái tên như lời nguyền âm ỉ suốt gần sáu thế kỷ, không chỉ là bi kịch cá nhân, mà còn là vết thương lịch sử chưa từng khép lại trong tâm thức người Việt.
Nay, kỳ án ấy lại được kể một lần nữa, không phải để phán xét, mà để lắng nghe. Để cảm. Và để hiểu.
Trên sân khấu IDECAF, vở kịch “Lệ Chi Viên! (Bí mật vườn Lệ Chi)”, chính thức công diễn từ ngày 01 tháng 05 năm 2025 – tiếp nối tinh thần kể sử bằng nghệ thuật từng làm nên tiếng vang với “Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt – Người mang 9 án tử”.
Khi lịch sử không chỉ là những con chữ
Dựa trên vụ án có thật năm 1442, câu chuyện Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ – Lê Thái Tông được tái hiện bằng một hình hài mới. Một sân khấu tối giản, chỉ có ánh sáng, bóng tối, và những nhịp chuyển của đoạn Trường lang – khi là chốn triều đình uy nghi, lúc lại hoá ngục thất u uẩn.
Không có nhiều lời thoại phức tạp. Chỉ bằng ánh mắt, cử chỉ, hơi thở – nhưng đủ để lịch sử lặng lẽ thấm vào người xem như một làn sóng ngầm. Đạo diễn, biên kịch kiêm diễn viên Quang Thảo đã chọn một cách kể chuyện táo bạo. Anh kể bằng nỗi uất nghẹn không thốt nên lời, bằng lòng kiêu hãnh của một người phụ nữ trí tuệ, bằng sự im lặng nén nhịn của người mang chí lớn nhưng chịu cảnh diệt vong.
“Lệ Chi Viên” không chỉ xoáy sâu vào ba nhân vật chính – Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ và Lê Thái Tông – mà còn trao thêm tiếng nói cho những nhân vật phụ. Đó là những mảnh ghép tạo nên một bức tranh đầy góc khuất và trắc ẩn, để người xem không chỉ nhìn, mà còn suy ngẫm.
Chất liệu sân khấu: Khi tối giản là một tuyên ngôn
Không cầu kỳ. Không thừa thãi. Mỗi đạo cụ xuất hiện trên sân khấu như một ký hiệu, có khi là tấm rèm, hương trầm, một vệt sáng giữa bóng tối – vừa thực, vừa biểu tượng. Cảm xúc sân khấu được dẫn dắt bởi ánh sáng, khi thì lạnh lẽo trong cơn bẽ bàng, khi thì đỏ rực như con giận dữ của oan trái.
Bên cạnh đó, âm nhạc cũng tinh tế “gõ khẽ” vào trái tim người xem, một tiếng đàn ngân, một âm rung của trống, một khoảng lặng kéo dài … để khán giả không chỉ nghe mà còn được chạm đến nội tâm từng nhân vật. Mỗi giai điệu, âm sắc đều như mở ra một không gian tâm lý, nơi những nhân vật đối diện với vận mệnh nghiệt ngã của mình.
Phong cách biểu diễn tiết chế, dồn nén, những chuyển động chậm rãi, ánh mắt giao hảo khiến vở kịch được kết nối từng bước một với khán giả. Mỗi nhịp thở, mỗi ánh nhìn đều là một “lời thoại”, như muốn khán giả tự tìm lời giải cho những thắc mắc tưởng như đã qua.
Một bản án treo lơ lửng giữa công lý và phi lý
Vua băng hà ngay trong đêm dừng chân tại Lệ Chi Viên – vườn vải của Nguyễn Trãi. Cái chết chưa rõ căn nguyên, lập tức trở thành lý do cho bản án tru di tam tộc. Gần 600 năm trôi qua, hậu thế vẫn không đừng đặt câu hỏi: Đó là án oan, hay màn kịch chính trị được dàn dựng tinh vi?
Sử xanh chép tên Nguyễn Trãi bằng hai dòng: công thần lập quốc và tội nhân sát vua. Đến nay, đây vẫn là một kỳ án nổi tiếng và gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử Việt Nam. Nhưng vở kịch không tìm cách truy nguyên chân lý. Nó để người xem tự đối diện với câu hỏi: Lẽ phải, … nằm ở đâu?
Lịch sử, nếu không chạm được vào trái tim, sẽ chỉ là … xác chữ.
“Lệ Chi Viên” gieo mầm cảm xúc chuyện sử cho người trẻ
Không cố giảng giải như một bài học giáo khoa. Không hô hào như một thông điệp tuyên truyền. “Lệ Chi Viên” thì thầm – Như lời trần tình muộn màng gửi hậu thế. Như ánh nhìn ngoái lại của người đã mất, mong một ngày được gọi đúng tên mình.
Mỗi nhân vật không còn là biểu tượng khô khan trên trang sách, mà là con người có xúc cảm, có dằn vặt, có yêu, có hận, có lựa chọn và cũng có bất lực. Nguyễn Trãi không chỉ là bậc khai quốc bị hàm oan không thể cất lời, ông còn là người chồng chịu mất mát, người cha bị cướp đi cả ba đời. Nguyễn Thị Lộ – nữ học sĩ tài hoa, bà là người phụ nữ dám yêu, dám sống và dám hi sinh. Còn vị vua trẻ Lê Thái Tông, một nạn nhân của âm mưu thâm cung, là mảnh ghép thinh lặng trong màn bi kịch.
Sân khấu không chỉ là bộ môn nghệ thuật giải trí, mà còn là cơ hội để ngược dòng thời gian. Nó trở thành chiếc gương phản chiếu nhân tâm, soi rọi đúng sai trong mỗi thời đại.
“Lệ Chi Viên” chọn cách bước ra khỏi lớp bụi thời gian, để tiến về phía người trẻ, những khán giả không tìm đến vì hoài niệm, mà vì khát khao hiểu sâu thêm căn cội dân tộc.
Bởi đôi khi, để vững bước vào tương lai, người ta cần lặng một khoảng trước quá khứ. Lịch sử không cần phải được xử lại, chỉ cần được hiểu bằng cả trái tim.
Công diễn: Từ ngày 01 tháng 05 năm 2025
Địa điểm: Nhà hát Thanh Niên – số 04 Phạm Ngọc Thạch, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp.HCM
Tác giả: Hoàng Hữu Đản
Biên tập & đạo diễn: Mai Khắc Thảo (Quang Thảo)
Giám đốc sản xuất: Huỳnh Anh Tuấn
Thiết kế sân khấu: Lê Văn Định
Âm nhạc: Nhạc sĩ Văn Tứ Quý
Thiết kế phục trang: NTK Hạnh Mai + Cổ trang Hoàng cung, Ngọc Tuấn, Nhà hát Thiếu nhi Nụ Cười.
Biên đạo múa: Ngọc Tuấn, Huỳnh Trung
Âm thanh: Huỳnh Trung, Trung Trực, Thành Danh
Ánh sáng: Minh Châu, Thành Phước
Hậu đài: Ngọc Phương, Ngọc Dũng, Văn Nhơn, Hiếu Vương, Văn Sang
DIỄN VIÊN
Quang Thảo trong vai Nguyễn Trãi
Đình Toàn trong vai Lê Thái Tông và Lê Thánh Tông
Đại Nghĩa trong vai Tạ Thanh
Mỹ Duyên trong vai Nguyệt Hoa
Hoàng Trinh trong vai Nguyễn Thị Lộ
Hồng Ánh trong vai Ngô Thị Ngọc Dao
Thanh Thủy trong vai Nguyễn Thị Anh
Trịnh Minh Dũng trong vai Đinh Thắng
Tâm Anh trong vai Hình quan họ Đặng
Cùng các diễn viên: Công Tôn Nghĩa, Phương Nguyễn, Thái Hiển, Trung Tín, Kan Lê, Phi Nga, Thanh Anh, Kim Thanh, Hoài Trang và các diễn viên Nhà hát Thiếu nhi Nụ Cười.