Vừa qua, Thương vụ tại Thái Lan cho biết đã nhận được đề nghị hỗ trợ từ một số doanh nghiệp Việt Nam về việc xử lý gian lận trong giao dịch thương mại giữa doanh nghiệp hai nước.
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam thường tìm kiếm các nhà sản xuất, xuất khẩu Thái Lan trên internet và một số tiến hành giao dịch trong khi chưa xác minh đầy đủ thông tin về đối tác. Lợi dụng tâm lý chủ quan, thiếu nghiệp vụ ngoại thương của phía doanh nghiệp Việt Nam, một số doanh nghiệp Thái Lan đã lừa đảo tiền đặt cọc của các nhà nhập khẩu Việt và không chịu giao hàng. Các vụ việc xảy ra nhiều nhất ở nhóm nhập khẩu giấy A4.
Tại hội thảo Kết nối khách hàng và nhà cung ứng nước ngoài cho doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh ngày 19-1 vừa qua, ông Emmanuel Atienza, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Công ty Dun Bradstreet cho biết trong vòng vài năm trở lại đây, tỷ lệ gian lận liên quan đến các đơn hàng quốc tế ước tính lớn gấp 3,5 lần so với đơn hàng nội địa. Theo khảo sát ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, các doanh nghiệp cũng từ chối đơn đặt hàng quốc tế gấp 3,5 lần so với các đơn hàng nội địa.
Theo nhận xét của Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc Trường Đại học Ngoại thương cơ sở II, quá trình hội nhập kinh tế đang tạo sức ép khiến doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện nhiều hơn các giao dịch thương mại quốc tế nếu muốn duy trì sản xuất. Tuy nhiên, giao dịch thương mại quốc tế thường phát sinh nhiều rủi ro về sự thay đổi chính sách, sự khác biệt về hệ thống pháp lý thương mại giữa các quốc gia, những biến động về lạm phát, lãi suất hay tỷ giá…
Các chuyên gia tài chính tại hội thảo cho biết rủi ro lớn nhất xuất phát từ các điều khoản thanh toán. Bà Sandy Toh, Giám đốc cấp cao giải pháp thương mại quốc tế Ngân hàng UOB cho biết, phương thức thanh toán phổ biến hiện nay là ghi nợ, bên mua nhận hàng trước và thanh toán sau một khoảng thời gian nhất định. Phương thức này có lợi cho người mua khi có thể kiểm tra số lượng và chất lượng hàng hóa trước khi thanh toán nhưng lại bất lợi cho bên bán, do nhận được tiền chậm, khiến dòng vốn lưu chuyển chậm, thậm chí có thể bị khách hàng lừa đảo, không thanh toán.
Ngược lại, phương thức thanh toán trước, nhận hàng sau lại chỉ có lợi cho bên bán, đẩy rủi ro về phía người mua. Vì vậy, để tránh xung đột về quyền lợi và tránh rủi ro trong thanh toán cho cả hai bên, trước khi thực hiện giao dịch, các doanh nghiệp nên kiểm định khả năng tài chính của đối tác thông qua sao kê giao dịch tại ngân hàng; đồng thời lựa chọn các giải pháp thanh toán đảm bảo như: thư tín dụng để chắc chắn tiền hàng được thanh toán đầy đủ và đúng hạn.
Để quản trị và giảm thiểu tối đa những rủi ro trong giao dịch thương mại quốc tế, các chuyên gia cũng khuyến cáo doanh nghiệp khi tiếp cận một thị trường mới, khách hàng mới cần tìm hiểu kỹ thông tin thị trường, đối tác, kiểm định thông tin đa chiều trước khi quyết định hợp tác.
Ngược lại, để tạo sự tin cậy với các đối tác nước ngoài, ông Emmanuel cho rằng các doanh nghiệp cần đẩy mạnh sự hiện diện trực tuyến trên toàn cầu của mình. Ví dụ như: Tăng tính minh bạch – tiếp thị sự uy tín và xác thực trực tuyến bằng cách hiển thị hồ sơ công ty lên trang mạng bên thứ ba đáng tin cậy.