Theo dự đoán của nhiều chuyên gia trong ngành, năm 2019 tăng trưởng của ngành nhựa Việt Nam sẽ giảm so với 2018, ước tính sản lượng kỳ vọng sẽ chỉ tăng ở mức từ 6 – 7%.
Trong đó, tăng trưởng chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống không cồn sẽ là động lực tăng trưởng chính cho mảng nhựa bao bì trong năm 2019.
Còn tăng trưởng của mảng nhựa xây dựng trong năm 2019 chủ yếu đến từ tăng trưởng xây dựng nhà không để ở và xây dựng hạ tầng nước.
Sức ép lớn từ doanh nghiệp ngoại
Cơ cấu giá trị ngành nhựa Việt Nam đang có xu hướng chuyển dịch từ các mảng có giá trị gia tăng thấp như mảng nhựa bao bì và mảng nhựa dân dụng sang các mảng sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn như nhựa xây dựng và nhựa kỹ thuật.
Theo quy hoạch phát triển ngành nhựa, hai mảng nhựa xây dựng và nhựa dân dụng được kỳ vọng sẽ đóng góp lần lượt 27% và 25% trong cơ cấu giá trị ngành nhựa năm 2025.
Khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vừa nổ ra, đã có ý kiến dự báo điều đó sẽ tạo cơ hội lẫn thách thức cho các nhà sản xuất nhựa trong nước; đem đến lợi ích cho người tiêu dùng và cho các nhà sản xuất nhựa xuất khẩu nhờ giá nguyên liệu giảm.
Dự báo này không phải là không có cơ sở, khi mà cán cân xuất nhập khẩu của ngành nhựa Việt Nam với Trung Quốc (TQ) chiếm tỷ trọng nhỏ, trong khi Việt Nam là nước xuất siêu sản phẩm nhựa sang Mỹ với tỷ trọng khá lớn (Việt Nam xếp thứ 17 về xuất khẩu nhựa sang Mỹ).
Tuy nhiên, cuối tháng 9-2018, giá trị lượng hàng nhựa, cao su của TQ (một trong các nước đi đầu về xuất khẩu cao su và sản phẩm nhựa vào Mỹ) bị Mỹ áp thuế lên đến khoảng 10 tỉ USD. Do đó, việc các doanh nghiệp nhựa của TQ buộc phải chuyển hướng để tìm kiếm thị trường khác là điều tất yếu.
Theo phân tích của Chứng khoán Bảo Việt, nhìn từ chiều hướng khác, nếu TQ đem 10 tỉ USD hàng nhựa và cao su vào Việt Nam, thách thức đối với các nhà sản xuất nhựa trong nước không hề nhỏ.
Doanh nghiệp nhựa trong nước sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp TQ, kể cả việc họ sẽ tìm cách đội lốt nhãn mác của Việt Nam để tránh thuế của Mỹ.
Trên thực tế, làn sóng dịch chuyển đầu tư sản xuất vào Việt Nam của các doanh nghiệp nhựa TQ, nhằm giảm chi phí lao động đang tăng cao tại TQ, đã diễn ra trong 5-7 năm qua dưới hình thức vốn FDI và cả FII, xu hướng này sẽ tiếp tục mạnh hơn trong thời gian tới.
Không chỉ có sức ép cạnh tranh từ nhà đầu tư TQ, hiện nhiều nhà đầu tư ngoại cũng nhắm đến mục tiêu thâu tóm các doanh nghiệp có tên tuổi trong ngành nhựa ở Việt Nam.
Khoảng hơn năm năm trở lại đây nhiều doanh nghiệp trong nước đã lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh với các công ty nước ngoài.
Hiện tại, các sản phẩm bao bì nhựa của Việt Nam đã có lợi thế cạnh tranh tại thị trường EU so với các sản phẩm bao bì nhựa từ các nước khác trong khu vực do không bị đánh thuế chống bán phá giá từ 4 – 30%.
Trong cơ cấu xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam, khu vực EU chiếm tỷ trọng lớn với khoảng 22% trên tổng cơ cấu, đứng thứ hai sau thị trường Nhật Bản.
Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào thị trường ngành nhựa Việt Nam đang đứng trước sức ép cạnh tranh gay gắt và nhiều công ty đang lần lượt rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.
Cung trên đà tăng nhanh hơn cầu
Theo nhận định của một doanh nhân ngành nhựa, hiện nay ngành này cung đang vượt cầu, nhiều nhà máy mới được thành lập và mở rộng.
Để giành thị phần, nhiều doanh nghiệp đưa ra mức chiết khấu ngày càng lớn để thu hút nhà phân phối. Biên lợi nhuận giảm đang trở thành thách thức và cũng là rủi ro cho đa số doanh nghiệp trong ngành.
Ông Nguyễn Hoàng Ngân – Phó chủ tịch Hiệp hội nhựa Việt Nam, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh cho biết, hiện doanh nghiệp Việt không có dữ liệu đầy đủ về tổng cung hay nhu cầu toàn thị trường: “Phân tích dựa trên số liệu mà Bình Minh thu thập được thì năng lực cung hiện gấp hai lần so với tổng cầu toàn thị trường đang ở mức khoảng 350.000-400.000 tấn”.
Chi phí gia nhập ngành không quá lớn và tốc độ tăng trưởng nóng những năm trước đã khiến nhiều doanh nghiệp mới tham gia vào ngành nhựa.
Nếu các doanh nghiệp đã có thương hiệu lâu năm chỉ chiết khấu sản phẩm cho nhà phân phối ở mức 20% thì các doanh nghiệp mới vào ngành sẵn sàng đẩy con số này lên mức 27 – 37%.
Thậm chí có những dự án đấu thầu quy định mức chiết khấu tối thiểu là 42%. Mặc dù vậy, thị trường nhựa trong nước vẫn được đánh giá là có tiềm năng lớn vì ngành nhựa Việt Nam mới chỉ ở bước đầu của sự phát triển so với thế giới.
Ông Hoàng Đức Vượng, Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Vĩnh Thành cho biết ở nhiều nước phát triển, tỷ lệ sử dụng nhựa trong đời sống chiếm khoảng 78% với gạch nhựa, gỗ nhựa, nhà xây bằng nhựa – nhựa được coi là vật liệu không thể thay thế.
Ở các nước châu Á, tỷ lệ sử dụng nhựa đạt 45%, Việt Nam chỉ khoảng 25%. Tuy nhiên, với đòi hỏi của người dùng ngày càng cao như sản phẩm phải có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, không hại sức khỏe, thân thiện với môi trường…, các doanh nghiệp trẻ cũng không dễ tồn tại nếu không đủ nguồn vốn duy trì hoạt động kinh doanh trong dài hạn.
Các yêu cầu ngày càng khắt khe buộc doanh nghiệp phải liên tục cải tiến kỹ thuật sản xuất, cập nhật xu hướng tiêu dùng mới. Nhiều doanh nghiệp nhựa là các công ty gia đình, công ty tư nhân có quy mô nhỏ lẻ trước đây hiện đang đẩy mạnh đầu tư công nghệ, nhà xưởng, liên kết cùng các công ty nước ngoài để tập trung đầu tư sản phẩm cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.