Với mức tăng trưởng trên 20% và tổng giá trị thị trường đạt gần 5 tỉ USD trong năm qua, lĩnh vực bao bì nhựa tại Việt Nam tiếp tục được đánh giá là một ngành hấp dẫn, dù vậy sức cạnh tranh của khối doanh nghiệp nội vẫn đang giảm sút. Theo ý kiến của nhiều người trong ngành, bức tranh toàn ngành bao bì nhựa sắp tới sẽ có nhiều thay đổi.
Trong năm 2017, biên lợi nhuận thuần của doanh nghiệp bao bì nhựa Việt Nam ước tính bị giảm khoảng 1% do thuế nhập khẩu hạt PP tăng 3% từ hồi đầu năm. Hạt nhựa PP là nguyên liệu chính của cả ngàn doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa hiện nay. Mặt hàng này phải nhập khẩu tới 80%. Ngành nhựa có biên lợi nhuận khá thấp, chỉ 5% trong khi có tỷ lệ hao hụt cao lên đến 7%. Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán Vietcombank, tiềm năng ngành nhựa Việt Nam còn rất lớn, chỉ số tiêu thụ nhựa bình quân tại Việt Nam hiện đạt 41kg/người/năm, thấp hơn nhiều so với mức 48 kg/người/năm của châu Á và mức 70kg/người/năm của thế giới.
Theo bà Lý Hoàng Anh Thi, Công ty Chứng khoán Vietcombank, hiện nay có 12 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nhựa bao bì niêm yết trên thị trường chứng khoán, được phân chia thành những mảng nhỏ hơn gồm bao bì mềm, bao bì thực phẩm, bao bì PET và bao bì xây dựng với tổng vốn hóa hơn 4.000 tỉ đồng. Trước xu hướng mua bán và sáp nhập, có nhiều doanh nghiệp sản xuất bao bì mới ra đời hoặc nâng tầm ảnh hưởng đến thị trường bằng cách tái cấu trúc, tăng mức đầu tư cả về công nghệ, số lượng máy móc, thiết bị, nguồn nhân lực. Tỷ lệ doanh nghiệp bao bì có doanh số lớn hơn 30 triệu USD ngày một gia tăng, nhóm doanh nghiệp có tổng doanh thu tầm 5 triệu USD/năm tăng vượt trội trong những năm gần đây. Mặc dù vậy, chiếm phần lớn trong hơn 2.000 doanh nghiệp mảng bao bì nhựa đang hoạt động là những doanh nghiệp quy mô nhỏ, hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp mảng nhựa xây dựng.
Công ty Chứng khoán Thiên Việt nhận định, ngành nhựa bao bì năm 2017 duy trì được tỷ suất lợi nhuận gộp là 15% nhưng rủi ro vay nợ, đặc biệt là nợ ngắn hạn là điểm cần lưu ý ở các doanh nghiệp nội địa. Các doanh nghiệp nhựa Việt Nam có tỷ lệ vay nợ ngắn hạn khá cao, trung bình khoảng 70% và nợ dài hạn là 30%.
Với mô hình đóng gói nội bộ, đa số doanh nghiệp bao bì nhựa nhỏ trong nước có thiết bị sản xuất nghèo nàn không thể đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cao của những công ty hàng tiêu dùng lớn và sự phức tạp trong hành vi tiêu dùng của người dân. Miếng bánh thị trường ngày càng lớn nhưng phần tăng trưởng đang dần thuộc về doanh nghiệp có vốn nước ngoài, đó là các công ty chi nhánh của những tập đoàn bao bì nhựa dẻo toàn cầu đã phục vụ cho nhiều công ty đa quốc gia trong thời gian dài. Nhóm này hiện đang cạnh tranh quyết liệt với công ty nội địa, nâng cấp máy móc, thiết bị hiện đại, cũng như chuyên gia trong lĩnh vực bao bì dẻo. Xét trên mọi khía cạnh, từ điều kiện sản xuất kinh doanh đến năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp nước ngoài đều thể hiện sự vượt trội, lấn lướt; còn doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tỏ ra đuối sức khi phải chịu áp lực kép: vừa phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài vừa bị lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu, kỹ thuật, máy móc nhập khẩu…
Trước thực tế trên, một số công ty đã nhận định M&A là phương thức phù hợp để tồn tại. Giám đốc một doanh nghiệp trong ngành nhựa cho biết M&A là cơ hội hay thách thức còn tùy thuộc vào từng doanh nghiệp và cổ đông của doanh nghiệp đó. “M&A sẽ là phương thức tốt để hiện thực hóa khoản đầu tư, nhưng đồng thời cũng là mối đe dọa nếu công ty vẫn muốn hoạt động theo lối cũ”, ông này khẳng định.