Vì Trung Quốc đã cấm nhập khẩu phế liệu nhựa nên lượng hàng loại này trong sáu tháng đầu năm nay nhập về VN tăng gấp đôi năm ngoái. Theo tin từ Tổng cục Hải quan, đến ngày 25-7, có tới 3.579 container phế liệu tồn ở cảng Cát Lái, còn ở cảng Hải Phòng là 1.495 container.
Do lượng hàng phế liệu tại các cảng không được giải phóng, chi phí lưu kho bãi quá cao khiến nhiều doanh nghiệp không dám nhận hàng. Một số doanh nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất hàng trăm tì đồng nhưng không có nguyên liệu nên cũng đứng trước nguy cơ phá sản.
Tại hội thảo chuyên đề “Ô nhiễm môi trường trong nhập khẩu và tái chế nhựa phế liệu” được tổ chức tại TP.HCM hôm 14-8, ông Hồ Đức Lam – Chủ tịch Hiệp hội Nhựa VN cho biết ngành nhựa có lượng doanh nghiệp lớn nhất cả nước (hơn 2.000 doanh nghiệp), sử dụng 118.925 lao động. Trong chục năm qua, mức tăng trưởng hằng năm của ngành này khoảng 15-20% nhưng phải nhập khẩu đến 80% lượng nguyên liệu. Năm ngoái, ngành nhựa nhập khẩu 4,9 triệu tấn hạt nhựa, tổng kim ngạch nhập khẩu hạt nhựa và sản phẩm nhựa lên tới 12,68 tỉ USD, nhưng kim ngạch xuất khẩu mới chỉ đạt 2,5 tỉ USD. Tổng doanh thu ngành nhựa trong năm 2017 đạt gần 15 tỉ USD.
Để giải quyết những khó khăn trên cho doanh nghiệp, ông Lam cho hay, Hiệp hội Nhựa VN đã và đang kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thay đổi phương pháp quản lý nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu hầu hết các loại nhựa tái chế. Đề nghị không đánh đồng nhựa tái chế và hàng phế liệu nhựa khi thực hiện quy định cấm nhập khẩu mặt hàng phế liệu. Bộ Tài chính nên cho thông quan các container hàng nhựa đã qua sử dụng đang tồn ở các cảng biển, đồng thời cho nâng luồng kiểm tra xác suất để giám sát chặt chẽ mặt hàng nhựa phế liệu và hàng đã qua sử dụng để giúp các doanh nghiệp nhận được hàng từ cảng sớm nhất.